leftcenterrightdel
Ảnh: Minh họa 

Khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”.

Tại khoản 2 điều luật trên lại quy định người đã yêu cầu khởi tố được quyền rút yêu cầu, cụ thể: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”.

Theo quy định, việc rút yêu cầu khởi tố của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết không bị giới hạn về thời điểm rút đơn yêu cầu. Tuy nhiên, quy định này còn bộc lộ một số vướng mắc sau:

Thứ nhất: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 282 BLTTHS năm 2015. Theo đó: “Người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức”...

Vấn đề đặt ra, nếu bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử sẽ giải quyết như thế nào? Tại khoản 3 Điều 326 BLTTHS năm 2015 quy định các vấn đề của vụ án phải được giải quyết khi nghị án, nhưng không có quy định Hội đồng xét xử có quyền đình chỉ xét xử vụ án đối với trường hợp người yêu cầu khởi tố rút yêu cầu tại phiên tòa, mặc dù, việc rút yêu cầu của họ là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc, cưỡng bức.

Thứ hai: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, theo quy định tại Điều 346 BLTTHS năm 2015, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa có thẩm quyền đình chỉ xét xử phúc thẩm hoặc đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Khoản 1 Điều 348 của Bộ luật này nêu các trường hợp đình chỉ xét xử phúc thẩm trong đó không có quy định Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thẩm quyền đình chỉ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, khi mà người yêu cầu khởi tố tự nguyện rút yêu cầu khởi tố.

Tại phiên tòa hình sự phúc thẩm thì Điều 359 BLTTHS năm 2015 quy định:

+ Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 BLTTHS năm 2015 (không có sự việc phạm tội và hành vi không cấu thành tội phạm).

+ Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 BLTTHS năm 2015.

Như vậy, BLTTHS năm 2015 cũng không quy định bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố là căn cứ để hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Do đó, nếu tại phiên tòa phúc thẩm bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố thì Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sẽ giải quyết như thế nào? Trong trường hợp này, Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng không thể căn cứ vào khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 để đình chỉ vụ án, vì bản án sơ thẩm xét xử về hành vi phạm tội theo yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại vẫn tồn tại, nên khi bị hại hoặc đại diện người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì phải hủy bản án sơ thẩm này, sau đó mới có thể quyết định đình chỉ vụ án.  

Nguyễn Thị Hiền