Phát hiện vi phạm về kinh tế 178.863 tỉ đồng, 404 ha đất
Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ (TTCP), 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 4.224 cuộc thanh tra hành chính và 94.797 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 178.863 tỉ đồng, 404 ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi 148.206 tỉ đồng và 9 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 30.800 tỉ đồng, 395 ha đất (giảm 95,8%); ban hành 60.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân (tăng 5,5%) với số tiền 2.873 tỉ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 784 tập thể và 2.912 cá nhân; chuyển CQĐT tiếp tục xem xét, xử lý 208 vụ, 316 đối tượng.
Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC), 6 tháng đầu năm, có 187.306 lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước KN, TC, kiến nghị, phản ánh với tổng số người được tiếp là 204.674 người. Trong đó, TTCP chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã tiếp 1.252 lượt với 3.784 người được tiếp đến trình bày về 1.227 vụ việc.
Các cơ quan hành chính tiếp nhận 216.833 đơn các loại; đã xử lý 205.382 đơn, có 177.618 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 81,9% tổng số đơn đã xử lý.
|
|
Cán bộ thanh tra, tiếp công dân. (Ảnh minh hoạ) |
Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giải quyết 11.064/15.177 vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 72,9%. Qua giải quyết KN,TC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 4,4 tỉ đồng, 14,1 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 432,7 tỉ đồng, 20,4 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 25 tổ chức, 307 cá nhân; kiến nghị xử lý 249 người, chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 19 vụ, 12 đối tượng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, TTCP đã ban hành kế hoạch và phối hợp với các bộ, ban, ngành chức năng cùng các địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát từng vụ việc. Trong quá trình thực hiện đã xem xét khách quan, tuân thủ theo pháp luật, có đánh giá sự tác động, hiệu quả của quá trình giải quyết của cơ quan có thẩm quyền từ trình tự, thủ tục pháp lý, điều kiện lịch sử, thực tiễn của địa phương, chính sách pháp luật đã áp dụng… và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
27 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), 6 tháng đầu năm, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết KN, xử lý TC, PCTN được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 7.700 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 374 đơn vị vi phạm.
Trong kỳ báo cáo có 27 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 18 người.
Tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện 49 vụ việc, 72 người; trong đó: Qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 7 vụ, 14 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 26 vụ, 45 người; qua giải quyết KN,TC phát hiện 13 vụ, 13 người liên quan đến tham nhũng.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2023, các ngành, các cấp ban hành mới 10.664 văn bản để thực hiện Luật PCTN 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; sửa đổi, bổ sung 301 văn bản, bãi bỏ là 73 văn bản không phù hợp; tổ chức 56.956 lớp cho 1.590.266 lượt cán bộ, nhân dân tham gia; xuất bản 382.262 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN…
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới được TTCP xác định đó là: Thực hiện tốt công tác PCTN, tiêu cực theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực; tham mưu Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả những quy định của Luật PCTN về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn… Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực từ 1/7/2023 và các nghị định hướng dẫn thi hành; tiếp tục củng cố và xây dựng bộ máy thanh tra tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, kỷ cương, trách nhiệm, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực.