leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Bộ Công an cho biết, thi hành án hình sự liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và xác định thi hành án hình sự là công tác lớn, quan trọng nên ngày 17/6/2010, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật thi hành án hình sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Việc ban hành Luật đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung, trong lĩnh vực thi hành án hình sự nói riêng, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người chấp hành án, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân.

Tuy nhiên, trước những đòi hỏi mới của thực tiễn, công tác thi hành án hình sự đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc: Việc thi hành án treo, thi hành các hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được giao cho nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau đảm nhiệm nên việc thi hành không đạt hiệu quả cao; việc theo dõi, giám sát, quản lý, giáo dục cải tạo người phải chấp hành hình phạt, người phải chấp hành biện pháp tư pháp còn bị buông lỏng.

Tình hình tội phạm trong thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm về ma tuý, mua bán phụ nữ, trẻ em, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, tài sản của công dân, chống người thi hành công vụ, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội… có xu hướng gia tăng, với tính chất và mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến số người phải chấp hành hình phạt tù và các hình phạt khác tăng lên làm cho nhiệm vụ quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo các đối tượng này cũng ngày càng nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn…

Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính cũng như bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 là cần thiết.

Dự thảo đề xuất sửa đổi các quy định về xử lý phạm nhân vi phạm. Cụ thể, trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân vi phạm nội quy, trại giam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì bị kỷ luật bằng một trong những hình thức sau: Khiển trách; cảnh cáo; giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày.

Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật hoặc buồng giam riêng, phạm nhân không được gặp hoặc liên lạc điện thoại với thân nhân, không được nhận thư, tiền, đồ vật do thân nhân gửi và có thể bị cùm chân. Không áp dụng cùm chân đối với phạm nhân nữ, phạm nhân là người dưới 18 tuổi, phạm nhân là người từ đủ 70 tuổi trở lên.

Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định kỷ luật phạm nhân bằng văn bản và lưu hồ sơ. Phạm nhân bị kỷ luật thì không được xếp loại thi đua và đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và đề nghị xét đặc xá theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hành vi vi phạm của phạm nhân có dấu hiệu của tội phạm thuộc quyền hạn điều tra của Giám thị trại giam, thì Giám thị trại giam ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật; trường hợp không thuộc quyền hạn điều tra của mình thì phải thông báo cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Trường hợp hành vi vi phạm của phạm nhân đang giam giữ tại trại tạm giam, nhà tạm giữ thuộc cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có dấu hiệu của tội phạm thì Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đề nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố theo quy định của pháp luật.

Phạm nhân làm hư hỏng, làm mất hoặc huỷ hoại tài sản nơi chấp hành án thì phải bồi thường…

Khánh Linh/Chinhphu.vn