Những kết quả ấn tượng
Trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát, ngành KSND tỉnh Đắk Nông nhận thấy, tội phạm về tham nhũng đã và đang có những diễn biến phức tạp. Tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng ngày càng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng và tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội...Đáng nói, tội phạm tham nhũng thường là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ và thực hiện hành vi tham nhũng bằng những thủ đoạn rất tinh vi.
Quá trình thực hiện tội phạm, các đối tượng thường có sự chuẩn bị trước để đối phó với cơ quan chức năng khi bị phát hiện và chủ động tẩu tán tài sản, che giấu hoặc hợp lý hóa tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án sau này. Điều này đã gây không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc chứng minh hành vi phạm tội và truy tìm, kê biên, phong tỏa tài sản để bảo đảm thi hành án...
|
|
VKSND tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả đột phá trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. |
Trước tình hình trên, ngành KSND tỉnh Đắk Nông luôn xác định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Với tinh thần đoàn kết của toàn thể cán bộ, công chức, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của tập thể lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông, những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của ngành KSND tỉnh đã có những bước tiến mạnh, mang tính đột phá.
Bên cạnh đó, xác định tầm quan trọng của việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án, Phòng nghiệp vụ của VKSND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thi hành án dân sự tỉnh đề ra nhiều giải pháp để thu hồi tối đa tài sản bị thiệt hại, bị chiếm đoạt. Do đó, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng từ năm 2013 đến nay đạt được nhiều kết quả vượt bậc.
Cụ thể, từ năm 2013-2019, Cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 78 vụ/203 bị can, giá trị tài sản bị thiệt hại trong các vụ án là 1.106.650.771.303 đồng. Trong đó, bị can và gia đình tự nộp khắc phục hơn 32,1 tỉ đồng; thu giữ hơn 719 tỉ đồng; kê biên 28 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích 45.896,5m2.
Đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, từ năm 2013 - 2019, tổng số việc và tiền phải thi hành án là 97 việc/hơn 827,4 tỉ đồng; đã thi hành được 71 việc/78 việc có điều kiện thi hành/97 việc phải thi hành; tỉ lệ thi hành xong đạt 97% số việc có điều kiện thi hành, đạt 73,2% tổng số việc phải thi hành. Thu hồi được hơn 655,6 tỉ đồng/hơn 657,9 tỉ đồng đồng có điều kiện thi hành/hơn 827,4 tỉ đồng phải thi hành. Tỉ lệ thu hồi về tiền đạt 99,5% số tiền có điều kiện thi hành, đạt 79,23% tổng số tiền phải thi hành. Trong đó, đã thu hồi cho ngân sách Nhà nước được hơn 82,6 tỉ đồng.
Những bài học kinh nghiệm trong thu hồi tài sản
Để đạt được những kết quả nêu trên, không thể không kể đến vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của tập thể lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông ngày càng được nâng lên. Đồng thời, ngành KSND tỉnh cũng chú trọng, phân công cán bộ, Kiểm sát viên có năng lực, sở trường, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. Ngoài ra, mối quan hệ phối hợp giữa VKSND với cơ quan Công an, cơ quan thi hành án dân sự và chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ.
|
|
VKSND tỉnh Đắk Nông kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án tại cơ sở. |
Quá trình thực hiện công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc nói chung, các vụ án hình sự về tham nhũng nói riêng, VKSND tỉnh Đắk Nông đã rút ra nhiều kinh nghiệm.
Thứ nhất, Ban Cán sự đảng VKSND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong đó, có nội dung quan tâm đúng mức việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng đến toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên để nắm vững và thực hiện.
Thứ hai, lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo VKS hai cấp phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra để phân loại án ngay từ giai đoạn khởi tố, chủ động xác minh, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ truy tìm tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, truy nguyên đường đi của dòng tiền để kê biên, thu giữ. Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của người phạm tội cần kê biên, phong tỏa tài khoản; đối với các tài sản mà các bị can nhờ người thân, quen đứng tên nhưng chưa có được căn cứ chứng minh thì tiến hành các biện pháp xác minh về nguồn gốc hình thành tài sản đó để kê biên, bảo đảm cho công tác thi hành án sau này và tránh tình trạng tẩu tán tài sản.
Thứ ba, có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa Phòng kiểm sát thi hành án dân sự với Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế, chức vụ, tham nhũng từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đến công tác thi hành án để kịp thời thông tin về hành vi phạm tội; hậu quả do các bị can, bị cáo gây ra và tài sản bị các bị can chiếm đoạt. Đồng thời, Phòng kiểm sát thi hành án dân sự đã trao đổi lại kết quả tổ chức thi hành án đối với từng bị án, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để Phòng kiểm sát điều tra biết, và thông tin thêm về những vấn đề mà quá trình kiểm sát điều tra nắm được về điều kiện, hoàn cảnh của các bị can trước đây. Trên cơ sở đó, cùng phối hợp giữa các phòng và các ngành chức năng tổ chức thi hành án có hiệu quả.
Thứ tư, đối với những việc đã được kê biên trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, sau khi án có hiệu lực pháp luật, Kiểm sát viên đã chủ động phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự để thực hiện. Đối với những vụ việc phức tạp, Kiểm sát viên và Chấp hành viên đã chủ động, kịp thời xin ý kiến, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo 2 đơn vị, khẩn trương thực hiện nhằm vừa đảm bảo về thủ tục vừa thu hồi nhanh chóng tài sản bị chiếm đoạt.
Thứ năm, trong quá trình thi hành án, Chấp hành viên cùng với Kiểm sát viên tích cực vận động bị can, bị cáo (người phải thi hành án) và những người có liên quan cũng như thân nhân của người phải thi hành án (nhất là các bị án đang cải tạo trong các trại giam) tự nguyện nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, thu lợi bất chính và khắc phục hậu quả cho Nhà nước thay cho người đang chấp hành án phạt tù để được hưởng tình tiết giảm nhẹ khi xét giảm án hàng năm. Nhờ vậy, có nhiều bị án viết thư về cho gia đình đề nghị bán tài sản để khắc phục thay cho các đối tượng và được gia đình chấp nhận.
Thứ sáu, thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, Kiểm sát viên về tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Lãnh đạo Viện cũng đặt ra yêu cầu mỗi cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự phải thực sự công tâm, trách nhiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.