Tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi

Từ 1/12/2022 đến 30/9/2023, toàn tỉnh xảy ra 34 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số lượng các vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, giá trị tài sản bị chiếm đoạt lớn, số lượng bị hại đông và ở nhiều địa phương khác nhau có chiều hướng gia tăng. Phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, đa dạng, trong đó phát sinh nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao. Người thực hiện hành vi lừa đảo có trình độ và am hiểu về công nghệ thông tin, sử dụng đường truyền Internet tốc độ cao và lắp đặt thiết bị, các máy phát sóng trái phép sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet để truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cá nhân, sau đó cấu kết với các đối tượng trong và ngoài nước để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của các bị hại;

Các đối tượng dùng thủ đoạn thành lập các trang Website  sau đó đăng quảng cáo bán hàng với giá rẻ hơn giá thị trường để các bị hại tin tưởng đồng ý mua sản phẩm, sau đó đặt mua sản phẩm tương tự từ cửa hàng điện tử, điện lạnh và cung cấp số điện thoại, địa chỉ của bị hại để nhân viên cửa hàng đến lắp đặt, rồi yêu cầu các bị hại chuyển tiền mua hàng đến tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định và chiếm đoạt số tiền này; giả danh là cán bộ các cơ quan nhà nước rồi gọi điện thoại cho nạn nhân để hù dọa yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của chúng chỉ định rồi chiếm đoạt.

Một số vụ án điển hình: Trong khoảng thời gian từ ngày 10/9/2022 đến ngày 13/9/2022 bà Nông Thị Hồng Hạnh (trú tại số nhà 17, tổ 14, phường Minh Xuân thành phố Tuyên Quang) bị các đối tượng giả danh Công an gọi điện thông báo có liên quan đến vụ án Mua bán trái phép chất ma tuý và rửa tiền, đồng thời yêu cầu bà Hạnh làm theo hướng dẫn để chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản ngân hàng qua ứng dụng InternetBanking, sau đó chiếm đoạt của bà Hạnh số tiền hơn 7,6 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND tỉnh Tuyên Quang hỏi cung một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: VKSND tỉnh Tuyên Quang.

Tháng 8/2023, Nguyễn Văn Tâm (SN 2005, trú tại Tổ dân phố Trà 1, phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và Lê Ngọc Dũng (SN 2005, trú tại Tổ dân phố Cả, phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) mua 2 tài khoản ngân hàng (thông qua ứng dụng telegram) và tạo 3 tài khoản Facebook, sau đó tham gia vào các hội, nhóm đăng tải thông tin liên quan đến việc mua bán điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, máy lọc nước để tìm kiếm người có nhu cầu mua hàng rồi nhắn tin với khách hàng và đưa ra thông tin gian dối có điều hòa, tủ lạnh... đang thanh lý cần bán với giá rẻ hơn giá thị trường.

Sau khi khách đồng ý mua thì Tâm, Dũng sử dụng thông tin số điện thoại, địa chỉ của khách liên hệ với các cửa hàng gần nơi khách hàng sinh sống lừa đặt mua hàng với lý do tặng người thân. Sau khi nhân viên chuyển hàng đến cho khách hàng thì Tâm và Dũng cung cấp số tài khoản ngân hàng đã mua trước đó, yêu cầu khách hàng chuyển tiền mua hàng vào để chiếm đoạt. Trong khoảng thời gian từ ngày 03/9/2023 đến ngày 13/9/2023, Tâm và Dũng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 3 cá nhân, với tổng số tiền là 13 triệu đồng.

Do đây tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một loại tội phạm mới, có nhiều tính chất đặc thù, khả năng hoạt động phạm tội rất rộng nên quá trình giải quyết những vụ án này, các cơ quan chức năng thường gặp khó khăn.

Khó khăn trong việc thu thập, bảo quản và đánh giá chứng cứ, bởi dấu vết thu thập thường thể hiện chứng cứ điện tử, với đặc điểm dễ bị sửa chữa, xóa bớt, hay chèn thêm thông tin. Nếu không được lưu giữ, giám sát theo quy trình chặt chẽ sẽ khó bảo đảm được tính chính xác, toàn vẹn so với nguyên gốc, dẫn tới việc đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm là hết sức khó khăn.

Khó khăn trong truy tìm người phạm tội: các đối tượng sử dụng số điện thoại không chính chủ để liên lạc với người bị hại, sau đó yêu cầu những người này chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định. Những số tiền này ngay lập tức được các đối tượng chuyển đến nhiều tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán khác nhau hoặc chuyển sang nước ngoài qua nhiều lệnh giao dịch. Do hiện nay vẫn còn nhiều số điện thoại không đăng ký thuê bao (sim rác), các đối tượng đều sử dụng sim rác hoặc sử dụng mạng xã hội; trường hợp xác định được số tài khoản, chủ tài khoản nhưng qua điều tra xác định danh tính của chủ tài khoản xác lập tại ngân hàng cũng không chính xác dẫn đến khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, không có cơ sở để điều tra, làm rõ nhân thân, hành vi của đối tượng phạm tội.

leftcenterrightdel
 Hoạt động lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, trắng trợn. Ảnh: VKSND tỉnh Tuyên Quang.

Chủ động phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền

Trước diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, VKSND tỉnh Tuyên Quang đã quán triệt, triển khai các nội dung của Chỉ thị số 21 đến các cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị, tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ việc, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đơn vị đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này; thực hiện công tác tương trợ tư pháp,… nhất là, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án phức tạp, án điểm, được dư luận xã hội quan tâm... đảm bảo kịp thời và nghiêm minh, đúng pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.

Bên cạnh đó, VKSND tỉnh Tuyên Quang đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên thông tin về những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: đăng tải, chia sẻ các bài viết tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật và cảnh giác phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các hành vi vi phạm pháp luật trong quần chúng nhân dân.

leftcenterrightdel
Cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang triệt phá nhiều đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: VKSND tỉnh Tuyên Quang.

Xử lý nghiêm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản

VKSND tỉnh Tuyên Quang đã kiểm sát chặt chẽ công tác phát hiện, nắm bắt nguồn tin về tội phạm, kịp thời phát hiện, lập danh sách, phân công, phân cấp, tập trung đấu tranh triệt xóa đường dây hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức, gây án nghiêm trọng, liên quan đến nhiều địa phương. Đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, không để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xấu trong nhân dân.

VKSND tỉnh đã tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật của Cơ quan điều tra các cấp và kịp thời phát hiện vi phạm và yêu cầu khắc phục đối với những vụ án, vụ việc có khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật, nhằm phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản và triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

Từ ngày 1/12/2023 đến ngày 30/9/2023, VKSND tỉnh Tuyên Quang đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố điều tra 34 vụ/67 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã  kết thúc điều tra đề nghị truy tố: 21 vụ/ 28 bị can

Quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, VKSND tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường phối hợp với Cơ quan điều tra và các cơ quan liên quan. Việc chuyển tài liệu theo quy định tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS được thực hiện nghiêm túc; trước khi kết thúc điều tra 7 ngày.

Điều tra viên chuyển hồ sơ cho Kiểm sát viên để cùng nghiên cứu, đánh giá lại toàn bộ hồ sơ vụ án. VKSND tỉnh Tuyên Quang đã tập trung làm tốt công tác thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Thực hiện nghiêm túc quy định của Ngành về việc Kiểm sát viên tham gia hỏi cung hoặc trực tiếp hỏi cung bị can trước khi phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, trước khi kết thúc điều tra; kiểm sát chặt chẽ và xem xét toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã thu thập buộc tội và gỡ tội; luôn đảm bảo việc truy tố có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

Người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa

VKSND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn đối với các ngành chức năng và các lực lượng trực tiếp đấu tranh với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại địa bàn cơ sở. Đặc biệt là, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả trong đấu tranh với tội phạm này. Cụ thể là, phối hợp với Cơ quan điều tra trong các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, giải quyết các vấn đề phức tạp về tội phạm nổi lên trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm; trong thanh tra, kiểm tra các tin báo, vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ngành KSND hai cấp trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật; thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, quy hoạch, xây dựng…; thường xuyên thông báo về hành vi, phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản để mỗi người dân đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tự bảo vệ tài sản.

 

Đào Thị Hồng Hà