Thông báo số 82/TB-VKSTC nêu rõ, ngày 28/2/2025, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt nội dung của các Thông tư liên tịch về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân. Tại Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Anh, Phó Viện trưởng VKSND tối cao kết luận chỉ đạo một số nội dung liên quan đến 2 Thông tư liên tịch nêu trên.
Về Thông tư liên tịch số 02/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 27/2/2025 quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi không tổ chức Công an cấp huyện (Thông tư số 02):
Lãnh đạo Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Viện kiểm sát cấp huyện (sau đây gọi là Viện kiểm sát địa phương) tổ chức nghiên cứu kỹ, nắm chắc các quy định của Thông tư số 02 nhất là các quy định về thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Cơ quan quản lý và Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự của Công an địa phương, Viện kiểm sát địa phương, để triển khai thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời nhiệm vụ theo quy định.
    |
 |
Đồng chí Hồ Đức Anh, Phó Viện trưởng VKSND tối cao kết luận quán triệt thực hiện 2 Thông tư liên tịch tại Hội nghị ngày 28/2/2025. |
Quá trình thực hiện Thông tư số 02 cần nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là Thông tư số 11/2025/TT-BCA ngày 27/2/2025 của Bộ Công an quy định về tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; phân công Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; thẩm quyền điều tra hình sự trong Công an nhân dân để kiểm sát chặt chẽ, không để khoảng trống trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết nguồn tin, kiểm sát điều tra vụ án hình sự, kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự trên địa bàn.
Viện trưởng Viện kiểm sát địa phương chú trọng tăng cường quản lý, rà soát kỹ về số lượng vụ việc, vụ án, về phân công và đầu mối thụ lý của Cơ quan điều tra để phân công rõ theo nguyên tắc người đi theo việc, không để sót, lọt, để quá thời hạn giải quyết. Chú trọng thực hành quyền công tố chủ động hơn với tinh thần 4S: “sớm hơn, sát hơn, sâu hơn, sắc hơn” bảo đảm thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết nguồn tin, kiểm sát điều tra vụ án hình sự liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn, không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện duy trì thường xuyên, đầy đủ chế độ thông tin báo cáo, đặc biệt báo cáo Viện kiểm sát cấp tỉnh để theo dõi, chỉ đạo, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc (nếu có) đối với những vụ việc, vụ án đang giải quyết. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh chỉ đạo lãnh đạo Viện, lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ tăng cường công tác hướng dẫn, quản lý công tác giải quyết án hình sự của Viện kiểm sát cấp huyện bảo đảm tiến độ, chất lượng, yêu cầu của công tác này.
Đề cao trách nhiệm của Viện trưởng Viện kiểm sát địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc, vụ án; khi phát sinh khó khăn, vướng mắc phải cập nhật, báo cáo ngay, đề cao tinh thần chủ động xử lý tại địa phương, đơn vị mình. Trường hợp không giải quyết được hoặc vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao, liên ngành tư pháp Trung ương để được hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời.
Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao; lãnh đạo Viện kiểm sát cấp cao 1, 2, 3 phối hợp, quản lý, hướng dẫn công tác Viện kiểm sát địa phương, giúp cấp dưới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án, đặc biệt là trong việc thực hiện Thông tư số 02.
Về Thông tư liên tịch số 01/2025/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BQP ngày 26/2/2025 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Điều 3 Nghị quyết số 164/2024/QH15 của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự (Thông tư số 01):
Yêu cầu các đơn vị đang thụ lý giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo phải quán triệt, thực hiện đúng Nghị quyết số 164/2024/QH15, Thông tư số 01; khuyến khích áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được nêu trong Thông tư này khi có đủ căn cứ, điều kiện.
Quá trình áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản phải bảo đảm xử lý nghiêm tội phạm, khắc phục sớm hậu quả của vụ án, thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát hoặc chiếm đoạt, đồng thời, phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của tổ chức, cá nhân liên quan.