Chủ động xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Ban Cán sự Đảng VKSND TP Cần Thơ xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong đường lối đổi mới cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp của Đảng, mong muốn xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Thị Tám (đứng), Phó Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ phát biểu tại buổi ban hành Quyết định trực tiếp kiểm sát công tác thi hành án dân sự.

Với vai trò và trách nhiệm, hàng năm, Ban Cán sự Đảng VKSND TP Cần Thơ đều chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định nhiệm vụ trọng tâm, nhằm hướng đến việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cải cách tư pháp của ngành Kiểm sát TP Cần Thơ là “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” là một trong những vấn đề cơ bản, quan trọng trong cải cách tư pháp hình sự hiện nay.

Mục đích của chức năng này là kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

Đến nay, toàn Ngành đã đạt 39/74 tiêu chí, vượt 35/74 tiêu chí thi đua của Ngành, không có chỉ tiêu không đạt. Quốc Hội giao 05 chỉ tiêu đều vượt đó là: thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra đạt tỷ lệ 92%, vượt 2% so với chỉ tiêu.

leftcenterrightdel
 Cán bộ VKSND TP Cần Thơ kiểm sát trực tiếp tại Nhà tạm giữ Công an huyện Vĩnh Thạnh.

Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đạt tỷ lệ 100% so với chỉ tiêu. Tỷ lệ bắt, tạm giữ chuyển khởi tố hình sự đạt 98%, vượt 1% so với chỉ tiêu. VKS quyết định truy tố 99,2%, vượt 4,5% so với chỉ tiêu, không xảy ra trường hợp VKS truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội; khắc phục cơ bản trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn 2,4%, vượt 2,6% so với chỉ tiêu Ngành (5%).

Tổ chức kiểm sát trực tiếp hàng ngàn cuộc, có ban hành  kết luận, kiến nghị và hơn 500 kháng nghị. Đặc biệt là ban hành hàng trăm kiến nghị phòng ngừa tội phạm, giúp cơ quan, tổ chức có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả. Phối hợp với Tòa án xét xử 725 vụ án điểm, trong đó có 419 phiên tòa xét xử lưu động, có 45 vụ án theo thủ tục rút gọn.

Chống oan sai, bỏ lọt tội

Bên cạnh đó, các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về cải cách tư pháp xác định trách nhiệm của VKS phải: “Tăng cường các biện pháp chống oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động kiểm sát điều tra. Tăng cường kiểm sát việc khởi tố của Cơ quan điều tra 100% vụ án, bị can, đồng thời kiểm sát viên nghiên cứu kỹ hồ sơ đề ra yêu cầu điều tra 100% vụ án.

leftcenterrightdel
VKSND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác kiểm sát 9 tháng đầu năm 2019. 

Xác định trách nhiệm, VKS phải chịu trách nhiệm chính về những oan, sai trong việc khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố; phải bảo đảm việc truy tố có căn cứ, đúng pháp luật, cùng với cơ quan điều tra khắc phục những vi phạm, tồn tại trong quá trình điều tra, bảo đảm không để lọt tội phạm, người phạm tội, không làm oan người vô tội. Không xảy ra trường hợp VKS quyết định truy tố, tòa án tuyên không phạm tội. Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm việc nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; phấn đấu kiềm chế, kéo giảm tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn TP Cần Thơ.

Phối hợp với các ngành chức năng liên quan xây dựng 12 Qui chế phối hợp, tổ chức hàng trăm hội nghị chuyên đề. Đặc biệt, VKS đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ tổ chức 2 Hội nghị chuyên đề “Lạm dụng bắt quả tang - Thực trạng và giải pháp”; “Bắt, tạm giữ, trả tự do - Thực trạng vào giải pháp” với sự tham dự của hơn 700 kiểm sát viên, điều tra viên 2 cấp, góp phần rất lớn cho công tác tổng kết thực tiễn, tự đào tạo, giúp kiểm sát viên nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Đến nay đã khắc phục đáng kể việc lạm dụng bắt quả tang và bắt, tạm giữ trả tự do.

Nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên Tòa, nhiều năm nay VKS đã thành lập Hội đồng tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp, lựa chọn những vụ án có tính chất điển hình, phối hợp với Tòa án xét xử rút kinh nghiệm chung, đến nay hoàn thành Đề án lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin tại các phòng xét xử. Hội đồng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo trực tuyến tất cả các phiên tòa rút kinh nghiệm cho tất cả Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân hai cấp. Toàn Ngành đã tổ chức trên 350 phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó có 3 phiên tòa số hóa hồ sơ, trình chiếu tài liệu, chứng cứ công khai tại phiên tòa.

Chất lượng công tố tại phiên tòa ngày được nâng lên, KSV thực hiện quyền công tố tại tòa chủ động tham gia xét hỏi, thẩm tra tài liệu, chứng cứ để buộc tội, bảo vệ cáo trạng, tham gia tranh luận, đối đáp với Luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác để cùng với HĐXX tìm ra sự thật khách quan của vụ án, góp phần nâng cao chất lượng xét xử của tòa án bảo đảm  xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 

KSV khi được phân công thực hành quyền công tố, trước khi tham gia phiên tòa đều có nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc chứng cứ của vụ án, chuẩn bị đề cương xét hỏi, bài phát biểu luận tội, quan điểm đối đáp tại phiên tòa công khai, dân chủ hơn, chất lượng kháng nghị, kiến nghị được chú trọng.

leftcenterrightdel
 Một phiên tòa tại Cần Thơ

Còn những hạn chế, vướng mắc

Theo VKSND TP Cần Thơ, bên cạnh những kết quả đạt được quá trình thực hiện Nghị quyết 49 còn gặp những hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Đó là, VKS giữ vai trò quan trọng trong hoạt động điều tra, được giao trách nhiệm lớn trong việc “chống làm oan, chống bỏ lọt tội phạm”, tuy nhiên, đến nay chưa có những quy định pháp luật bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quyền năng pháp lý của VKS, thiếu cơ chế bảo đảm để VKS nắm được đầy đủ, kịp thời các tố giác, tin báo về tội phạm, dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm.

Mặc dù pháp luật hiện hành đã có những quy định về quan hệ phối hợp và kiểm sát giữa VKS và CQĐT, song còn thiếu quy định để bảo đảm thực hiện có hiệu quả quan hệ này. Thực tế, có không ít trường hợp, các yêu cầu của VKS trong quá trình điều tra vụ án hình sự chưa được thực hiện nghiêm túc, Cơ quan điều tra không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, nhưng pháp luật lại chưa quy định những biện pháp để bảo đảm thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của VKS.

Ngoài ra, trong giải quyết các vụ án hình sự vẫn còn xảy ra trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng, kéo dài thời hạn điều tra, khắc phục được việc bắt “oan”, nhưng “sai” vẫn còn xảy ra; thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm đôi lúc sai thẩm quyền. Các tranh chấp dân sự ngày càng phức tạp, đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, số lượng án ngày càng tăng, án bị hủy xảy ra còn nhiều nhất là cấp sơ thẩm.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy trao Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2018 của VKSND Tối cao cho VKSND thành phố. Ảnh:Báo Cần Thơ

Từ những khó khăn, vướng mắc vừa nêu, VKSND TP Cần Thơ đề xuất những biện pháp phù hợp để hoàn thiện và khắc phục:

1. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung không phù hợp, có một số nhiệm vụ chưa được sự đồng thuận cao như: “Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp”.

Nội dung này yêu cầu tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, “mở tòa sơ thẩm khu vực… Đổi mới, tổ chức Tòa án nhân dân tối cao theo hướng tinh gọn với đội ngũ thẩm phán là những chuyên gia đầu ngành về tư pháp… tổ chức VKS phù hợp với tổ chức tòa án…giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án hình sự…  ”.

leftcenterrightdel
 Cán bộ VKSND TP Cần Thơ kiểm sát trực tiếp tại Nhà tạm giữ Công an huyện Vĩnh Thạnh

Trong điều kiện hiện nay khó thực hiện, vì mục tiêu xây dựng nền tư pháp ”trong sạch, dân chủ, phục vụ nhân dân”, nhưng “tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, mở tòa sơ thẩm khu vực, sẽ khó cho người dân tiếp cận cơ quan tư pháp. Mặc khác, hiện nay cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật người dân chưa cao, nếu giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án hình sự, sẽ không đảm bảo.

2. Cần sửa đổi bổ sung chức năng Cơ quan điều ta hiện nay, nên tách hoạt động điều tra tố tụng riêng với điều tra trinh sát, dễ dẫn đến chủ quan phiến diện, xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. VKS thực hiện mô hình “thông khâu” như hiện nay sẽ vấp phải như Cơ quan điều tra, nên thực hiện “chuyên khâu”.

3. Mỗi ngành tư pháp cần có tiêu chí cải cách tư pháp riêng nhằm góp phần hoàn thiện hơn như: án rút gọn, điều tra, truy tố, xét xử nhanh, rút ngắn thời hạn điều tra, tạm giam…

Trải qua 15 năm, “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra" đã góp phần định hướng hoàn thiện cải cách tư pháp. Một khoảng thời gian tương đối dài, chúng ta có thể tự hào khi nhìn lại những kết quả mà các cá nhân và tập thể VKSND 2 cấp TP Cần Thơ đã làm được trong 15 năm qua. Tuy nhiên cũng cần nghiêm túc, phấn đấu hơn nữa cùng với Nghị quyết của Đảng, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước./.

Huỳnh Văn Ri - Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ