TAND tỉnh Bắc Kạn vừa đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nông Văn Q (SN: 1992, địa chỉ tại huyện B, tỉnh Bắc Kạn) do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2024/HS-ST ngày 13/8/2024 của TAND huyện B, tỉnh Bắc Kạn.

Nội dung vụ án thể hiện, khoảng hơn 23h ngày 20/12/2023, tại thôn V, xã H, huyện B, tỉnh Bắc Kạn, khi thấy anh Dương Văn M và anh Sằm Văn Đ đang vật lộn đánh nhau. Do trước đó, bị cáo Nông Văn Q đã có mâu thuẫn với anh M. Bị cáo Q đã có hành vi, dùng thanh kim loại hình hộp, rỗng, kích thước 4 cm x 8 cm x 87 cm giơ lên rồi đánh xuống chỗ anh M và anh Đ đang vật nhau, theo hướng từ trên xuống dưới, từ phải qua trái 2 phát, một phát trúng vào cánh tay phải anh Đ gây tổn thương cơ thể 16%, một phát trúng vào khuỷu tay phải anh M gây tổn thương cơ thể là 25%.

Với hành vi nêu trên, cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Nông Văn Q về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo 4 năm tù là đúng pháp luật, không oan sai.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên toà xét xử vụ án hình sự. (Ảnh minh hoạ)

Tại phiên toà phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh Bắc Kạn đã phát biểu quan điểm đề nghị HĐXX áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của bị cáo Q, sửa Bản án hình sự sơ thẩm theo hướng giảm mức hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo.

Quan điểm trên của đại diện Viện kiểm sát đã được HĐXX xử chấp nhận. Theo HĐXX, xét nội dung kháng cáo của bị cáo, khi quyết định hình phạt, cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo gồm “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; bị cáo đã “tự nguyện bồi thường thiệt hại” cho các bị hại; bị hại Sằm Văn Đ có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; bị cáo có bác ruột là Liệt sĩ được cấp bằng Tổ quốc ghi công theo quy định tại điểm b, s khoản 1; khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Tại giai đoạn phúc thẩm, bị cáo cung cấp thêm tài liệu về việc bị hại Sằm Văn Đ tiếp tục có đơn xin cho bị cáo được giảm hình phạt và được cải tạo tại địa phương; UBND xã Q, huyện B xác nhận bị cáo chấp hành tốt chính sách pháp luật tại địa phương, bị cáo cư trú tại khu vực đặc biệt khó khăn, gia đình bị cáo là hộ nghèo. Ngoài ra, bị cáo nộp đã nộp số tiền 200.000 đồng để thi hành án phí hình sự sơ thẩm, thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của bị cáo. HĐXX xét thấy, bị cáo là người dân tộc thiểu số sống ở khu vực miền núi, nhận thức pháp luật còn hạn chế.

Trong giai đoạn điều tra và tại phiên tòa bị cáo luôn thành khẩn khai báo và đã khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho các bị hại. Bị hại tiếp tục xin giảm nhẹ hình phạt, đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo. Bị cáo có nơi cư trú ổn định, rõ ràng, không cần thiết phải cách ly ra khỏi xã hội vẫn đảm bảo giáo dục bị cáo trở thành công dân tốt, nên cần chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Q, để bị cáo có cơ hội lao động, làm việc phần nào khắc phục tổn thất kinh tế do phải bồi thường cho các bị hại trong vụ án.

Kết quả, HĐXX tuyên bố bị cáo Nông Văn Q phạm tội "Cố ý gây thương tích"; áp dụng điểm d khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; khoản 1 Điều 54; Điều 65 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm; đồng thời, giao bị cáo cho UBND xã giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

P.V