Qua công tác kiểm sát việc giải quyết đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm các vụ án kinh doanh thương mại của TAND các cấp trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên, từ đầu năm 2022 đến cuối năm 2023 VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã phát hiện các vi phạm của TAND hai cấp và ban hành kháng nghị. Trong đó, có các vụ án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
|
|
Đầu năm 2023, VKSND tối cao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng". |
Theo đó, vụ án thứ nhất giữa nguyên đơn Công ty TNHH A.M. và bị đơn Ngân hàng Thương mại C. về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Nguyên đơn và Ngân hàng Thương mại C. ký Hợp đồng tín dụng ngắn hạn, theo đó Ngân hàng C. cấp hạn mức tín dụng là 180 tỉ đồng, tài sản thế chấp là cà phê gửi tại kho Công ty L.
Tuy nhiên, Ngân hàng C. đã để xảy ra việc mất cà phê nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Toà án buộc bị đơn hoàn trả giá trị cà phê bị chiếm đoạt là 81,3 tỉ đồng. Khoản tiền này được đối trừ vào dư nợ gốc 96,6 tỉ đồng của nguyên đơn và yêu cầu bị đơn bồi thường cho nguyên đơn khoản thu lợi nhuận thực tế bị mất là 6,4 tỉ đồng, đối trừ vào dư nợ gốc của nguyên đơn tại Ngân hàng và lãi phát sinh theo hợp đồng.
Bị đơn cho rằng nguyên đơn vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên bị đơn phản tố, đề nghị Tòa án buộc nguyên đơn trả cho bị đơn số tiền gốc, lãi tính đến ngày 6/4/2022 là 213,7 tỉ đồng và tiền lãi phát sinh. Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 6/4/2022, TAND thành phố B. quyết định: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn. Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 11/2022/KDTM-PT ngày 18/8/2022 của TAND Đ., không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Quyết định giám đốc thẩm số 03/2023/KDTM-GĐT ngày 20/3/2023 của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 12/QĐ-VKS-KDTM ngày 10/1/2023 của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm được chỉ ra: Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều căn cứ khoản 1 Điều 317 và khoản 4 Điều 321 của Bộ luật Dân sự năm 2015 để nhận định không có bất kỳ căn cứ pháp luật nào về việc bên thế chấp “Chuyển giao quyền sở hữu có thời hạn” cho bên nhận thế chấp, từ đó không chấp nhận sự thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng thuê kho giữ hàng hóa 3 bên là nguyên đơn (Công ty A.M), Công ty L. và Ngân hàng C. là không đúng với nội dung hợp đồng mà các bên đã ký kết.
Toà án hai cấp đều cho rằng “Mọi tổn thất do Công ty A.M. gánh chịu, Ngân hàng không có trách nhiệm gì” là không đúng với cam kết, thỏa thuận của các bên khi tham gia ký kết hợp đồng và không đảm bảo “Lẽ công bằng” được quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự và Điều 45 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Bởi lẽ, qua các lần phối hợp với nguyên đơn đến kiểm tra kho hàng, Ngân hàng C. không phát hiện ra hàng bị thiếu hụt. Do đó, Ngân hàng C. có một phần trách nhiệm trong việc quản lý tài sản thế chấp.
Quá trình giải quyết vụ án, Toà án hai cấp đã không xem xét đến trách nhiệm của Ngân hàng C. trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, trong việc không thực hiện ký quỹ đối với Công ty L.; thiếu trách nhiệm trong kiểm tra kho hàng, mà chỉ căn cứ vào quy định của pháp luật về thế chấp tài sản để không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đánh giá khách quan, toàn diện các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Vụ án thứ hai, giữa nguyên đơn Ngân hàng Thương mại A. và bị đơn ông T.Đ.N., bà T.T.B. về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bị đơn trả số tiền gốc, lãi với tổng số tiền là 589,6 tỉ đồng cho nguyên đơn và phải tiếp tục trả tiền lãi, phạt chậm trả lãi phát sinh theo mức lãi suất quy định tại thỏa thuận về các điều khoản và điều kiện tín dụng chung; hợp đồng tín dụng đã ký cho đến khi trả hết nợ.
Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự số 01/2023/QĐST-KDTM ngày 17/1/2023 của TAND thành phố Đ.H., tỉnh Q. các đương sự thỏa thuận như sau, về tiền gốc và tiền lãi: Tính đến ngày 9/1/2023 bị đơn còn nợ Ngân hàng tổng số tiền là: 589,6 đồng. Các bên thống nhất phương án và thời gian trả nợ.
Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Áp dụng Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Do các bên đương sự đã thỏa thuận nên chỉ phải chịu 50% án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm có giá ngạch.
|
|
Tháng 6/2023, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức cuộc thi “Xây dựng báo cáo đề xuất giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm lĩnh vực kinh doanh, thương mại”. |
Nguyên đơn và bị đơn đã thỏa thuận bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Nhưng Tòa án xác định bị đơn là cá nhân thuộc trường hợp người cao tuổi đã có đơn xin miễn án phí nên bị đơn được miễn án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về Danh mục án phí, lệ phí Tòa án.
HĐXX giám đốc thẩm chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng; sửa Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự nói trên về phần án phí.
Vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm: Quá trình giải quyết vụ án, các bên đương sự đã thỏa thuận được việc giải quyết toàn bộ vụ án và thỏa thuận bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Tuy nhiên, TAND sơ thẩm xác định bị đơn là người cao tuổi đã có đơn xin miễn án phí nên miễn án phí cho bị đơn theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không đúng, gây thiệt hại cho Nhà nước. Bởi lẽ, bị đơn là đại diện hộ kinh doanh vay vốn nhằm mục đích phục vụ nhu cầu hoạt động kinh doanh nên không thuộc trường hợp được miễn án phí.
Thông qua các vụ án, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng tổng hợp các dạng vi phạm thường gặp trong quá trình giải quyết vụ án để tham khảo, rút kinh nghiệm trong quá trình kiểm sát các vụ án tương tự.