Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2021/DS-ST ngày 3/6/2021 của TAND thị xã H, tỉnh L đã quyết định: "Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà H; buộc bà Phan Thị L, anh Quách Hữu T trả lại cho bà H toàn bộ thửa đất số 70, tờ bản đồ số 52, lô đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), được đo đạc thực tế có diện tích là 571,2m2. Trên đất có các tài sản là nhà và cây cối.

Bà H có nghĩa vụ trả lại giá trị nhà và tài sản trên đất cho bà L, anh T số tiền gần 257 triệu đồng và khoản tiền chi phí quản lý, tôn tạo nâng giá trị đất là 100 triệu đồng… Bà H được quyền kê khai cấp GCNQSDĐ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau đó cả nguyên đơn và bị đơn có đơn kháng cáo.

Bản án dân sự phúc thẩm số 163/2021/DS-PT ngày 27/9/2021 của TAND tỉnh L, quyết định: Không chấp nhận đơn kháng cáo của bà H; chấp nhận kháng cáo của bị đơn là anh T; sửa Bản án dân sự sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà H về việc buộc bà L, anh T trả lại cho bà H toàn bộ thửa đất nêu trên.

Ngày 1/8/2023, Viện trưởng Viện cấp cao 2 ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 54/QĐ-VKS-DS theo hướng hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm; giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên toà xét xử một vụ án dân sự. (Ảnh minh hoạ)

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 44/2023/DS-GĐT ngày 15/11/2023 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện cấp cao 2; huỷ toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm để giải quyết lại vụ án.

Trong vụ án trên, theo Viện cấp cao 2 có những vấn đề cần rút kinh nghiệm. Theo đó, đất Phòng giáo dục giao đất cho cán bộ trồng cà phê đều có một mặt giáp đường Nguyễn Trãi, nhưng hiện nay phần đất bà H được cấp GCNQSDĐ không giáp đường Nguyễn Trãi, chỉ có thửa đất tranh chấp giáp đường Nguyễn Trãi nên có cơ sở khẳng định thửa đất tranh chấp là của bà H được giao lô số 09 (không tính đất lấn chiếm) là phù hợp với các thửa đất phòng giáo dục đã giao.

Ngoài ra, những người làm chứng là ông Quách Hữu Đ (em ruột của ông B, chồng bà H và là anh ruột của ông Th, chồng bà L) và ông Ch (cán bộ phòng giáo dục, được giao đất cùng đợt) đều khẳng định năm 1999, vợ chồng bà H cho ông Th mượn đất làm nhà để đưa vợ con từ ngoài bắc vào sinh sống.

Căn cứ vào trích đo địa chính và hiện trạng sử dụng đất có cơ sở xác định ông Trần Văn H được giao lô đất số 08 và bà Phan Thị H được giao lô đất số 09, nhưng ông H không sử dụng nên bà H lấn chiếm thửa số 08 hợp với thửa số 09 của bà H thành một thửa lớn để quản lý, sử dụng chung.

Năm 1993, bà H đào một cái giếng trên phần đất tranh chấp để sử dụng. Đến năm 1999, vợ chồng bà H cho ông Th (em chồng bà H) mượn một phần diện tích đất thuộc thửa đất Phòng giáo dục giao cho bà H từ năm 1989 và đào giếng từ năm 1993; phần diện tích đất còn lại trong thửa đất của ông H thì vợ chồng bà H vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng nên việc bà L và anh T cho rằng thửa đất tranh chấp là đất hoang do ông Th, bà L khai hoang là không cơ sở.

Như vậy, gia đình bà H thuộc đối tượng được Phòng giáo dục giao đất trồng cà phê và đã sử dụng ổn định từ năm 1989 (trước ngày 15/10/1993), đến năm 1999 mới cho gia đình ông Th mượn, nên Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H, buộc bà L, anh T trả lại diện tích đất cho bà H và bà H được quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp Giấy chứng nhận là có căn cứ. 

Tòa án cấp phúc thẩm không xác minh, thu thập chứng cứ để làm rõ quá trình sử dụng đất cũng như hiện trạng sử dụng đất (phần đất bà H được cấp GCNQSDĐ không giáp đường Nguyên Trãi) như đã phân tích ở trên, nhưng đã bác yêu cầu của bà H là không đúng quy định.

Tuy nhiên, theo Viện cấp cao 2, gia đình bà L, anh T đã có nhà trên đất từ năm 1999, để đảm bảo nơi ở ổn định cho gia đình bà L và anh T nên cần giao phần đất có nhà cho bà L, anh T (đủ điều kiện tách thửa) và buộc bà L, anh T trả lại giá trị đất cho bà H sau khi đã trừ đi giá trị tài sản và chi phí tôn tạo làm tăng giá trị đất của bà L và anh T.

P.V