Về việc đương nhiên kết thúc thi hành án
Khoản 1 Điều 52 Luật THADS năm 2008 quy định việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong trường hợp “Đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình”.
Theo đó, khi đương sự thi hành xong nghĩa vụ trong bản án, quyết định theo quyết định thi hành án thì đương nhiên kết thúc thi hành án.
Thế nhưng, tại Khoản 1 Điều 52 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 lại quy định việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong trường hợp sau đây: “Có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình”.
Quy định này hiện có hai cách hiểu và áp dụng luật khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Khi người phải thi hành án thực hiện xong nội dung theo quyết định thi hành án là đương nhiên kết thúc thi hành án, hồ sơ đó được đưa vào lưu trữ. Xác nhận của cơ quan thi hành án theo Khoản 1 Điều 52 Luật THADS sửa đổi năm 2014 là biên lai thu tiền của người phải thi hành án. Vì đã dùng cụm từ “đương nhiên kết thúc thi hành án” thì sau khi đương sự thực hiện xong nghĩa vụ và quyền lợi của mình theo quyết định thi hành án bằng Biên lai thu tiền của Cơ quan THADS thì quyết định thi hành án đó đương nhiên kết thúc.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Tuy người phải thi hành án đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của mình theo quyết định thi hành án nhưng khi nào Cơ quan thi hành án dân sự cấp giấy xác nhận về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình thì mới đương nhiên kết thúc thi hành án.
Đến nay, chưa có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thế nào là “Có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự”.
Xác định thời hạn xử lý tài sản tạm giữ
Tại Khoản 3 Điều 68 Luật THADS năm 2008 quy định: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tạm giữ tài sản, giấy tờ, Chấp hành viên ra một trong các quyết định sau đây:
- Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án nếu xác định được tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc sở hữu của người phải thi hành án.
- Trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự trong trường hợp đương sự chứng minh tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án. Việc trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ phải lập biên bản, có chữ ký của các bên.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 68 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về thời hạn xử lý tài sản tạm giữ như sau: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án hoặc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì Chấp hành viên phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyền sở hữu, sử dụng.
Vậy, theo quy định của Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 “kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án” là ngày nào?, ai là người có quyền xác định chủ sở hữu của tài sản đó để chấp hành việc xử lý tài sản tạm giữ? Hiện có 02 quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Luật THADS 2008 quy định trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tạm giữ tài sản, giấy tờ là chậm giải quyết tài sản tạm giữ nên Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định lại: “Trong thời hạn 10 ngày” kể từ ngày tạm giữ tài sản, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; nếu trong hạn 10 ngày mà có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án hoặc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì Chấp hành viên phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyền sở hữu, sử dụng, không được giữ tài sản quá 10 ngày. Nếu trong hạn 10 ngày mà Chấp hành viên xác định tài sản đó là của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế để bảo đảm thi hành án. Quá thời hạn 10 ngày, Chấp hành viên không xử lý tài sản đó theo Khoản 5 Điều 68 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 là vi phạm pháp luật.
Quan điểm thứ hai cho rằng: thời gian 10 ngày theo Khoản 5 Điều 68 được tính từ ngày Chấp hành viên hay Tòa án xác định tài sản tạm giữ đó thuộc quyền sở hữu của ai. Nếu kể từ ngày xác định được chủ sở hữu tài sản trong thời hạn 10 ngày mà Chấp hành viên không ra quyết định trả lại tài sản hay ra quyết định cưỡng chế tài sản là vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 68 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Về quyền yêu cầu tạm giữ tài sản
Khoản 2 Điều 66 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: “Người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường”.
Theo đó, điều luật quy định người được thi hành án chỉ có quyền yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm (tạm giữ) và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu tạm giữ tài sản của mình trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tạm giữ, chứ điều luật không quy định người được thi hành án có quyền yêu cầu Chấp hành viên tạm giữ không có thời hạn đối với tài sản tạm giữ để bảo đảm thi hành án.
Khi thực hiện tạm giữ tài sản, Chấp hành viên phải tuân thủ đúng quy định tại Khoản 5 Điều 68 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 chứ không được làm trái. Tức là, Chấp hành viên được phép giữ trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tạm giữ tài sản chứ không được giữ không thời hạn theo yêu cầu của người được thi hành án, nếu giữ quá 10 ngày kể từ ngày tạm giữ tài sản mà gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thuộc về Chấp hành viên. Nếu việc tạm giữ tài sản là sai thì người yêu cầu tạm giữ tài sản phải bồi thường thiệt hại trong phạm vi 10 ngày tạm giữ tài sản.
Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn những quy định chưa rõ như nêu trên, để giải quyết những vướng mắc, bảo đảm cho pháp luật THADS được tuân thủ thống nhất, tránh gây thiệt hại, cho đương sự.
Thanh Nghị