leftcenterrightdel
Ảnh minh họa

Bộ Công an cho biết, đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù, đồng thời khuyến khích họ ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, trở thành người có ích cho xã hội. Để cụ thể hóa truyền thống nhân đạo của dân tộc, chính sách khoan hồng của Nhà nước, căn cứ Hiến pháp và kết quả thực tiễn thực hiện công tác đặc xá, ngày 21/11/2007, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Đặc xá, có hiệu lực từ ngày 01/3/2008.

Việc triển khai thực hiện Luật Đặc xá trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, bảo đảm được các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đối ngoại. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đặc xá vẫn còn những tồn tại, bất cập nhất là những bất cập giữa các quy định của Luật Đặc xá với các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau này.

Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định một chế định mới là tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66). Việc Bộ luật hình sự quy định chế định này là phù hợp với xu thế chung của thế giới trong thi hành án hình sự, đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp. Đặc xá là một ân huệ đặc biệt của Chủ tịch nước đối với người phạm tội, những điều kiện được đề nghị đặc xá lại rộng hơn điều kiện tha tù trước thời hạn (một trong những điều kiện được đề nghị đặc xá là đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời hạn tù, còn điều được tha tù trước thời hạn là đã chấp hành được ít nhất 1/2 thời hạn tù). Vì vậy, để chế định tha tù trước thời hạn có tính khả thi trong thực tiễn, đồng thời, thể hiện đặc xá là ân huệ đặc biệt thì cần thiết phải sửa đổi điều kiện được đề nghị đặc xá theo hướng chặt chẽ hơn điều kiện tha tù trước thời hạn.

Do đó, để phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, với quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác xét đặc xá thời gian qua, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đặc xá năm 2007 là cần thiết.

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá dựa trên những quan điểm, nguyên tắc: Thể chế hoá những quan điểm của Đảng và Nhà nư­ớc ta về chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với ngư­ời phạm tội, bị kết án phạt tù nhằm khuyến khích họ cải tạo tốt, sớm đ­ược trở lại với cộng đồng để trở thành người có ích cho xã hội.

Cụ thể hoá quy định thẩm quyền đặc xá của Chủ tịch nước trong Hiến pháp; xác định rõ những nguyên tắc pháp lý cơ bản, trình tự, thủ tục, đối tượng, tiêu chuẩn đ­ược hư­ởng đặc xá, thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nư­ớc và các cơ quan, tổ chức khác trong việc đặc xá.

Về phạm vi và nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, Bộ Công an cho biết, ngoài phạm vi điều chỉnh được xác định trong Luật Đặc xá năm 2007 quy định về thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; tiêu chuẩn, điều kiện, quyền, nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; các quy định về quản lý người được đặc xá. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá xác định quy định chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục, điều kiện được đặc xá; mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh đối với việc xác định nội dung, trình tự, thủ tục, đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xem xét đặc xá đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Dự thảo Luật xác định đối tượng áp dụng của luật là người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người được tạm tha tù trước thời hạn có điều kiện; cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến công tác đặc xá.

Lan Phương/Chinhphu.vn