Về nội dung kiểm sát, theo VKSND tối cao: VKSND các cấp cần quán triệt thực hiện đúng các quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (Luật TTHC); Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn và trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (Nghị định 71); Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 23/11/2017 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính” (THADS, HC); Quy chế công tác kiểm sát THADS, HC ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế 810); Quy định về quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại cơ quan THADS và quy trình, kỹ năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, HC ban hành kèm theo Quyết định số 94/QĐ-VKSTC ngày 22/3/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy định 94).

Nhận thức đúng về thời điểm bắt đầu, thẩm quyền kiểm sát THAHC

Theo VKSND tối cao, VKSND các cấp cần nhận thức đúng về thời điểm bắt đầu kiểm sát THAHC. Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 71:“(1) Cơ quan THADS cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm có trách nhiệm tiếp nhận bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính do Tòa án gửi”… (2) Khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan THADS phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi việc THAHC.”.

Căn cứ quy định trên, trách nhiệm theo dõi THAHC của Cơ quan THADS phát sinh từ khi nhận được bản án, quyết định về vụ án hành chính của Tòa án cùng cấp đã xét xử sơ thẩm thuộc loại phải theo dõi. Thời điểm phát sinh trách nhiệm kiểm sát việc theo dõi THAHC bắt đầu khi Cơ quan THADS tiếp nhận bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Song, cần lưu ý, thời điểm phát sinh trách nhiệm kiểm sát THAHC có từ khi bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật hoặc khi bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện có hiệu quả và phân định rõ trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ trên, Viện trưởng Viện kiểm sát các địa phương cần quy định rõ và kiểm tra việc thực hiện chuyển giao quyết định, bản án giữa khâu kiểm sát xét xử án hành chính với khâu kiểm sát THAHC.

Về thẩm quyền kiểm sát THAHC: Điều 14 Nghị định 71 quy định, Cơ quan THADS có thẩm quyền theo dõi THAHC đối với các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà Tòa án cùng cấp trên địa bàn đã xét xử sơ thẩm. Do đó, đối với bản án, quyết định về vụ án hành chính do TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm thì việc theo dõi THAHC thuộc thẩm quyền của Cơ quan THADS cùng cấp là Cục THADS; TAND cấp huyện xét xử sơ thẩm thì Cơ quan THADS cùng cấp là Chi cục THADS. Theo đó, VKSND cấp tỉnh có thẩm quyền kiểm sát THAHC đối với các bản án, quyết định về vụ án hành chính sơ thẩm của TAND cấp tỉnh, còn VKSND cấp huyện kiểm sát THAHC đối với bản án, quyết định về vụ án hành chính sơ thẩm của TAND cấp huyện.

leftcenterrightdel
 VKSND Thành phố Hà Nội kiểm tra công tác kiểm sát THADS, THAHC tại VKSND huyện Đan Phượng. (Ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, theo quy định Điều 28 Luật Tổ chức VKSND và Điều 12 Luật THADS, Điều 315 Luật TTHC thì VKSND cấp trên còn có thẩm quyền kiểm sát việc THAHC đối với bản án, quyết định về vụ án hành chính sơ thẩm của TAND cấp dưới. Nhưng lưu ý thẩm quyền kiểm sát này, không phải là kiểm sát thường xuyên mà là kiểm sát theo chuyên đề, đột xuất, trực tiếp hàng năm.

Đối tượng, phạm vi kiểm sát THAHC: Đối tượng của kiểm sát THAHC là việc tuân theo pháp luật của Tòa án, Cơ quan THADS, Chấp hành viên; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay theo quy định của pháp luật) của Tòa án về vụ án hành chính (chủ yếu là Chủ tịch UBND, UBND các cấp và các cơ quan chức năng thuộc UBND); việc tuân theo pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về THAHC.

Phạm vi kiểm sát hoạt động THAHC từ khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực thi hành hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay theo quy định của pháp luật, cho tới khi kết thúc việc thi hành án; việc khiếu nại, tố cáo về THAHC được giải quyết xong theo đúng quy định của pháp luật.

Về kiểm sát thẩm quyền ra quyết định buộc thi hành án hành chính: Điều 312 Luật TTHC quy định: “1. Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 của Luật này mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn kèm theo bản sao bản án, quyết định của Tòa án, tài liệu khác có liên quan đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án…”.

Căn cứ quy định trên, thẩm quyền ra quyết định buộc THAHC thuộc về TAND nơi đã xét xử sơ thẩm vụ án hành chính, sau khi người được thi hành án nộp đơn yêu cầu kèm tài liệu theo quy định.

Về kiểm sát thời hiệu yêu cầu thi hành án hành chính: Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311, Điều 312 Luật TTHC, thông thường thời hiệu cho người được THAHC nộp đơn yêu cầu thi hành bản án, quyết định của TAND đã xét xử sơ thẩm vụ án hành chính trong thời hạn 1 năm cộng thêm không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Trường hợp ngoại lệ thì thời hiệu nộp đơn yêu cầu ra quyết định buộc THAHC được quy định tại khoản 1 Điều 312 Luật TTHC “trong trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn yêu cầu thi hành án”. Trong trường hợp này, thời hiệu yêu cầu ra quyết định buộc THAHC được xem xét tùy thuộc vào việc TAND đánh giá tình hình thực tế của “trở ngại khách quan” hoặc “do sự kiện bất khả kháng” của người được THAHC trong trường hợp có đơn yêu cầu THAHC sau khi đã hết thời hiệu.

Thời hiệu THAHC quy định tại điểm e, g khoản 1 Điều 311 Luật TTHC là phải thi hành ngay (bản án, quyết định của Tòa án buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri hoặc Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời).

Thời hiệu yêu cầu thi hành phần trách nhiệm dân sự trong bản án, quyết định về hành chính quy định tại điểm h khoản 1 Điều 311 Luật TTHC được áp dụng theo Luật THADS: “h) Quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án được thi hành theo quy định của pháp luật về THADS”.

Nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức kiểm sát của VKSND

Về nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức kiểm sát của VKSND khi kiểm sát THAHC, Hướng dẫn của VKSND tối cao nêu rõ: Theo quy định tại Điều 28 Luật Tổ chức VKSND, trong kiểm sát THADS, HC (đối với đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) thì VKSND được thực hiện quyền yêu cầu, quyền kiến nghị và quyền kháng nghị. Theo quy định tại Điều 315 Luật TTHC thì khi kiểm sát THAHC đối với người phải THAHC và cấp trên trực tiếp của họ, VKSND có quyền kiến nghị.

Như vậy, để việc kiến nghị trong THAHC đạt hiệu quả thì Viện kiểm sát có thể sử dụng quyền yêu cầu như một phương thức để thực hiện.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một buổi VKSND cấp huyện trực tiếp kiểm sát tại Chi cục THADS cùng cấp.

Về phương thức kiểm sát THAHC: Để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ khi kiểm sát THAHC, VKSND cần áp dụng linh hoạt các phương thức kiểm sát sao cho phù hợp với tình hình thực tế, sớm phát hiện vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, kịp thời ban hành văn bản yêu cầu, kiến nghị góp phần đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ THAHC.

Cụ thể, yêu cầu Tòa án, cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến việc thi hành án: (i) thực hiện một công việc (ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật; thi hành bản án, quyết định theo quy định của pháp luật; cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thi hành án…) và phải được thực hiện ngay, kể từ ngày nhận được yêu cầu; (ii) tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả cho VKSND (phải được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu).

Kiểm sát thường xuyên hoặc kiểm sát định kỳ việc cấp, chuyển giao, giải thích, đính chính bản án, quyết định của Tòa án; kiểm sát hồ sơ về THAHC (của người phải thi hành án), hồ sơ theo dõi THAHC (của cơ quan THADS); kiểm sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc THAHC.

Trực tiếp kiểm sát việc thi hành án của cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Khi trực tiếp kiểm sát đối với người phải THAHC và cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của họ nếu Kiểm sát viên phát hiện vi phạm pháp luật thì tham mưu cho lãnh đạo VKSND thực hiện quyền kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của VKSND theo quy định của pháp luật.

Lưu ý, chỉ thực hiện trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính khi có căn cứ cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động này.

Trường hợp phát hiện có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ, phạm vi vi phạm mà VKSND vận dụng linh hoạt nhiệm vụ, quyền hạn để xử lý; đối với hành vi có dấu hiệu tội phạm hình sự thì phải chuyển văn bản đề nghị và tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý.

P.V