Trước đó, tối 20/9, các lực lượng thuộc CATP Hà Nội, gồm: Đội 3 - Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng Cảnh sát giao thông và Công an huyện Phúc Thọ tiến hành phối hợp tuần tra trên sông Hồng, khu vực thuộc địa bàn xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ.
Trong quá trình tuần tra, khoảng 19h20‘ cùng ngày, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện và bắt giữ 1 tàu đang khai thác cát trái phép.
Tại thời điểm bắt giữ, trên tàu có 3 đối tượng đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép. Bước đầu, các đối tượng thừa nhận hành vi vi phạm, không xuất trình được các giấy tờ liên quan như: Bằng thuyền trưởng, đăng ký đăng kiểm phương tiện giao thông đường thủy…
Tổ công tác đã tiến hành đo đạc sơ bộ, xác định các đối tượng đã khai thác được khoảng 300m3 cát và đang tiếp tục được điều tra, xử lý vụ việc theo quy định.
|
|
2 tàu hút cát trái phép trên sông Hồng bị tổ công tác của Thủy đoàn I - Cục CSGT kiểm tra bắt giữ . |
Cách đây không lâu, trong quá trình làm nhiệm vụ, tổ công tác của Thủy đoàn I - Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an phát hiện bắt giữ 2 tàu hút cát trái phép trên sông Hồng, đoạn giáp ranh xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc và huyện Ba Vì, TP Hà Nội.
Tại thời điểm bắt giữ, tàu có gắn số đăng kiểm VR07032015 (không gắn biển kiểm soát) đang sử dụng hệ thống hút cát vào hai khoang của tàu. Đồng thời, bơm cát từ 2 khoang của tàu này sang tàu mang số hiệu HY-0607.
Thời điểm kiểm tra, trên tàu VR07032015 có năm người. Trong đó, ông Lê Tiến Việt (trú tại tỉnh Phú Thọ) làm đại diện phương tiện. Còn trên tàu HY-0607 có hai người, ông Lê Văn Hạnh (trú tại tỉnh Hưng Yên) là chủ phương tiện và là người vận hành tàu. Chủ hai tàu nêu trên không xuất trình được giấy chứng minh nguồn gốc của 500m3 cát đang chở trên tàu.
Khai nhận với cơ quan Công an, hai chủ tàu cho biết, có hẹn trước để mua cát của nhau trên sông Hồng nhưng không có hợp đồng mua bán, không có giấy tờ, hóa đơn chứng từ hợp pháp. Giá của mỗi khối cát mua bán tại tàu là 50.000 đồng/m3.
Những năm qua, hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng diễn ra nhức nhối nhưng các địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết dứt điểm nạn "cát tặc".
Hậu quả khiến hàng trăm hec-ta “bờ xôi, ruộng mật” của người dân ven 2 bờ sông bị sạt lở; lòng sông có nhiều hố xói sâu, ghềnh cạn, thậm chí còn tạo ra những hàm ếch lớn sát chân đê, tạo ra những xoáy nước lớn, mạch động lưu tốc cao, gây mất ổn định đê. Hàng năm, Nhà nước và chính quyền các địa phương phải tốn hàng trăm tỷ đồng để xây dựng kè chống sạt lở, bảo vệ bờ bãi và chân đê.