VKSND huyện Tây Sơn thực hiện trình chiếu tài liệu số hóa tại phiên tòa dân sự
Cập nhật lúc 09:46, Thứ sáu, 24/02/2023 (GMT+7)
Nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, VKSND huyện Tây Sơn tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tài liệu để phục vụ hoạt động kiểm sát xét xử.
Ngày 16/02/2023, đơn vị đã chủ động phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên toà xét xử vụ án dân sự rút kinh nghiệm và thực hiện trình chiếu tài liệu số hóa tại Tòa án.
Vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu chia di sản thừa kế” giữa cụ Tạ Thị V và ông Phạm Văn A được đánh giá là vụ án phức tạp, có nhiều người tham gia tố tụng. Để giải quyết được vụ án cần xác định đất thuộc quyền sử dụng của ai, phần tài sản của mỗi người, phải thu thập đầy đủ chứng cứ về nguồn gốc, hồ sơ cấp đất có đúng quy định hay không… Qua nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên đã đề xuất Lãnh đạo Viện chọn vụ án này làm án rút kinh nghiệm, số hóa các tài liệu trình chiếu tại Tòa án.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã trình chiếu những tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh có liên quan đến việc xác định nguồn gốc thửa đất, biên bản xác minh của Tòa án, lời khai của cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Sơn về việc cấp đất… viện dẫn các quy định pháp luật về thừa kế, tạo cơ sở pháp lý nhằm thuyết phục các đương sự. Từ đó, Kiểm sát viên phát biểu đề nghị chia di sản theo quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của đương sự, được đương sự và Hội đồng xét xử chấp nhận. Trên cơ sở đề nghị của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn. Quyết định của Hội đồng xét xử phù hợp với quan điểm của Viện kiểm sát đã phát biểu. Qua đó, hình ảnh Kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng cao.
Việc tổ chức phiên tòa xét xử các vụ án tranh chấp đất đai có số hóa hồ sơ, công bố, trình chiếu chứng cứ, tài liệu bằng hình ảnh tại phiên tòa là biện pháp mang lại hiệu quả trong việc nâng cao kỹ năng kiểm sát, phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, hạn chế những thiếu sót của Thẩm phán, đồng thời thể hiện sự chủ động của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Thông qua phiên tòa rút kinh nghiệm để cán bộ, Kiểm sát viên đánh giá toàn diện những ưu điểm, hạn chế cần phải khắc phục… cũng là hình thức tự đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, đảm bảo sự tuân thủ quy định pháp luật trong quá trình xét xử và đáp ứng yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành kiểm sát nhân dân hiện nay./.
Thanh Thảo