Trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát, VKSND tỉnh Đắk Nông nhận thấy, thời gian qua, hoạt động khai thác, mua, bán, vận chuyển tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói chung và tại huyện Đắk Mil nói riêng diễn ra rất phức tạp.
Cụ thể, ngày 23/11/2019, VKSND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an cùng cấp khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi vụ việc chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ, xảy ra tại mỏ đá thuộc Công ty TNHH Thạch Lợi (ở thôn 3 xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil). Hậu quả vụ nổ đã khiến anh Quách Văn Lương tử vong và Lê Văn Tuân bị thương nặng (với tỉ lệ thương tật là 43% sức khỏe).
Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án, VKSND tỉnh Đắk Nông nhận thấy, ngày 24/4/2012, UBND tỉnh Đắk Nông cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Thạch Lợi được khai thác mỏ đá bazan tại thôn 3 (xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil), diện tích khu vực khai thác là 19 ha, thời hạn khai thác là 30 năm. Sau khi được cấp phép, Công ty Thạch Lợi đã tổ chức khai thác và hợp đồng với Chi nhánh Công nghiệp hóa chất mỏ Đắk Lắk thực hiện dịch vụ nổ mìn để khai thác khoáng sản tại mỏ đá.
Tuy nhiên, sau đó, Công ty Thạch Lợi không nộp tiền khai thác, lệ phí cấp giấy phép khai thác, thuế, phí và chậm thực hiện các nghĩa vụ về tài chính khác theo quy định. Do đó, ngày 11/4/2019, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 504/QĐ-UBND về việc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty Thạch Lợi. Đồng thời, giao UBND huyện Đắk Mil chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh bảo vệ khối lượng khoáng sản còn lại chưa khai thác tại mỏ đá bazan ở thôn 3, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil.
Theo Quyết định trên, sau khi bị thu hồi giấy phép khai thác, Công ty Thạch Lợi không được phép khai thác khoáng sản tại mỏ đá thôn 3, xã Đức Mạnh. Thế nhưng, kết quả điều tra xác định, từ ngày 17/4/2017 đến ngày 23/11/2019, ông Thạch Kim Minh là Giám đốc Công ty Thạch Lợi đã thỏa thuận thuê Quách Văn Lương và Lê Văn Tuân thực hiện 2 lần nổ mìn khai thác đá trái phép, với khối lượng đá khai thác khoảng gần 3.000m3.
Đến ngày 23/11/2019, khi Lương và Tuân đang trộn hỗn hợp thuốc nổ để thực hiện lần nổ thứ 3 thì xảy ra tai nạn, hậu quả làm 1 người chết và 1 người bị thương nặng. Sau đó, Thạch Kim Minh và Lê Văn Tuân bị khởi tố để điều tra về tội “Chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ”.
VKSND tỉnh Đắk Nông cho rằng, để xảy ra hậu quả trên, trước hết do Công ty Thạch Lợi mà trực tiếp là ông Thạch Kim Minh, chức vụ Giám đốc đã không chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật, đã bị thu hồi giấy phép nhưng vẫn tổ chức khai thác trái phép. Hơn nữa, để xảy ra tình trạng khai thác trái phép trên, có phần trách nhiệm của UBND huyện Đắk Mil khi được giao chủ trì, chưa phối hợp với các đơn vị có liên quan để bảo vệ khối lượng khoáng sản còn lại chưa khai thác, chưa có phương án giám sát, bảo vệ, để Công ty Thạch Lợi tổ chức khai thác trái phép khoáng sản trong thời gian dài nhưng không phát hiện kịp thời, hậu quả gây mất an ninh trật tự, thất thoát tài nguyên.
Từ những phân tích nói trên, VKSND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Văn bản số 2729/KN-VKS(P2) kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil xem xét chỉ đạo thực hiện tốt một số vấn đề: Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh bảo vệ khối lượng khoáng sản còn lại chưa khai thác tại các mỏ đá trên địa bàn huyện Đắk Mil đối với các công ty đã bị UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi giấy phép hoặc giấy phép hết hạn khai thác, trong đó có mỏ đá của Công ty Thạch Lợi.
Bên cạnh đó, đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ đối với các công ty đã bị thu hồi giấy phép khai thác hoặc giấy phép khai thác đã hết hạn, phục hồi môi trường, đất đai và di dời tài sản, máy móc, phương tiện khai thác ra khỏi khu vực mỏ; thu hồi đất, bố trí sử dụng và bàn giao vị trí, ranh giới, phần diện tích khoáng sản còn lại chưa khai thác theo quy định.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc tiến hành phương án bảo vệ, xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nếu phát hiện vi phạm liên quan đến việc khai thác, mua, bán, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các công ty khai thác khoáng sản và người dân ý thức được sự nguy hiểm về tính mạng cũng như tài sản do hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép; cho các công ty ký cam kết, vận động nhân dân thực hiện tốt quy định của Nhà nước. Nghiêm cấm và chấm dứt tình trạng để các công ty khai thác khoáng sản trái phép nhằm bảo vệ môi trường, tài nguyên.