Nội dung vụ án

Nội dung vụ án thể hiện, thửa đất diện tích 897,7m2 và nhà thờ dòng họ Nguyễn Công chi phái Can Phan là tài sản chung của dòng họ Nguyễn Công chi phái Can Phan. Năm 1863, cụ Can Thơ là con của cụ Can Phan khởi công xây dựng nhà thờ và từ đó đến nay con cháu sử dụng để thờ cúng tổ tiên. 

Đến thời ông Nguyễn Công Châu là tộc trưởng đời thứ 8 của chi phái Can Phan đã tự ý kê khai làm thủ tục hợp thức hóa thửa đất thành tài sản riêng của ông Châu. Các ông Nguyễn Công Thiềng, ông Nguyễn Công Kỳ, ông Nguyễn Công Ngân, ông Nguyễn Công Hoài, ông Nguyễn Công Quản, ông Nguyễn Công Thức khẳng định nguồn gốc đất và nhà thờ tọa lạc trên thửa đất là tài sản chung dòng họ, không phải là của cá nhân gia đình ông Châu. 

Việc ông Châu tự ý kê khai để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất diện tích 897,7m2 là trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của dòng họ nên đại diện dòng họ khởi kiện yêu cầu hủy GCNQSDĐ mang tên ông Châu và vợ là bà Nguyễn Thị Tuất đối với thửa đất nêu trên.

Buộc ông Châu và những người liên quan phải trả lại toàn bộ thửa đất và nhà thờ trên đất cho dòng họ theo quy định của pháp luật; tuyên bố các hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng một phần diện tích thửa đất giữa vợ chồng ông Châu, bà Tuất với vợ chồng ông Hồ Sỹ Hà, bà Nguyễn Thị Phương và với ông Nguyễn Công Quản vô hiệu.

Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2019/DS-ST ngày 14/10/2019 của TAND tỉnh Nghệ An chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn dòng họ Nguyễn Công, chi phái Can Phan, hủy một phần Quyết định cấp GCNQSDĐ và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND huyện Đô Lương mang tên ông Châu, bà Tuất đối với thửa đất có diện tích 897,7m2. 

Tuyên bố Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Châu, bà Tuất với vợ chồng ông Hà, bà Phương và Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Châu, bà Tuất với ông Quản về việc tặng cho và chuyển nhượng một phần diện tích 897,7m2 đất vô hiệu; buộc ông Châu và các đồng thừa kế của bà Tuất (ông Châu, ông Chương, bà Phương) phải giao thửa đất có diện tích 897,7m2 và ngôi nhà thờ cấp 4 ba gian và các loại tài sản được xây dựng trên thửa đất (bao gồm cây cối, tường bao, cổng, sân, phần ao...) cho dòng họ Nguyễn Công, chi phái Can Phan. Buộc dòng họ Nguyễn Công, chi phái Can Phan trích công sức duy trì, quản lý đất, nhà thờ cho ông Châu và các đồng thừa kế của bà Tuất.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên toà xét xử rút kinh nghiệm vụ án dân sự. (Ảnh minh hoạ)

Bản án sơ thẩm bị kháng cáo. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 205/2020/DS-PT ngày 8/10/2020 của TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2019/DS-PT ngày 14/10/2019, chuyển hồ sơ cho TAND tỉnh Nghệ An giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm như quan điểm của Kiểm sát viên Viện cấp cao 1 đề nghị.

Những vi phạm cần rút kinh nghiệm 

Theo Viện cấp cao 1, trong vụ án trên, vi phạm đầu tiên là việc xác định tư cách tố tụng của nguyên đơn. Khi khởi kiện vụ án, các ông Thiềng, Kỳ, Ngân, Hoài, Quảng, Thức xuất trình hai bản danh sách có đề tên, chữ ký của nhiều người và cho rằng đây là danh sách các thành viên của dòng họ Nguyễn Công, chi phái Can Phan đã ủy quyền cho các ông khởi kiện vụ án.

Hai bản danh sách nêu trên đều không thể hiện rõ nội dung ủy quyền, phạm vi ủy quyền cũng như tính hợp pháp của việc ủy quyền. Theo Biên bản xác minh ngày 23/8/2018, ông Đặng Hữu Phú (Công chức tư pháp xã Thái Sơn) xác định: “... Trong giấy ủy quyền 47 người ký trước mặt ông Phú không có nội dung ủy quyền, phạm vi ủy quyền và trách nhiệm ủy quyền mà họ chỉ yêu cầu UBND xã xác nhận 47 người có chữ ký trong danh sách là con cháu trực hệ chi phái Can Phan dòng họ Nguyễn Công...”. 

Do đó, không có cơ sở xác định các ông nêu trên là người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng. Tòa án cấp sơ thẩm xác định họ là đại diện của nguyên đơn dòng họ Nguyễn Công chi phái Can Phan và đưa họ vào tham gia tố tụng là không chính xác.

Quá trình giải quyết vụ án các bên đương sự không có sự thống nhất về số lượng thành viên của dòng họ. Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành đối chất, lấy lời khai hoặc sử dụng biện pháp thu thập chứng cứ khác để làm rõ tập quán tại địa phương, các thỏa thuận, quy ước của dòng họ trong việc xác định tư cách thành viên dòng họ để có cơ sở xác định chính xác số lượng thành viên dòng họ, xác định địa chỉ của họ và đưa họ hoặc người đại diện của họ vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.

Mặt khác, Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐTP ngày 5/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ thì “Dòng họ” không thể trở thành đương sự mà chỉ các thành viên trong dòng họ mới có thể trở thành đương sự trong vụ án dân sự. 

Tòa án sơ thẩm xác định “Dòng họ Nguyễn Công chi phái Can Phan” là nguyên đơn tham gia tố tụng trong vụ án là không đúng hướng dẫn nêu trên, cần phải xác định nguyên đơn trong vụ án là thành viên của dòng họ và là người khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ mới chính xác.

Bên cạnh đó, vụ án còn có vi phạm trong xác định quan hệ pháp luật tranh chấp và áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án không đúng.

Cụ thể, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu buộc ông Châu (trưởng họ) và những người có liên quan phải trả lại cho dòng họ khối tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của dòng họ là thửa đất có diện tích 897,7m2 và ngôi nhà thờ tọa lạc trên đất; yêu cầu hủy GCNQSDĐ đứng tên vợ chồng ông Châu, bà Tuất đối với thửa đất nêu trên; yêu cầu hủy các Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất do vợ chồng ông Châu, bà Tuất ký kết có liên quan đến thửa đất là tài sản chung của dòng họ. 

Do đó, quan hệ pháp luật trong vụ án này là “Tranh chấp về tài sản chung của dòng họ”. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án là “Tranh chấp quyền sử dụng đất; yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và hủy Quyết định cá biệt” là không đúng, dẫn đến việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án của bản án không đúng pháp luật.

Theo Viện cấp cao 1, những vi phạm nêu trên là nghiêm trọng và không thể khắc phục ở cấp phúc thẩm, do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm - TAND cấp cao tại Hà Nội xử hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại.

P.V