Mua bán đất rừng tự nhiên trái pháp luật?

Liên quan đến vụ phá rừng này, ngày 19/4/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện Chợ Đồn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự.

Ngày 26/9/2023, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Đinh Văn Sĩ (SN 1971, trú tại xã Văn Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; tạm trú tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, quy định tại điểm b khoản 3 Điều 232, Bộ luật Hình sự. Cùng ngày, VKSND huyện Chợ Đồn đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Đinh Văn Sĩ.

leftcenterrightdel
 Hơn 170m3 gỗ - tang vật vụ phá rừng được cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: H.Nguyên.

Theo hồ sơ quản lý đất đai, khu rừng bị chặt phá trái phép thuộc các lô: 148, 152, 153, 160, 173, khoảnh 11, tiểu khu 189; các lô rừng này thuộc quản lý của 5 hộ gia đình: ông Trịnh Văn Hợi, ông Nông Văn Quyến, ông Lương Văn Quan, ông Nông Văn Tinh và ông Lương Khắc Khiếm (cùng trú tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn); Tuy nhiên, 5 hộ gia đình này đã bán những lô rừng trên cho bà Vũ Thị Hằng - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn từ nhiều năm trước.

Quá trình điều tra xác định, năm 2017 bà Vũ Thị Hằng (SN 1958, tạm trú tại thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn đã mua đất rừng của các hộ dân tại thôn Nà Tùm và thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái). Tuy nhiên, Cơ quan điều tra không kết luận việc mua, bán đất rừng này là đúng hay sai?

Liên quan đến nội dung trên, Luật sư Nguyễn Văn Thắng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, không có quy định nào cho phép chuyển nhượng, mua bán rừng tự nhiên. Rừng tự nhiên thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Chủ rừng chỉ có quyền được hưởng lâm sản tăng thêm từ rừng do tự đầu tư vào rừng tự nhiên…, khoản 2, Điều 73 Luật Lâm nghiệp,  Luật sư Thắng cho biết.

Luật sư Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, khoản 1 Điều 73 Luật Lâm nghiệp quy định, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng đối với rừng sản xuất là rừng trồng cho chủ rừng theo quy định.

“Luật Lâm nghiệp, Điều 85, khoản 1, điểm c quy định, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng có quyền chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp đất rừng sản xuất là rừng trồng trong thời gian thuê đất”, Luật sư Thắng cho biết.

Diễn biến hành vi phạm tội

Theo kết luận của Cơ quan điều tra, ngày 10/8/2021, bà Hằng ủy quyền cho Đinh Văn Sỹ (Sĩ là em trai ông Đinh Văn Thức - chồng bà Hằng) trông coi quản lý khu rừng nêu trên. Do thấy khu vực rừng có các cây tự nhiên giá trị kinh tế thấp nên tháng 3/2023, Sĩ giao Lường Văn Đặng (SN 1982, trú tại thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn) tìm người để mở đường, khai thác, vận chuyển gỗ.

leftcenterrightdel
 Xưởng cưa xẻ được lắp đặt ngay cạnh nhà máy luyện chì và lán ở của công nhân công ty để xẻ gỗ. Ảnh: H.Nguyên.

Theo đó, từ ngày 2/3/2023 đến ngày 8/3/2023, anh Trần Hồng Việt (SN 1978, trú tại thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn) sử dụng máy xúc sửa gần 900 mét đường cũ và mở hơn 130 mét đường mới để lên các lô rừng.

Từ ngày 12/3/2023 đến ngày 5/4/2023, anh Lường Văn Đặng đã rủ thêm 11 người, gồm các anh: Nông Đình Toán, Lê Văn Cương, Triệu Ton Thiêm, Lê Văn Phương, La Văn Trung, Mông Văn Mạo, La Văn Thanh, La Văn Thúy, La Văn Thọ, Hoàng Văn Hải, Triệu Xuân Diện (đều trú tại thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn) cùng vào khai thác gỗ tại khu rừng trên.

Cũng trong thời gian này, anh Nông Tú Huyên và anh Liêu Xuân Hiến dùng xe tắc tơ (máy kéo nông nghiệp kéo theo thùng tự chế) vận chuyển gỗ, củi khai thác được ở trên rừng về vị trí tập kết (xung quanh xưởng cưa xẻ); Còn các anh: Phùng Văn Mạnh, Hoàng Văn Trước, Triệu Xuân Đại, Hứa Văn Hiệu được tuyển vào làm thợ xẻ gỗ.

Cơ quan điều tra kết luận: Từ năm 2015 đến nay, Đinh Văn Sĩ làm công nhân cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Nam. Ngày 10/8/2021, Sĩ được bà Vũ Thị Hằng ủy quyền trông coi, quản lý toàn bộ 7 lô đất rừng, gồm các thửa đất số 573, 574, 576, 581, 586, 587 và 692, tờ bản đ¬¬ồ số 2 - bản đồ địa chính xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn.

Tháng 7/2022, Sĩ lắp đặt máy xẻ, dựng xưởng xẻ với mục đích để xẻ gỗ nếu ai có nhu cầu sẽ xẻ thuê. Từ ngày 11/3/2023 đến ngày 5/4/2023, bị can đã thuê và giao Lường Văn Đặng và 11 người khác vào các lô 148, 152, 153, 160, 173, khoảnh 11, tiểu khu 289 khai thác trái phép rừng tự nhiên, gây thiệt hại hơn 170m3 gỗ, trị giá hơn 148,3 triệu đồng.

Hành vi của bị can đã xâm phạm đến chế độ quản lý rừng tự nhiên của Nhà nước, đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 232 Bộ luật Hình sự, xét thấy cần thiết phải xử lý bằng pháp luật hình sự đề răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Cùng với đó, Cơ quan điều tra còn kết luận, những người liên quan có tên nêu ở trên, gồm những người khai thác gỗ, vận chuyển gỗ, xẻ gỗ, làm đường đều là người dân lao động, đi làm thuê, ai thuê việc gì làm việc đó, tất cả đều là người dân tộc thiểu số, hiểu biết pháp luật còn hạn chế… Khi thực hiện việc mở đường, khai thác, vận chuyển và xẻ gỗ, Lường Văn Đặng và những người có tên ở trên không tự ý thực hiện mà theo hướng dẫn trực tiếp của Đinh Văn Sĩ; nhận thức có đầy đủ thủ tục, không biết việc khai thác, vận chuyển lâm sản là vi phạm pháp luật.

leftcenterrightdel
 Phóng viên BVPL tác nghiệp tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Cũng theo kết luận của Cơ quan điều tra, đối với Đinh Văn Thức (SN 1956, trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) - Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Nam. Ông Thức không giữ chức vụ trong Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn. Khu vực khai thác thuộc quản lý của Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn, do bà Vũ Thị Hằng (vợ ông Thức) quản lý. Lường Văn Đặng gặp Thức chỉ đề cập đến phát cỏ, tỉa cây… không nói đến việc phát phá rừng. Với tài liệu, chứng cứ thu thập được chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm.

Đối với bà Vũ Thị Hằng - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn, là chủ sở hữu toàn bộ khu rừng bị khai thác trái pháp luật. “Vì bận nhiều công việc nên bà Hằng đã ủy quyền cho Đinh Văn Sĩ trông coi, quản lý toàn bộ các lô rừng trên. Với tài liệu, chứng cứ thu thập được chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm”, Cơ quan điều tra kết luận.

“Ve sầu thoát xác”?

Trong quá trình thực hiện loạt bài “Phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn”, tháng 4/2023, để tìm hiểu xem ai là người đứng sau vụ phá rừng, Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã tìm gặp các anh: La Văn Trung, La Văn Thọ, Nông Văn Mạo, Lê Văn Cương, Nông Đình Toán để nghe họ kể về việc được thuê đi… phá rừng.

Theo lời kể của những người nêu trên, thông qua anh Lường Văn Đặng rủ đi cắt củi cho Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn và nói rằng, công ty có đầy đủ giấy tờ, được phép khai thác nên mọi người đồng ý.

Những người này khẳng định, tất cả người trong Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn từ nhân viên bảo vệ đến công nhân nhà máy và lãnh đạo công ty đều biết việc khai thác rừng. Bởi vì, để đi vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ phải đi qua 2 lớp cổng bảo vệ: thứ nhất là cổng chính của công ty; thứ 2, cổng ở phía trong, cạnh nhà máy luyện chì, lối lên rừng.

leftcenterrightdel
 Phóng viên BVPL (thứ 2 từ phải qua trái) trao đổi với một số người được anh Lường Văn Đặng rủ đi cắt gỗ cho Công ty. Ảnh: Võ Hóa.

Hàng ngày, đi vào rừng khai thác gỗ, những người trên đều mang theo cưa máy, can xăng, dao phát rừng... Khi đi qua cổng bảo vệ, họ chỉ nói vào cắt củi cho công ty là nhân viên bảo vệ cho đi qua. Quá trình khai thác gỗ, tiếng cưa máy cộng tiếng cây đổ, tiếng gỗ lăn va vào nhau ầm ầm, vang động cả khu rừng nên mọi người trong công ty cũng đều biết cả.

“Trong khu vực rừng, có 2 đền thờ được xây dựng, một cái lớn ở dưới chân rừng, cái nhỏ ở phía trên rừng. Tôi nhớ, hôm đó ngày 4/4/2023 dương lịch, ngày âm lịch là 14/2, hôm sau là ngày rằm, khi chúng tôi đang cắt gỗ thì có một người phụ nữ xách túi đồ lễ đi lên ngôi đền nhỏ ở phía trên. Khi đi ngang qua chỗ chúng tôi, người này hỏi: Sao lại cắt ngắn thế?... Khi nào cắt xong bên này thì sang chỗ đền bên kia còn mấy cây to, cắt nốt cho cô nhé! Cắt đi, kẻo mấy hôm nữa mưa bão, sợ nó gẫy đổ vào đền… Vừa nói, người này vừa chỉ tay về phía ngôi đền nhỏ phía trên rừng”, anh Lê Văn Cương kể lại.

Anh Cương cho biết tiếp: Sau khi bị Cơ quan Công an triệu tập lên làm việc, tôi có đi cùng anh Lường Văn Đặng đến Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn gặp ông Sĩ. “Khi gặp, ông Sĩ bảo với anh Đặng rằng: Bây giờ, anh đứng ra anh nhận hết, để không liên quan gì đến ông, bà ấy nữa… Ông, bà ấy ở đây nghĩa là ông Thức, bà Hằng”, anh Cương cho cho biết.

“Sau đó, anh Đặng dẫn tôi đi tìm gặp bà Hằng. Lúc bấy giờ, tôi mới biết người phụ nữ mang đồ lễ lên ngôi đền ở trên rừng hôm 4/4/2023 và bảo chúng tôi cắt những cây to ở cạnh đền chính là bà Hằng. Khi gặp, bà Hằng nói, rừng là của bà ấy, ông Sĩ và anh Đặng làm việc với nhau như thế nào bà ấy không biết, bà ấy không liên quan”, anh Cương kể lại.

Theo anh Cương kể, nhiều lần anh Đặng tâm sự với anh về chuyện trực tiếp nhận công việc khai thác gỗ từ ông Thức - chồng bà Hằng. Ông Thức là người trực tiếp chỉ đạo anh Đặng và Sĩ từ việc làm đường, khai thác, vận chuyển, xẻ gỗ, san gạt bãi để gỗ, và giao cho Sĩ hàng ngày quản lý, chỉ đạo anh Đặng làm các công việc trên.

“Khi làm việc với Cơ quan Công an, tôi đã khai toàn bộ sự thật những gì tôi biết và tôi làm. Khi tôi khai đến ông Thức và bà Hằng thì cán bộ ghi lời khai bảo, chỉ khai anh Đặng rủ tôi đi làm thôi, kéo ông bà ấy vào làm gì”(?), anh Cương cho biết.

Tiếp đó, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, anh Lường Văn Đặng cho biết: “Về đất đai thì tôi không biết. Tôi chỉ biết đi làm thuê, họ chỉ vào đó làm thì tôi làm thôi. Chúng tôi vào trong đó làm, công ty đều biết hết. Mỗi lần đi vào trong đó phải qua 2 cổng bảo vệ của công ty, vậy không thể nói là họ không biết”.

(Còn tiếp)

Hồng Nguyên