Nạn nhân bị mua bán bằng những thủ đoạn tinh vi

Ngày 30/7 là Ngày toàn dân phòng chống mua bán người. Với chủ đề "Sử dụng và lạm dụng không gian mạng”, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan, tổ chức quyết tâm tăng cường hợp tác nhằm phát triển các giải pháp bền vững dựa trên công nghệ để hỗ trợ phòng, chống mua bán người, đặc biệt là tội phạm mua bán người trên không gian mạng.

Theo báo cáo về tình trạng mua bán người toàn cầu của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc năm 2018, cứ 10 nạn nhân được phát hiện thì có 7 nạn nhân là nữ, trong đó, 5 phụ nữ, 2 trẻ em gái.

Số nạn nhân mua bán người tăng lên hàng năm; từ dưới 20.000 người năm 2003 đến khoảng 49.000 người năm 2018, số nạn nhân nữ chiếm khoảng 65% (trong đó, 19% trẻ em gái) với nhiều hình thức bị mua bán: 50% bị bóc lột tình dục, 38% lao động cưỡng bức và một số trở thành nạn nhân của các hoạt động phi pháp khác.

Ở Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người; trong đó, kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố 17 vụ, đang điều tra 15 vụ….

Đáng chú ý, không chỉ có trẻ em, cả người lớn cũng bị lừa bán từ các mối quan hệ trên mạng xã hội. Nạn nhân đã bị mua bán bằng những thủ đoạn tinh vi, dẫn đến bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn… ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nạn nhân và gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em.

 
leftcenterrightdel
 Nạn nhân (áo kẻ, bên trái) nhận diện các đối tượng mua bán người.

Tăng thời lượng tuyên truyền về chính sách, pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán người

Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo lãnh đạo Bộ Công an, thời gian tới, cần tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng và chủ đề của “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” năm 2022 là “Sử dụng và lạm dụng không gian mạng” để tiếp tục hành động, triển khai hiệu quả các mặt công tác phòng, chống mua bán người với 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người với các hình thức đa dạng, phong phú.

Các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên toàn quốc tăng thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người; xây dựng, duy trì hoạt động các chuyên trang, chuyên mục, chương trên các kênh phát thanh, truyền hình và tổ chức tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, trực tiếp tại cộng đồng...

Theo thống kê, đầu năm 2022, Việt Nam có gần 77 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 78,1% dân số, tăng 5 triệu người so với năm 2021; 97,6% người dùng Internet ở Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội facebook và tỷ lệ phụ nữ dùng facebook là 50,9%.

Đây vừa là cơ hội cho phụ nữ tiếp cận thị trường, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhưng cũng là nguy cơ trở thành nạn nhân của nhiều loại hình tội phạm, trong đó, có tội phạm mua bán người.

Trước thực trạng này, với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ và nhiệm vụ được phân công trong Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát huy thế mạnh của tổ chức, phát huy tính ưu việt của công nghệ số, mạng xã hội để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Các cấp Hội hiện có gần 2.000 trang fanpage Facebook, hơn 11.000 nhóm Zalo được thành lập phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền của các cấp Hội.

Các Cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội của các cấp Hội được điều hành ngày càng hiệu quả, là diễn đàn quan trọng để lắng nghe tâm tư của hội viên, phụ nữ, là nguồn thông tin chính thống cung cấp kiến thức, kỹ năng toàn diện cho hội viên, phụ nữ và nhân dân, đồng thời, tạo hiệu ứng lan tỏa trong các tầng lớp phụ nữ, cộng đồng xã hội về phòng, chống mua bán người.

 

Hồng Vân