Theo đó, Quy định này quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND, hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra của VKSND tối cao và hoạt động giám định của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao (gọi chung là hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp).
Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong ngành KSND trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, gồm: Ban cán sự đảng VKS các cấp; cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong ngành KSND.
Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND, VKS quân sự các cấp; thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra của VKSND tối cao; Điều tra viên; cán bộ điều tra.
Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Giám định viên của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao.
Về nguyên tắc kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Quy định nêu rõ các nguyên tắc gồm: Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng; sự giám sát của các chủ thể có thẩm quyền; tuân thủ các chủ trương, quy định của Đảng, các quy định của pháp luật có liên quan.
Bảo đảm mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn.
Bảo đảm tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy định về ứng xử trong ngành KSND của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Bảo đảm công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Mặt khác, Quy định cũng nêu rõ các nội dung kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, đó là: Kiểm soát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế tổ chức và hoạt động, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy định về ứng xử trong ngành KSND, công tác PCTNTC trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND.
Kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Ngoài ra, Quy định còn nêu rõ phương thức kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Cụ thể gồm: Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế tổ chức và hoạt động, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy định về ứng xử trong ngành KSND để kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện trách nhiệm nêu gương, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và các biện pháp khác kiểm soát quyền lực, phòng ngừa vi phạm, tham nhũng, tiêu cực; công tác giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; công tác tự kiểm tra, báo cáo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ VKS các cấp.
Lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của VKS các cấp theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong VKSND.
Theo dõi, kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế tổ chức và hoạt động, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy định về ứng xử trong ngành KSND; việc giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Lãnh đạo, chỉ đạo về chủ trương xử lý các vụ án, vụ việc theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Quy định gồm 4 chương, 15 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/11/2024.
Về những hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Quy định nêu rõ: Các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực theo quy định tại Điều 6 Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án xảy ra trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. |