Chủ trì buổi Tọa đàm có đồng chí Nguyễn Văn Phước - Viện trưởng VKSND huyện Mỹ Xuyên; các đồng chí là đại diện phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát tỉnh, các cơ quan, ban ngành huyện Mỹ Xuyên: Công an, Tòa án, Lãnh đạo và Kiểm sát viên bộ phận hình sự VKSND thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm, huyện Trần Đề, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Tú; cùng toàn thể Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên VKSND huyện Mỹ Xuyên.
Đây là hoạt động nhằm tăng cường hiệu quả, chất lượng công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trong ngành Kiểm sát nhân dân theo Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao và Kế hoạch số 1982/KH-VKS ngày 28/12/2023 về chuyển đổi số của Viện trưởng VKSND tỉnh Sóc Trăng, nhằm góp phần làm rõ những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng cũng như tìm ra các cách làm hay, hiệu quả trong công tác này.
Theo đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đang là xu hướng chung của sự phát triển trong tất cả các lĩnh vực và mọi mặt của đời sống xã hội. Đối với ngành kiểm sát nhân dân, chuyển đổi số cũng đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng hàng đầu, được Viện trưởng VKSND tối cao hết sức quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh trong toàn ngành. Trong đó trọng tâm là việc quản lý hồ sơ vụ án, vụ việc trên môi trường số, xây dựng sơ đồ hóa chứng cứ trong giải quyết các vụ án, vụ việc và thực hiện việc công bố, trình chiếu chứng cứ trong tranh tụng tại các phiên tòa.
Tuy nhiên, lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và việc số hóa hồ sơ vụ án, công bố, trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa hình sự nói riêng vẫn còn rất mới mẻ, nhất là mới được áp dụng đến VKSND cấp huyện trong thời gian gần đây, nên đa số các đơn vị còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc áp dụng, chủ yếu còn thực hiện tự phát trên cơ sở kết quả nghiên cứu vận dụng của mỗi đơn vị, mỗi địa phương.
Chính vì vậy mà thực tiễn thời gian qua chất lượng công tác số hóa hồ sơ, công bố, trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa hình sự vẫn còn chưa cao, chưa đồng đều và còn hạn chế, chưa bắt kịp với yêu cầu và tốc độ phát triển ứng dụng công nghệ thông tin của ngành. Đơn vị luôn xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin là khâu đột phá, thực sự là giải pháp hiệu quả, thiết thực trong nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, góp phần tháo gỡ tình trạng quá tải công việc hiện nay. Khi các công việc thủ công, tốn nhiều thời gian, công sức đã từng bước được chuyển dần trên môi trường số, giúp đơn thuận tiện trong quản lý, điều hành công việc.
Thông qua thực tiễn việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn vị VKSND huyện Mỹ Xuyên thấy rõ hơn nữa các giá trị hữu ích mà ứng dụng công nghệ thông tin đã đem lại, góp phần tạo nên những kết quả tích cực trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc về hình sự, nhất là tăng cường chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp.
Việc tổ chức tọa đàm nhằm mục đích tập hợp và phát huy kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của các đơn vị trong hai cấp kiểm sát tỉnh Sóc Trăng, từ đó cùng nhau đề ra và nhân rộng những cách làm hay, những giải pháp mới, hiệu quả để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới, góp phần tăng cường hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ.
Qua thảo luận hầu hết các đại biểu tham dự đều thống nhất cao đối với việc chọn chuyên đề tổ chức tọa đàm, đối với những khó khăn, vướng mắc, cũng như giải pháp khắc phục. Các đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân và chia sẽ những kinh nghiệm, cách làm hay trong thực tiễn tại đơn vị mình trong thời gian qua để cùng trao đổi, học hỏi thực hiện tốt hơn công tác số hóa hồ sơ và công bố, trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa hình sự tại đơn vị.
Kết thúc buổi tọa đàm đồng chí Nguyễn Văn Phước - Viện trưởng VKSND Mỹ Xuyên đánh giá cao những ý kiến thảo luận của các đại biểu tham gia Tọa đàm, qua đó đồng chí yêu cầu Kiểm sát viên, Kiểm tra viên bộ phận hình sự tiếp thu, học hỏi những kinh nghiệm các đại biểu đã thảo luận trong buổi tọa đàm, đặc biệt là học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị và Phòng nghiệp vụ.