Một số đơn vị nêu vướng mắc: “Việc tương trợ tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài nhiều trường hợp còn gặp khó khăn, không nhận được văn bản trả lời, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án”.
Nội dung này theo trả lời của VKSND tối cao (Vụ 13): Thực tiễn công tác tương trợ tư pháp về hình sự cho thấy, việc kéo dài thời gian có kết quả tương trợ tư pháp (TTTP) do nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân khách quan: Pháp luật TTTP hình sự nói chung, các Hiệp định TTTP về hình sự mà Việt Nam đã ký với các nước và thông lệ quốc tế không quy định thời hạn thực hiện các yêu cầu tương trợ. Vì vậy, kể cả trường hợp yêu cầu tương trợ của Việt Nam gửi cho nước ngoài đề nghị thực hiện theo nghĩa vụ ràng buộc bởi các điều ước quốc tế thì việc có kết quả tương trợ hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước và thiện chí của nước được yêu cầu.
Hồ sơ yêu cầu tương trợ phải gửi bản chính qua đường bưu chính quốc tế; đối với những quốc gia chưa ký kết Hiệp định TTTP về hình sự với Việt Nam, yêu cầu TTTP phải gửi qua Bộ Ngoại giao để xem xét áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” và việc nhận lại kết quả tương trợ cũng tương tự, do vậy đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết yêu cầu tương trợ.
Khác biệt về ngôn ngữ: Do yêu cầu tương trợ phải được dịch ra ngôn ngữ mà nước được yêu cầu chấp nhận; nhiều địa phương không sẵn có các đơn vị dịch thuật chuyên ngành; việc biên dịch tài liệu bằng các thứ tiếng không phổ biến như Ả-rập, Khơ-me, Lào, Séc, Bồ Đào Nha ... còn gặp nhiều khó khăn. Một số trường hợp yêu cầu tương trợ gửi đi nước ngoài bị trả lại vì lý do chất lượng bản dịch không đảm bảo dẫn đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không hiểu nên không thực hiện được.
Việc thực hiện TTTPHS phải đảm bảo nguyên tắc tội phạm kép; tuân theo thủ tục tố tụng hình sự của nước được yêu cầu. Do đó, trong quá trình thực hiện nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của Việt Nam, nước được yêu cầu đề nghị Việt Nam phải đáp ứng các chuẩn mực pháp lý, một số yêu cầu còn phải thực hiện nhiều thủ tục tố tụng và cung cấp nhiều tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu. Việc đáp ứng những đòi hỏi này gặp nhiều vướng mắc do sự khác biệt về hệ thống pháp luật giữa Việt Nam với các nước.
Nguyên nhân chủ quan: Một số cơ quan tiến hành tố tụng lập yêu cầu tương trợ tư pháp rất chậm, không bảo đảm thời gian đề nghị nước ngoài thực hiện tương trợ; nhiều yêu cầu đề nghị nước ngoài thực hiện trong thời gian rất ngắn (1 tháng hoặc ít hơn); từ đó dẫn đến việc đề nghị nước ngoài thực hiện có kết quả là khó khả thi.
|
|
Quang cảnh buổi đàm phán vòng 3 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Singapore. (Ảnh minh hoạ) |
Chất lượng hồ sơ lập không đảm bảo chất lượng. Khi lập hồ sơ yêu cầu TTTPHS, cơ quan lập yêu cầu không cung cấp đầy đủ thông tin, hoặc thông tin không rõ ràng, chính xác về tên tuổi, địa chỉ, nơi cư trú nên phải bổ sung thông tin cần thiết hoặc lập lại yêu cầu, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện TTTPHS.
Thực tiễn, nhiều cơ quan lập yêu cầu không bổ sung được đầy đủ các thông tin theo đề nghị của phía nước ngoài nên yêu cầu không được thực hiện.
Để góp phần giải quyết những nguyên nhân khách quan và chủ quan nêu trên, VKSND tối cao (Vụ 13) đề nghị các VKSND địa phương quan tâm làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động TTTPHS tại địa phương mình; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra cùng cấp trong việc lập hồ sơ ủy thác tư pháp trong các vụ án có yếu tố nước ngoài và thực hiện yêu cầu TTTPHS của nước ngoài; kịp thời phối hợp với Vụ 13 - VKSND tối cao trong việc lập, gửi, bổ sung thông tin trong trường hợp cần thiết cho nước ngoài nhằm bảo đảm hiệu quả quá trình liên hệ, đôn đốc thực hiện, có kết quả tương trợ.
Một số đơn vị cũng nêu vướng mắc: “Đề nghị VKSND tối cao sửa đổi, bổ sung các quy định về tương trợ tư pháp hình sự; có công hàm trao đổi đẩy nhanh tiến độ trả lời tương trợ tư pháp của các nước để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án”.
Nội dung trên, theo trả lời của VKSND tối cao (Vụ 13): Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động TTTPHS, nhất là đẩy nhanh tiến độ trả lời yêu cầu TTTPHS của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam gửi đi nước ngoài, VKSND tối cao đã thực hiện một số biện pháp như sau:
Đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật TTTPHS như: đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp về hình sự trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước tháng 3/2024 để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Tăng cường hợp tác trực tiếp với cơ quan trung ương về TTTPHS của các nước, chủ động trao đổi, phối hợp để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các yêu cầu TTTP của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam gửi đi nước ngoài. Cụ thể: Trao đổi, liên hệ thông qua thư điện tử; tổ chức các buổi làm việc trực tuyến với cơ quan Trung ương của nước ngoài; kết hợp sử dụng các kênh hợp tác song phương, đa phương khác; thường xuyên rà soát, tổng hợp các yêu cầu TTTPHS chưa có thông tin trả lời từ nước ngoài để gửi Công hàm đôn đốc tiến độ.
Tăng cường đề xuất, đàm phán, ký kết các Hiệp định TTTPHS song phương với các nước. Trong năm 2024, VKSND tối cao đã đàm phán thành công 2 Hiệp định; ký chính thức 1 Hiệp định; hoàn thiện Hồ sơ đề nghị phê chuẩn 3 Hiệp định.
Các cán bộ của VKSND tối cao được cử làm đầu mối tham gia các Mạng lưới hợp tác đa phương như: Mạng lưới liên cơ quan thu hồi tài sản Châu Á - Thái Bình Dương (ARIN-AP); Mạng lưới hợp tác tư pháp khu vực Đông Nam Á (SEAJust); Diễn đàn tư pháp về hình sự khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Crim-AP); Mạng lưới các cơ quan thực thi chống tham nhũng toàn cầu (GlobE Network)... đã rất tích cực làm việc, trao đổi trực tiếp thông qua các cuộc họp, trao đổi thông qua thư điện tử với cán bộ đầu mối của các nước để đề nghị hộ trợ thúc đẩy tiến độ giải quyết các yêu cầu tương trợ của Việt Nam.