Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng quyết liệt, sâu sát, thực chất

Trước hết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tiếp tục được đổi mới theo hướng quyết liệt, sâu sát, thực chất; công tác xây dựng thể chế, tổ chức bộ máy được triển khai tích cực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Cụ thể, gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành, tập trung quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Chỉ thị công tác năm 2025 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Toàn Ngành đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội; quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị công tác năm 2025 của Viện trưởng VKSND tối cao và các nhiệm vụ trọng tâm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; chấp hành nghiêm thời hạn và ban hành đầy đủ các kế hoạch, chương trình, hướng dẫn công tác theo yêu cầu của VKSND tối cao; đề ra nhiều giải pháp thiết thực bảo đảm thực hiện tốt những nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. 

Nội dung nhiều bản kế hoạch, chương trình, hướng dẫn công tác cụ thể, bám sát yêu cầu của Chỉ thị công tác năm 2025, như: Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đề cao tính đoàn kết, chủ động, sáng tạo, sâu sát trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; cụ thể hóa thành các nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị trong tình hình mới; chú trọng công tác dân chủ, tăng cường đối thoại trực tiếp giữa công chức và lãnh đạo quản lý; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi hoạt động của đơn vị,...

Tích cực tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền địa phương

VKSND các cấp đã tích cực, chủ động đẩy mạnh công tác tham mưu cho cấp ủy và phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc chủ động tham mưu này không chỉ giới hạn ở vai trò tố tụng mà còn mở rộng sang lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh trật tự, thể hiện vai trò tích cực của VKSND trong hệ thống chính trị địa phương, góp phần nâng cao vị thế và ảnh hưởng của Ngành. Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đề ra các giải pháp, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn dựa trên cơ sở kiến nghị, tham mưu của VKSND. 

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 của ngành Kiểm sát nhân dân. 

Nội dung kiến nghị, tham mưu tập trung vào các vấn đề thiết thực, cấp bách như: Nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hình sự; tăng cường cơ chế phối hợp trong cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ giữa các cơ quan chức năng; đặc biệt là việc kiểm tra, rà soát, lập danh sách các vụ, việc dân sự, hành chính quá hạn giải quyết, các vụ án bị hủy để giải quyết lại, các vụ án tạm đình chỉ đã hết lý do nhưng chưa được phục hồi giải quyết. Việc tập trung tham mưu giải quyết các vụ việc tồn đọng, quá hạn cho thấy nỗ lực của Ngành trong việc cùng các cơ quan địa phương tháo gỡ các điểm nghẽn trong hệ thống tư pháp, xử lý dứt điểm các vụ việc kéo dài, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Quyết liệt thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của VKSND trong kỷ nguyên mới

Đảng ủy, lãnh đạo VKSND tối cao xác định công tác tổ chức cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng công tác của toàn Ngành. Đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của pháp luật về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trọng tâm là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. 

Ban Chỉ đạo về rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong ngành KSND đã được thành lập và đi vào hoạt động ngay. Để tạo cơ sở pháp lý và định hướng thống nhất, Đảng ủy, lãnh đạo VKSND tối cao đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị và Kế hoạch tổng thể thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy; trong đó, nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, tuân thủ quy định pháp luật, phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn và phục vụ tốt Nhân dân; chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và đồng thuận cao trong Ngành. 

Việc thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể và chú trọng công tác tư tưởng cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản để quản lý quá trình thay đổi phức tạp này, giảm thiểu xáo trộn và bảo đảm sự thống nhất, ủng hộ từ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành.

Các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND các cấp đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy VKSND; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với nhiều giải pháp thiết thực.

Xây dựng Kế hoạch triển khai, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy VKSND theo định hướng không tổ chức cấp huyện”; tăng cường phối hợp, xây dựng hướng dẫn, phương án sắp xếp bộ máy, lãnh đạo, quản lý, phù hợp theo lộ trình, bảo đảm hoạt động của Viện kiểm sát các cấp thường xuyên, liên tục, thông suốt, không để gián đoạn, quá hạn hoặc bỏ sót, lọt nhiệm vụ hoặc vụ việc đang thụ lý giải quyết.

Gắn công tác quy hoạch với việc đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa, trẻ hóa để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý bảo đảm chất lượng và hiệu quả công tác của Ngành tại địa phương. Nâng cao chất lượng công tác tự đào tạo qua việc xây dựng kế hoạch phân công lãnh đạo, Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm hướng dẫn, kèm cặp công chức mới tuyển dụng hoặc Kiểm sát viên ngạch thấp hơn hoặc mới được bổ nhiệm nhằm từng bước nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ công chức, với phương châm “thiết thực, chu đáo, tích lũy kinh nghiệm, nâng chất và phát triển".

Ngoài ra, toàn Ngành đã tăng cường triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận của Trung ương; luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV và xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật.

Toàn Ngành tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Trung ương, các luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành; chủ trì nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức VKSND, Bộ luật Tố tụng hình sự, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và các quy chế, quy định, văn bản của Ngành bảo đảm mô hình mới hoạt động đồng bộ; kịp thời phổ biến, triển khai các chủ trương, chính sách, quy định mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Trong công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngay từ đầu năm, VKSND tối cao đã ban hành chương trình, hướng dẫn công tác, đề ra nhiều giải pháp thiết thực bảo đảm thực hiện tốt những nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Viện kiểm sát các cấp đã ban hành kế hoạch trọng tâm xác định từng nhiệm vụ cụ thể cần triển khai thực hiện; tiếp tục tăng cường hơn nữa ý thức trách nhiệm của các Kiểm sát viên, chủ động trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm kiểm sát chặt chẽ, kịp thời, đầy đủ, đúng quy định; tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý cũng như trách nhiệm tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp và Thủ trưởng các đơn vị, nhất là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra đối với cán bộ, Kiểm sát viên.
P.V