VKSND huyện Phú Hòa phối hợp với TAND huyện tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm đối với vụ án dân sự “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm” giữa nguyên đơn Bà Lê Thị Kim Phúc, (SN 1991) với Bị đơn ông Nguyễn Quốc Dương, (SN 1971); Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Bà Đào Thị Huỳnh Uyên, (SN 1975, tất cả cùng trú Thôn Quang Hưng, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên).

Tham dự phiên tòa có các đồng chí Kiểm sát viên, Kiểm tra viên VKSND huyện Phú Hòa và Thẩm phán, Thư ký của TAND huyện. Đây là vụ án dân sự thuộc trường hợp Viện kiểm sát phải có trách nhiệm tham gia theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Bộ luật TTDS năm 2015, là vụ án tranh chấp xảy ra phổ biến trên địa bàn huyện.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên tòa.

Kiểm sát viên đã lựa chọn vụ án phù hợp với các tiêu chí của phiên tòa rút kinh nghiệm được quy định tại hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 30/11/2018 của VKSND tối cao. Kiểm sát viên được phân công kiểm sát giải quyết vụ án đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, qua nghiên cứu hồ sơ xét thấy còn một số nội dung chưa được tòa án thu thập, làm rõ, đã ban hành 1 yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, được Tòa án chấp nhận thực hiện trước khi phiên tòa diễn ra. Kiểm sát hoạt động tố tụng của Tòa án và các đương sự. Tìm hiểu các văn bản pháp luật có liên quan để đưa ra hướng giải quyết phù hợp, chuẩn bị đề cương câu hỏi, dự thảo Bài phát biểu trước khi tham gia phiên tòa.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của HĐXX, của đương sự và những người tham gia phiên tòa, tham gia hỏi các đương sự để làm rõ nội dung tranh chấp. Sau phần hỏi và tranh luận của các bên tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã phát biểu ý kiến đánh giá về việc chấp hành pháp luật của HĐXX, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án đồng thời căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, diễn biến và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã đề nghị HĐXX tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đình chỉ đối với yêu cầu phản tố của bị đơn vì tại phiên tòa bị đơn tự nguyện rút yêu cầu phản tố, được HĐXX xem xét chấp nhận.

Sau khi kết thúc phiên tòa, VKSND và TAND huyện Phú Hòa tổ chức cuộc họp để rút kinh nghiệm. Với tinh thần trách nhiệm, các đồng chí tham dự phiên tòa đã phát biểu đóng góp nhiều ý kiến nêu rõ những ưu điểm cần phát huy và những vấn đề còn tồn tại, thiếu sót trong công tác chuẩn bị cũng như hoạt động của Thẩm phán, Thư ký, Kiểm sát viên tại phiên tòa để rút kinh nghiệm chung.

Việc tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, đây được xem là hình thức tự đào tạo hiệu quả, qua đó giúp các công chức, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình học hỏi, nâng cao được trình độ, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xử lý các tình huống tại phiên tòa, tích lũy kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Ánh Việt