Thời gian qua, Kiểm sát viên VKSND tỉnh Thanh Hóa đã ý thức rõ và làm tốt công tác hoà giải. Tại phiên toà, thông qua việc nghiên cứu hồ sơ, nắm vững nội dung vụ án, Kiểm sát viên cùng với Thẩm phán, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã giải thích cho các bên đương sự hiểu rõ quy định của pháp luật về vấn đề đang tranh chấp.

Trên cơ sở quy định pháp luật kết hợp với lắng nghe tâm tư nguyện vọng của mỗi bên, Kiểm sát viên đã đưa ra phương án hài hòa, từ đó các đương sự có cái nhìn đúng, hiểu nhau hơn, thiện chí cùng tìm ra phương án giải quyết tối ưu nhất.

leftcenterrightdel
  Kiểm sát viên Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phòng 9 VKSND tỉnh Thanh Hóa báo cáo nội dung vụ án dân sự.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Tâm, Kiểm sát viên Phòng 9 VKSND tỉnh Thanh Hóa, nếu như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp xét xử, khi kết thúc phiên tòa HĐXX phải ra bản án tuyên chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của đương sự, hay nói cách khác phán quyết của Tòa án sẽ có bên thắng bên thua, thậm chí có nhiều trường hợp cả hai bên đều thua.

Ngược lại, giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải thì các bên thể hiện ý chí hoàn toàn tự nguyện như đúng thỏa thuận.

Mặt khác, nếu không hòa giải được buộc Tòa án phải giải quyết bằng bản án, khi thi hành án thường gặp trở ngại khó khăn, nhiều đương sự không tự nguyện thi hành.

Kiểm sát viên Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ, trong năm qua đơn vị có nhiều vụ án phức tạp, các bên mâu thuẫn lợi ích gay gắt nhưng đã được giải quyết ổn thỏa, giữ được tình cảm gia đình, láng giềng.

Đặc biệt đối với những vụ án tranh chấp về chia di sản thừa kế, việc hòa giải thành công còn có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc giữ gìn mối liên kết bền vững qua các thế hệ. Vụ án dưới đây là minh chứng cho vai trò của Kiểm sát viên trong việc thuyết phục, hòa giải giữa các đương sự.

Theo đó, chị H. và anh L. kết hôn với nhau trên cơ sở tự nguyện tìm hiểu, có đăng ký kết hôn tại UBND xã Thiệu D., huyện Thiệu Hóa năm 2013.

Sau khi kết hôn anh chị chung sống hòa thuận được một thời gian, đến đầu năm 2019 thì bắt đầu phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân là giữa hai bên luôn bất đồng quan điểm, không có tiếng nói chung.

Nay xét thấy tình cảm vợ chồng không còn, mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc không đạt được nên chị H. yêu cầu Tòa án giải quyết cho chị được ly hôn.

Anh chị có 2 con chung, hiện chị đang mang thai một cháu được 7 tháng. Theo đó, chị H. có nguyện vọng được nuôi cả hai cháu, không yêu cầu anh L. phải cấp dưỡng tiền nuôi con; về tài sản tự thỏa thuận không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Bị đơn là anh L. thừa nhận có những mẫu thuẫn giữa vợ chồng đúng như chị H. nêu, tuy nhiên anh không đồng ý ly hôn mà hứa sẽ sửa chữa để cùng nhau nuôi dạy con cái trưởng thành.

Tại phiên tòa, được sự động viên phân tích của HĐXX cũng như Kiểm sát viên, chị H. đồng ý hòa giải, rút đơn khởi kiện, quay lại đoàn tụ với anh L. cùng nhau xây dựng gia đình. Căn cứ quy định tại Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự, HĐXX đã đình chỉ giải quyết vụ án.

Có thể nói, hòa giải trong tố tụng dân sự có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp giải quyết vụ án nhanh chóng thuận lợi mà còn có tác động tích cực trong đời sống xã hội. 

Phan Hải - Thanh Tâm