|
|
Kiểm sát viên VKSND huyện Tiền Hải tham gia tại phiên tòa xét xử. |
Vụ án được đưa ra xét xử cụ thể như sau: Cụ Trần Văn Nhĩ, sinh năm 1912 (chết ngày 10/6/1988) và cụ Trần Thị Sửu, sinh năm 1921 (chết ngày 25/7/1988), có 5 người con là ông Trần Văn Minh, bà Trần Thị Bích, Trần Thị Bình, Trần Thị Đáp và ông Trần Văn Bằng.
Khi còn sống, các cụ đã tạo lập được khối tài sản chung là nhà ở và một số công trình phụ trợ trên diện tích đất thổ là 530m2 và đất ao diện tích 290m2 thuộc Tờ bản đồ số 01, Bản đồ 299, địa chỉ tại tổ 1, thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Khi chết các cụ không để lại di chúc.
Sau khi các cụ chết, vợ chồng ông Trần Văn Bằng và bà Nguyễn Thị Nga (là con trai và con dâu) trực tiếp quản lý và sử dụng tài sản của các cụ, sau đó đã phá dỡ toàn bộ công trình và xây dựng nhà cửa trên đất. Năm 2020, ông Bằng chết, các anh chị em trong gia đình họp, thống nhất chia diện tích 232,4m2 đất cho ông Trần Văn Minh (là anh trai của ông Bằng), hiện ông Minh đã xây dựng nhà trên đất.
Đến ngày 4/8/2023, các bà Trần Thị Bích, Trần Thị Bình và Trần Thị Đáp cùng khởi kiện bà Trần Thị Nga (là chị, em dâu) yêu cầu chia di sản thừa kế là một phần đất và nhà của bố mẹ để lại, hiện do bà Nga và các con đang quản lý, sử dụng.
Do thời điểm mở thừa kế di sản là năm 1988, tính đến thời điểm nguyên đơn khởi kiện là 32 năm 10 tháng 24 ngày nên tại phiên tòa, các nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đưa ra quan điểm bảo vệ quyền lợi và đề nghị không áp dụng thời hiệu; bị đơn và người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị đơn đề nghị áp dụng thời hiệu để giải quyết.
Kiểm sát viên đã thực hiện tốt vai trò kiểm sát các hoạt động tư pháp, chủ động tham gia xét hỏi làm rõ nội dung vụ án. Căn cứ các quy định pháp luật về thừa kế, kết quả tranh tụng và ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa, Hội đồng xét xử TAND huyện Tiền Hải đã tuyên: Đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn do đã hết thời hiệu khởi kiện; giao các di sản thừa kế cho những người hiện đang quản lý, sử dụng.
Sau khi kết thúc phiên tòa, VKSND và TAND huyện tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, đánh giá những ưu điểm đã đạt được để phát huy và những hạn chế, tồn tại để khắc phục.
Việc tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm trực tuyến có ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện cho các Thẩm phán, Kiểm sát viên hai cấp tỉnh Thái Bình học tập, trao đổi, rút kinh nghiệm. Qua phiên tòa, các cán bộ, Kiểm sát viên học tập, tích lũy kinh nghiệm, tôi luyện bản lĩnh để hoàn thiện các kỹ năng, thao tác nghiệp vụ, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp đối với các vụ án dân sự nói chung và các vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế nói riêng.