Thông qua công tác kiểm sát đối với Bản án số 30/2019/HNGĐ-ST ngày 27/9/2019 của TAND cùng cấp về việc “Tranh chấp hôn nhân và gia đình” giữa nguyên đơn: chị Phan Thị Hải Hậu với bị đơn: anh Nguyễn Thế Nam; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (Ngân hàng VIB), VKSND huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) phát hiện Bản án có vi phạm về việc không thụ lý giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trong đơn khởi kiện đề ngày 18/2/2019, chị Phan Thị Hải Hậu yêu cầu Tòa án giải quyết về quan hệ hôn nhân và con chung, không yêu cầu giải quyết về tài sản và công nợ chung. TAND huyện Lập Thạch đã thụ lý và giải quyết vụ án. Đến ngày 8 và ngày 10/5/2019, Toà án triệu tập anh Nam, bị đơn đến làm việc, cùng ngày 10/5/2019, Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Tại buổi làm việc, anh Nam khai vợ chồng có tài sản chung là 1 xe ô tô BKS 88A-162.00, chiếc xe này hiện đang được thế chấp tại Ngân hàng VIB để vay số tiền gốc 356.000.000 đồng (anh đã trả được 56.000.000 đồng), anh Nam đề nghị Toà án giải quyết về tài sản và công nợ chung của vợ chồng. Trên cơ sở lời trình bày của anh Nam, ngày 15/5/2019, Toà án ban hành công văn số 13/CV-TA xác định Ngân hàng VIB là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Đến ngày 29/5/2019, Toà án nhận được đơn yêu cầu độc lập của Ngân hàng VIB và các tài liệu, chứng cứ kèm theo yêu cầu Toà án giải quyết khoản nợ giữa vợ chồng chị Hậu, anh Nam với Ngân hàng trong cùng vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình giữa chị Hậu và anh Nam.

leftcenterrightdel
Quang cảnh một phiên tòa dân sự. Ảnh: minh họa 

Tuy nhiên, Bản án số 30/2019/HNGĐ-ST nêu trên nhận định: “…ngày 10/5/2019, TAND huyện Lập Thạch đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ là trước ngày Ngân hàng có yêu cầu độc lập nên… yêu cầu độc lập này không được Tòa án xem xét, giải quyết. Sau này, Ngân hàng có thể khởi kiện bằng một vụ án khác”.

Theo VKSND huyện Lập Thạch, việc Tòa án nhận định như trên và không xem xét giải quyết yêu cầu độc lập của Ngân hàng VIB trong vụ án này là thiếu sót, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng VIB, dẫn đến vụ án không được giải quyết triệt để. Bởi lẽ, thời điểm Ngân hàng VIB đưa ra yêu cầu độc lập là sau ngày Toà án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ lần 1 (ngày 10/5/2019), tuy nhiên, tại thời điểm trên, Tòa án chưa đưa Ngân hàng VIB tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án nên Ngân hàng VIB không được thông báo và không là thành phần tham gia phiên họp. Do đó, Ngân hàng VIB không biết họ có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình giữa chị Hậu và anh Nam. Đến ngày 15/5, Toà án mới thông báo cho Ngân hàng VIB và ngày 27/5, Ngân hàng VIB có yêu cầu độc lập yêu cầu Tòa án giải quyết khoản nợ chung của anh Nam và chị Hậu với Ngân hàng VIB là phù hợp với quy định tại Điều 199 Bộ luật tố tụng dân sự về quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi nhận thông báo: “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo… người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Toà án… yêu cầu độc lập (nếu có)”. Do đó, ngày 7/8, Toà án mới thông báo cho Ngân hàng tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Như vậy, thời điểm Ngân hàng VIB có quyền đưa ra yêu cầu độc lập là trước phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 7/8, chứ không phải phiên họp ngày 10/5/2019 như Bản án đã nhận định. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng và theo đúng quy định của pháp luật thì yêu cầu độc lập của ngân hàng phải được giải quyết trong cùng vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình giữa chị Hậu và anh Nam. 

Việc Toà án không xem xét giải quyết yêu cầu độc lập của Ngân hàng trong vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình nêu trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng VIB và vi phạm quy định tại Điều 201 Bộ luật tố tụng dân sự.

Ngoài ra, quá trình giải quyết vụ án, anh Nam khai đã trả cho Ngân hàng VIB số tiền 56.000.000 đồng (khoản nợ thế chấp bằng ô tô BKS 88A-162.00), tuy nhiên, Toà án chưa làm rõ số tiền đã trả ngân hàng này là do tiền riêng của anh Nam hay tiền chung của vợ chồng và bản án không nhận định về nội dung này là thiếu sót. Đồng thời, phần quyết định của bản án tuyên “Buộc chị Hậu phải thanh toán chênh lệch tài sản cho anh Nguyễn Thế Nam là 168.696.600 đồng” là không chính xác. Bởi lẽ, tài sản chung của chị Hậu và anh Nam là chiếc ô tô trị giá 280.000.000 đồng, chị Hậu được chia ½ giá trị xe là 140.000.000 đồng và phải trả tổng số nợ 308.696.600 đồng, Tòa án giao anh Nam được quản lý, sử dụng xe ô tô và có trách nhiệm trả Ngân hàng VIB 2 khoản nợ chung của vợ chồng. Sau khi đối trừ tài sản và công nợ thì số nợ chị Hậu phải trả nhiều hơn số tài sản chị được chia nên chị Hậu phải thanh toán cho anh Nam 168.696.600 đồng chênh lệch công nợ, không phải là thanh toán chênh lệch tài sản như bản án đã tuyên. 

Cho rằng những vi phạm nêu trên của TAND cùng cấp là nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng VIB, VKSND huyện Lập Thạch đã ban hành Kháng nghị số 485/QĐKNPT-DS ngày 11/10/2019 đối với bản án sơ thẩm, đề nghị TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy bản án sơ thẩm về phần tài sản chung và công nợ chung.

Hải Hà - xuân phú