Từ tranh chấp yêu cầu truy nhận cha cho con

Nội dung vụ án thể hiện: Bà P là vợ hợp pháp của ông B và có hai con chung. Bà P và các con sống ở huyện H, tỉnh G. Ông B công tác tại tỉnh L. Năm 2005, ông B chết. Đến năm 2015, anh S và anh T (sống ở thành phố X, tỉnh L) có đơn khởi kiện, yêu cầu TAND thành phố X, tỉnh L xác nhận các anh là con ruột của ông B với bà A. Ngày 3/4/2015, TAND thành phố X thụ lý vụ án Hôn nhân gia đình số 155/2015/TLST-HNGĐ “Tranh chấp yêu cầu truy nhận cha cho con”, nhưng sau đó chuyển vụ án cho TAND huyện H, tỉnh G (nơi có địa chỉ cư trú của bà P) giải quyết theo thẩm quyền. TAND huyện H, tỉnh G đã ban hành Thông báo thụ lý vụ án dân sự số 77/TB-TL-TA ngày 18/5/2015.

Trước đó, UBND phường TN, thành phố X, tỉnh L đã ban hành Quyết định số 220/QĐ-UBND ngày 5/2/2015 và Quyết định số 1691/QĐ-UBND ngày 16/11/2015 hủy bỏ 02 Giấy khai sinh đã cấp cho các anh S và T, với lý do bà A không đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường TN, thành phố X khi đăng ký khai sinh cho các con. 

Năm 2016, bà A đã đăng ký hộ khẩu thường trú tại tổ 3, phường TN, thành phố X nên ngày 5/4/2016, UBND phường TN cấp lại Giấy khai sinh số 71 cho anh S và Giấy khai sinh số 72 cho anh T, trong 2 tờ Giấy khai sinh có ghi tên cha là B. 

leftcenterrightdel
Nhận thấy vụ án có vi phạm nghiêm trọng nên Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.  

Ngày 6/12/2016, bà P có đơn khởi kiện yêu cầu TAND thành phố X hủy Giấy khai sinh số 71 và 72 ngày 5/4/2016 mà UBND phường TN, thành phố X, tỉnh L đã cấp cho anh S và anh T, với lý do: trong 2 tờ Giấy khai sinh có tên chồng hợp pháp của bà là ông B (Tòa án thụ lý là chính Tòa án đã thụ lý vụ án trước đó bà A khởi kiện vụ án “Tranh chấp yêu cầu truy nhận cha cho con”.

Bản án hành chính sơ thẩm số 03/2018/HC-ST ngày 21/11/2018 của TAND thành phố X và Bản án hành chính phúc thẩm số 02/2019/HC-PT ngày 13/6/2019 của TAND tỉnh L đã bác đơn khởi kiện và kháng cáo của bà P. 

Bà P tiếp tục gửi đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Nhận thấy vụ án có nhiều vi phạm nghiêm trọng nên ngày 1/2/2021, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 01/2021/HC-GĐT, đề nghị hủy cả hai Bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND thành phố X và TAND tỉnh L. Tại phiên tòa giám đốc thẩm vừa qua, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND cùng cấp.

Những vi phạm của Tòa án hai cấp

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng được Ủy ban thẩm phán TAND cùng cấp chấp nhận, ngoài việc thể hiện được chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát trong việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, tạo được niềm tin trong nhân dân, còn góp phần thống nhất trong nhận thức áp dụng pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đây là kết quả, công sức của cán bộ nghiên cứu cũng như sự xem xét, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo VKSND cấp cao tại Đà Nẵng. Với nhận thức: vụ án là loại án hành chính khó, ít gặp và chưa có tiền lệ, có tính chất khá phức tạp vì liên quan đến nhiều văn bản pháp luật như Luật Hộ tịch qua các thời kỳ, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự và Luật Tố tụng hành chính. 

Trong vụ án này: ông B đang tồn tại hôn nhân hợp pháp với bà P nhưng lại chung sống như vợ chồng với bà A là vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Năm 2016, bà A đi đăng ký khai sinh (lần 2) cho hai con là anh S và anh T nhưng không có chứng cứ, tài liệu chứng minh có quan hệ huyết thống với ông B. Viêc UBND phường TN, thành phố X cấp lại Giấy khai sinh,  phần người cha ghi tên ông B là trái luật (vì ông B đã chết từ 2005) và ông B là chồng hợp pháp với bà Nguyễn Thị P.  Theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014 thì lẽ ra, khi cấp giấy khai sinh cho các anh S và T , UBND phường TN phải để trống phần ghi về cha; trường hợp nếu bà A có yêu cầu xác định ông B là cha của anh S và anh T thì gửi đơn yêu cầu Tòa án thụ lý giải quyết việc dân sự (yêu cầu về hôn nhân và gia đình) truy nhận ông B là cha của anh S và anh T mới đúng quy định. 

Do vụ án đề nghị hủy giấy khai sinh của bà P và vụ việc “Tranh chấp yêu cầu truy nhận cha cho con” cùng một TAND thành phố X  thụ lý giải quyết. Nhưng, sau đó, TAND thành phố X lại chuyển cho TAND huyện H, tỉnh G giải quyết vụ “Tranh chấp yêu cầu truy nhận cha cho con” là không cần thiết và không đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự, vì đây là những việc có liên quan đến nhau nên có thể áp dụng quy định tại Điều 42 Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết. TAND hai cấp tỉnh G khi giải quyết vụ án hành chính yêu cầu Tòa án hủy 2 Giấy khai sinh và bác yêu cầu khởi kiện của bà P là không đúng quy định của pháp luật, dẫn đến vụ án bị kéo dài và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của bà P.

Tuyết Nguyễn