Liên quan đến việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, Thông báo Kết luận thanh tra nêu rõ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, nhưng có văn bản ban hành chậm, không toàn diện, có nội dung chưa thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai, dẫn đến mất quyền lợi của người sử dụng đất khi bị thu hồi đất, nguy cơ gây thất thu ngân sách Nhà nước khi chuyển mục đích đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp.

Diện tích rừng tự nhiên năm 2017 giảm nhiều so với kiểm kê rừng năm 2014 (giảm 12.030,08 ha), việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng năm 2017 có nhiều sai sót, thiếu chính xác, lỏng lẻo trong quản lý; việc đưa ra, đưa vào quy hoạch 3 loại rừng đối với diện tích 139.625,71 ha còn thiếu căn cứ. UBND tỉnh chưa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, chưa lập kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, chưa công bố quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, không ban hành Khung giá rừng (từ năm 2020 trở về trước) là không đúng quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. 

Tình trạng khai thác, phá rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp, với diện tích rừng bị phá là 9.992,77 ha, nhưng còn 71/165 vụ việc tạm đình chỉ điều tra hoặc xử lý hành chính, cần phải được giám sát công tác điều tra, truy tố để tránh bỏ lọt tội phạm.

Trong quản lý sử dụng quỹ đất bàn giao về địa phương, đất công ích còn để xảy ra vi phạm như cho thuê đất công ích không thông qua đấu giá (thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa); Quỹ đất được thu hồi bàn giao về địa phương (Chư Prông, Chư Sê, Kbang, Ia Grai) còn quản lý theo hiện trạng, chưa thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính, kiểm tra, rà soát, xây dựng phương án sử dụng đất là vi phạm Luật Đất đai năm 2013.

leftcenterrightdel
 Một góc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. (Ảnh minh hoạ)

Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (đối với các hộ gia đình cá nhân), cấp Giấy chứng nhận QSDĐ tại khu vực đô thị còn để xảy ra vi phạm như: Giao đất tái định cư nhưng không ban hành quyết định giao đất, không thẩm định nhu cầu sử dụng đất (huyện Đak Đoa); giao đất không thông qua đấu giá vi phạm Luật Đất đai 2013 (121 hộ gia đình phường Thắng Lợi, TP Pleiku; thị xã Ayun Pa; thị xã An Khê; huyện Đak Đoa; huyện Đức Cơ; huyện Kbang); ban hành quyết định thu hồi đất và các quyết định cho thuê đất có nội dung khác nhau về mục đích sử dụng đất (huyện Đak Đoa).

Có 2.122 trường hợp không đủ điều kiện tách thửa sau khi chuyển mục đích (diện tích đất nông nghiệp còn lại nhỏ hơn 300m2 tại các phường, thị trấn; nhỏ hơn 500m2 tại xã) nhưng được UBND huyện, thị xã và thành phố Pleiku cho phép chuyển mục đích từ đất phi nông nghiệp sang đất ở đô thị là trái quy định tại Điều 1 Quyết định số 08/2018/QĐ-UBND ngày 20/3/2018 của UBND tỉnh; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp Kế hoạch sử dụng đất (thành phố Pleiku, huyện Đak Đoa, thị xã Ayun Pa); cấp Giấy chứng nhận QSDĐ sai quy định (đất sản xuất kinh doanh với thời hạn lâu dài) vi phạm Luật Đất đai 2013 (huyện Đak Đoa)…

Mặt khác, công tác quản lý, cấp phép, giám sát hoạt động khoáng sản còn để xảy ra một số thiếu sót như: Thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý và chưa kịp thời xử lý đối với các vi phạm tại 8 dự án được thanh tra.

Đối với các dự án vốn ngoài ngân sách, công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tiến độ, tình hình thực hiện các dự án đầu tư chưa thường xuyên, thiếu kịp thời, thiếu kiên quyết. Việc tham mưu, xử lý vi phạm đối với các dự án chậm tiến độ, không thực hiện đầu tư, nhất là các dự án không đầu tư, chậm tiến độ kéo dài nhiều năm và hết thời hạn đầu tư thể hiện buông lỏng quản lý.

Số tiền ký quỹ các dự án ngoài ngân sách 178.782,104 triệu đồng thuộc trường hợp phải thu hồi nhưng Sở KH&ĐT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã buông lỏng quản lý, chưa kịp thời tham mưu thu hồi, cần phải được rà soát, xử lý theo quy định.

Ngoài ra, còn buông lỏng quản lý sử dụng đất, quản lý giám sát đầu tư, để xảy ra vi phạm, điển hình như: Cấp chủ trương đầu tư trong khi Chủ đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính; miễn tiền thuê đất sai quy định; có dự án xây dựng trên đất quy hoạch lâm nghiệp chưa được chuyển mục đích sử dụng đất (Nhà máy điện Yang Trung, Nhà máy điện Chơ Long); áp dụng phương pháp xác định giá đất cụ thể không đúng…

Từ những nội dung kết luận, nhận xét, đánh giá nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn có liên quan về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành được nêu trong Kết luận thanh tra. Đồng thời, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn có liên quan về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm được nêu trong Kết luận thanh tra.

P.V