Khái niệm, đặc điểm của hiện trường cháy, nổ và vai trò của Kiểm sát viên khi tham gia hiện trường cháy, nổ

Khám nghiệm hiện trường là một trong những biện pháp điều tra được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhằm tìm kiếm, phát hiện, ghi nhận, thu thập các dấu vết, vật chứng để có được những chứng cứ làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến vụ việc mang tính hình sự hoặc vụ án hình sự. Trong đó, hiện trường được hiểu là không gian mà ở đó tội phạm đã được thực hiện hoặc nơi phát hiện, chứa đựng các dấu vết, vật chứng mà cơ quan chức năng cần tổ chức khám nghiệm theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự để tìm kiếm, phát hiện, thu thập các chứng cứ nhằm giải quyết vụ việc, vụ án đang xem xét.

leftcenterrightdel
Tập huấn những kỹ năng ứng phó khi xảy ra cháy, nổ tại VKSND Tối cao. Ảnh: PV 

Nhà khoa học Lômônôxốp là người đầu tiên chứng minh cháy là sự hóa hợp giữa chất cháy và không khí. Năm 1773, nhà hóa học người Pháp Lavoadiê khẳng định rõ hơn, cháy là sự hóa hợp của chất cháy với oxy của không khí, trong đó có tỏa nhiệt và phát ra ánh sáng, kết quả của phản ứng hóa học này là một chất mới sinh ra không giống chất cũ, chất mới này chính là cacbonic (CO2) ở thể rắn hoặc khí. Sự cháy chỉ có thể xảy ra nếu có đủ ba yếu tố là chất cháy, oxy giúp cho sự cháy, nguồn nhiệt hay ngọn lửa trực tiếp.

Nổ là một hiện tượng hóa, lý trong đời sống tự nhiên và sinh hoạt hàng ngày. Trong đó, nổ lý học là trường hợp nổ do áp suất tăng trong một thể tích không đổi đến một giới hạn nhất định, vỏ bình chứa không thể chịu được áp lực tăng lên nữa sẽ tạo ra sự nổ. Nói một cách khác, có thể coi hiện tượng nổ là một quá trình san bằng áp suất bất thình lình giữa hai khối khí hơi bên trong và bên ngoài một bình kín. Ví dụ: Nổ nồi hơi do áp suất quá cao, nổ lốp xe ô tô do bơm quá căng…

Ngoài nổ lý học còn có nổ hóa học, đó là trường hợp nổ do cháy quá nhanh gây ra. Nghiên cứu hiện tượng nổ hóa học thấy bao giờ cũng có đủ ba yếu tố của sự cháy là chất cháy, o xy và nguồn nhiệt. Thực chất, đây là hiện tượng cháy, nhưng cháy với tốc độ quá nhanh (khoảng một phần nghìn, một phần vạn mét/giây) nên tỏa nhiệt lớn và sinh ra nhiều hơi. Ví dụ: nổ bom, mìn…

Như vậy, có thể hiểu khám nghiệm hiện trường cháy, nổ là một biện pháp điều tra theo tố tụng hình sự do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện trong các vụ việc mang tính hình sự hoặc vụ án hình sự nhằm tìm kiếm, phát hiện, ghi nhận, thu giữ các chứng cứ, nguồn chứng cứ khác nhau như dấu vết, tài liệu, vật chứng… có liên quan đến việc nổ và cháy để xác định có tội phạm xảy ra hay không, nếu có thì ai là người đã thực hiện hành vi phạm tội và làm sáng tỏ các tình tiết khác có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ việc mang tính hình sự hoặc vụ án hình sự. 

Trong những năm vừa qua, trên địa bàn cả nước có rất nhiều các vụ cháy, nổ gây thiệt hại về người và của, tạo sự chú ý, quan tâm của dư luận.

Trong số đó, điển hình có thể kể đến như: Vụ hỏa hoạn xảy ra hồi 13h30 ngày 1/11/2016 tại quán Karaoke số 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 13 người thiệt mạng, cháy toàn bộ quán Karaoke và 3 ngôi nhà kế bên; vụ cháy nhà hàng Ruby xảy ra vào chiều ngày 22/12/2018 trên đường Nguyễn Trãi, phường Xuân Hòa, TX Long Khánh, tỉnh Đồng Nai làm 6 người chết, một người bỏng nặng và hư hỏng toàn bộ quán; vụ cháy dãy nhà trọ ở đường Đê La Thành, phường Ngọc Khánh, TP Hà Nội xảy ra vào chiều tối ngày 17/9/2018 và lan rộng ra 10 hộ dân xung quan; vụ cháy Công ty Rạng Đông (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) xảy ra khoảng 18h ngày 28/8/2019 gây ô nhiễm thủy ngân trên diện rộng;…

Trong các vụ cháy, nổ trên đây, các cơ quan tố tụng và các cán bộ kỹ thuật, các nhà chuyên môn đã có những phương pháp, chiến thuật khám nghiệm hiện trường cháy, nổ một cách có hiệu quả từ việc chú ý nắm bắt, khai thác các đặc điểm của loại hiện trường đặc trưng, các thuộc tính của hiện trường cháy, nổ như:

+ Trong hiện trường, hầu hết các vật chất tham gia vào quá trình cháy, nổ đều bị phá hủy, hư hỏng, hoặc biến dạng phụ thuộc vào tính chất, mức độ, quy mô của vụ cháy, nổ.

+ Hiện trường bị tàn phá và không nguyên vẹn như nó vốn có, thậm chí bị phá hủy gần như hoàn toàn so với ban đầu. Phát hiện và phân loại các dấu vết không đặc trưng của cháy có thể là do quá trình chữa cháy, nhưng cũng có thể do hoạt động tội phạm gây ra.

+ Hầu hết các hiện trường đều bị xáo trộn do người tham gia vào quá trình chữa cháy, cứu người bị nạn, tài sản, do người xem, thủ phạm,...

+ Hiện trường rộng, quy mô thiệt hại lớn, nhiều nguyên nhân khác nhau… như vụ cháy Chợ Tó tại thị trấn Đông Anh, TP Hà Nội đã thiêu cháy nhiều cửa hàng với diện tích khoảng 1000 m2; trong vụ cháy dãy nhà trọ tại khu vực Đê La Thành, Hà Nội ngọn lửa đã lan rộng khoảng 900 m2; vụ cháy Công ty Rạng Đông có diện tích khoảng 6000 m2…

+ Dấu vết cháy đặc trưng thường thấy trong các vụ cháy này là những thay đổi, biến đổi vật chất được hình thành do tác động của nhiệt năng, hoặc cơ năng khi vật liệu cháy ở cả ngoài và trong. Từ thay đổi này rút ra những nhận định về hệ thống cháy, nhận định về chất cháy, điểm xuất phát cháy, diễn biến của quá trình cháy. Phần cháy dở của những chất cháy và chất lỏng thường bị che lấp bởi các đổ vỡ, cháy nằm ở những vị trí thấp nhất của phòng hoặc ngưng tụ ở những chỗ lạnh. 

VKSND trong tố tụng hình sự, với chức năng Hiến định là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, thông qua hoạt động của Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, bảo đảm mọi hành vi phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và truy tố ra trước Tòa án để xét xử, nhưng không làm oan người vô tội, đây là trách nhiệm thuộc về chức năng thực hành quyền công tố.

Đồng thời cũng bảo đảm trong các hoạt động tố tụng có đầy đủ thành phần, tư cách của những người tham gia và tiến hành tố tụng, mọi hành vi tố tụng phải tuân thủ đúng theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, nếu có vi phạm thì phải được phát hiện và khắc phục kịp thời là trách nhiệm thuộc về chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp.

leftcenterrightdel
Quán Karaoke số 6B Trần Thái Tông (Hà Nội) bốc cháy khiến 13 người chết. 

Như vậy, hoạt động khám nghiệm hiện trường cháy, nổ với tư cách là một hoạt động điều tra theo tố tụng hình sự bắt buộc phải chịu sự kiểm sát của Viện Kiểm sát khi thực hiện theo quy định tại Điều 201 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Qua nghiên cứu các vụ án, vụ việc cháy, nổ trong thời gian gần đây, chúng tôi cho rằng các nội dung sau có thể giúp Kiểm sát viên thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường cháy, nổ:

Nội dung cần chú ý khi kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường cháy, nổ

- Khác với hiện trường của các vụ việc hình sự khác, là có thể tổ chức tiến hành khám nghiệm ngay sau khi nhận được tin báo, trong các vụ cháy, nổ kể từ khi tiếp nhận nguồn tin đến khi các cơ quan tố tụng có thể tham gia tiến hành khám nghiệm hiện trường nhiều trường hợp phải mất một khoảng thời gian dài do phải chờ lực lượng chữa cháy dập tắt lửa. Những trường hợp này, Kiểm sát viên chú ý phối hợp với Điều tra viên có phương án hỗ trợ chữa cháy, cấp cứu người bị nạn, hạn chế hậu quả có thể tiếp tục xảy ra, bảo vệ hiện trường, nắm bắt tình hình, dự kiến kế hoạch khám nghiệm để có thể tiến hành ngay khi ổn định hiện trường, an toàn hiện trường mà có thể khám nghiệm. 

- Khi tới hiện trường cháy, nổ, trước tiên, Kiểm sát viên thực hiện việc nghe báo cáo về tình hình hiện trường như thời điểm phát hiện cháy, nổ; người phát hiện việc cháy, nổ; các biện pháp đã can thiệp vào hiện trường, việc bảo vệ hiện trường hầu hết chỉ đặt ra khi đã dập xong lửa. Nắm bắt hiện trường từ những người tham gia chữa cháy (không phải lính cứu hỏa) để biết những việc họ đã làm, đã tác động vào hiện trường (nhiều trường hợp họ không nhớ được nhiều và chính xác về những việc họ đã làm)... nhằm xác định những nội dung ban đầu về hiện trường và đưa ra các giả thuyết, câu hỏi về vụ việc cháy, nổ như: Việc cháy, nổ là do được thực hiện một cách cố ý hay vô ý? tài sản bị cháy, bị phá hủy do nổ, cháy là tài sản chính chủ sở hữu hay của người khác? Liệu có trường hợp cố ý gây ra cháy, nổ với tài sản của mình nhằm mục đích không chính đáng như để nhận tiền bảo hiểm, trốn tránh trách nhiệm dân sự, hủy hoại tài sản của người khác, trả thù, khủng bố, tống tiền, che giấu một tội ác khác... hay không ?

- Kiểm sát viên chỉ tham gia quan sát và đi vào hiện trường khi hiện trường đã thật sự an toàn vì nhiều vụ cháy nổ có thể dẫn đến cháy tiếp, sập, đổ, gãy các kết cấu vật chất tại hiện trường, trong hiện trường có thể phát tán chất độc (Ví dụ: trong vụ cháy Công ty Rạng Đông đã phát tán thủy ngân diện rộng), trong các vụ nổ còn có thể nổ chưa hết, nếu chưa được loại trừ nguyên nhân sẽ đe dọa đến sự an toàn của đoàn khám nghiệm.

- Quá trình khám nghiệm, Kiểm sát viên phải phối hợp tốt với Điều tra viên, cùng nhau trao đổi, thảo luận phương pháp, cách thức tổ chức và tiến hành khám nghiệm sao cho đạt kết quả tốt nhất, trong đó chú trọng các hoạt động:

+ Cùng cố gắng tỉ mỉ, cẩn thận, sử dụng những chuyên gia có chuyên môn cao, nhằm phát hiện được hoàn cảnh cụ thể của việc cháy, nổ; tìm nguyên nhân; phát hiện, thu lượm những dấu vết đặc trưng và dấu vết không đặc trưng của vụ việc. Do hiện trường thường có rất nhiều người xâm nhập như người chữa cháy, chủ sở hữu tài sản và cứu tài sản, người xem, người hôi của,... nên sẽ tạo ra những dấu vết, vật mới tại hiện trường và xóa đi các dấu vết, vật chứng vốn có nên phải cùng nhau bóc tách được các nội dung này. 

+ Phát hiện dấu vết bất thường, trái quy luật như tạo hiện trường cháy để che giấu một tội phạm khác, đòi bồi thường bảo hiểm và trốn tránh trách nhiệm dân sự. 

+ Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên, các chuyên gia cháy, nổ giải mã các câu hỏi như: Ai là người báo cháy, thời điểm phát hiện cháy, tốc độ bốc, tốc độ lan, mức độ cháy ? ngọn lửa bắt nguồn từ chỗ nào ? bắt đầu như thế nào ? nguyên nhân cháy là do vô ý, tình cờ hay cố ý ? Chú ý dấu vết đập phá để chui vào nhà, dấu vết của các dung dịch dễ cháy, vị trí hỏa hoạn từ nhiều điểm có thể cho thấy vụ cháy được thực hiện một cách cố ý, tham khảo lính cứu hỏa, xem Clip người dân ghi lại để phát hiện điểm bốc cháy, hướng lan cháy và tốc độ lan cháy... Quan sát hiện trường, lưu ý chỗ nào cháy nhiều nhất, chỗ nào dễ bắt cháy nhất. Có thể chứng minh được nguồn gốc cháy thông qua độ dày của lớp than ở các vật cháy, mức độ phá hủy, mảnh vụn kim loại hoặc thủy tinh bị cong hoặc chảy do tiếp xúc với lửa lâu hơn so với khu vực khác và lửa cháy hoặc sức nóng làm mờ sơn. Phải chú ý đến nhiều nguồn hoặc toàn bộ kết cấu.

+ Đặc biệt chú ý tìm kiếm các dấu vết chập mạch điện, chú ý bảng điện, cầu dao, cầu chì, rơ le, đường dây dẫn, máy móc đang kết nối với hệ thống điện... Tìm kiếm sự cố đường dây điện bằng cách tìm kiếm sự có mặt của vật đánh lửa, diêm, vật liệu dễ cháy, mồi nhen lửa và các chất bắt lửa khác. Các dung dịch dễ cháy chảy vào các khe nứt dưới gầm các vật hoặc dưới nền nhà và gây cháy ở những nơi thông thường không cháy được. 

+ Chú ý dung dịch cháy có thể phát hiện kể cả trong trường hợp hiện trường rộng, hiện trường bị ướt hoàn toàn (khi phát hiện được phải ghi nhận, thu giữ mẫu vật rất nhanh để không mất dấu vết), chú ý tìm kiếm ở nơi ngọn lửa bắt đầu, nếu phát hiện có quần áo hoặc tấm thảm cháy thành than mà ở những khu vực bắt lửa khó thì phải thu đưa đến phòng thí nghiệm vì có trường hợp đối tượng cố ý tẩm chất cháy và quăng vào khu vực cần phóng hỏa. Đối với sàn gỗ, vật liệu ngấm xăng thì đều phải đưa đến phòng thí nghiệm, lọ thủy tinh, ca kim loại... có khả năng đựng xăng thì đều phải thu và đưa về phòng thí nghiệm để nghiên cứu, xem đây có phải là dụng cụ hỗ trợ thực hiện việc phóng hỏa không. Những mẫu này phải được thu vào trong lọ thủy tinh, hộp kim loại, can đậy kín để tránh bay hơi.

+ Nếu phát hiện các dấu đột nhập như cạy phá cửa sổ, cửa ra vào thì có thể nghĩ tới việc trộm cắp sau đó đốt để xóa dấu vết. Chú ý phát hiện và thu thập các vỉ diêm, bao diêm, que diêm đã cháy, thuốc nổ, thiết bị hẹn giờ (nhiều trường hợp, khu vực cháy đầu còn nguyên, không chịu tác động của việc cứu hỏa). 

+ Kiểm tra, xem xét, mô tả, ghi nhận máy móc hư hỏng, nhật ký vận hành, xác định tài sản bị phá hủy do cháy. Xác định điều kiện thời tiết, hướng gió... Nếu có tử thi tại hiện trường thì phải xác định nguyên nhân chết của tử thi trong đám cháy, chết do hít phải khói hay chết trước khi cháy. Các tài liệu, đồ vật cháy dở phải được mô tả, chụp ảnh và thu giữ cẩn thận.

+ Riêng đối với các vụ nổ, Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên chú ý phát hiện và thu giữ chất nổ để các nhà khoa học sẽ giúp hiểu được cơ chế nổ; chú ý thu ngòi nổ, dây cháy chậm, thiết bị hẹn giờ, trao đổi với chuyên gia để biết được việc phát nổ là do tiếp xúc với nhiệt hay va chạm mạnh. Khi khám nghiệm hiện trường phải luôn đặt các câu hỏi như: Vật liệu gì được sử dụng làm thiết bị nổ? Trình độ của đối tượng thiết kế thiết bị nổ? Mục tiêu của việc gây nổ là gì?

+ Phát hiện và thu thập các mảnh vỡ; xác định hiện trường và khoanh vùng hiện trường, vùng đệm trước khi thực hiện khám nghiệm; xác định điểm nổ, tâm nổ, chất nổ công nghiệp, hay tự tạo, hay sự cố; thu quần áo của đối tượng bị tình nghi nếu bắt giữ được tại hiện trường, dấu vết chân, giày dép; chú ý tìm kiếm ở các khu vực trên cao như cây cối, tường cao, nóc nhà... có thể có các mảnh vỡ chứa vật liệu nổ hoặc các phần cơ thể nạn nhân.

- Trong quá trình khám nghiệm, Kiểm sát viên phải thường xuyên trao đổi, phối hợp với Điều tra viên, các nhà chuyên môn về những nhận định đối với hiện trường. Những nội dung gì còn thắc mắc phải đề nghị để được giải thích cụ thể phục vụ cho việc buộc tội và tranh tụng ở các giai đoạn tố tụng tiếp theo.

Bên cạnh việc Cơ quan điều tra chụp ảnh, vẽ sơ đồ hiện trường thì Kiểm sát viên cũng phải chủ động ghi chép, phác họa và chụp lại các sơ đồ hiện trường, biên bản hiện trường sau khi các thành phần tham gia khám nghiệm ký đầy đủ vào biên bản. Tại hiện trường, nếu phát hiện nhân chứng trực tiếp thì ghi chép lại địa chỉ, số điện thoại để có thể liên lạc khi cần thiết, trường hợp nhân chứng trình bày thì có thể ghi âm lại các nội dung này để tham khảo, hiểu biết thêm về hiện trường.

leftcenterrightdel
Hình ảnh vụ cháy ở Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ngày 28/8 vừa qua.

Một số nhận định từ hiện trường cháy, nổ cụ thể giúp cho việc giải quyết vụ việc, vụ án một cách hiệu quả 

Thời gian qua, thông qua khám nghiệm hiện trường và kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường cháy, nổ, các Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát phối hợp cùng các chuyên gia cháy, nổ đã xác định, phán đoán, giải mã hiện trường cháy, nổ làm căn cứ ban hành quyết định khởi tố và không khởi tố vụ án hình sự, điển hình như:

+ Đêm ngày 23, rạng sáng ngày 24/10/2005, tại phòng làm việc của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên xảy ra một vụ cháy lớn làm đồng chí Phó Chủ tịch bị tử vong. Qua công tác khám nghiệm hiện trường, tử thi, đã xác định được ổ phích điện cắm máy vi tính được coi là nơi đầu tiên phát hỏa và nguyên nhân dẫn đến vụ việc là sự cố chập điện ở bàn vi tính, sau đó đã gây ra cháy mảnh vải trên bàn làm việc rồi cháy lan ra các vật dụng khác. Kết hợp với kết quả điều tra khác cho thấy, khi phát hiện cháy, đồng chí Phó Chủ tịch xã chạy ra ngoài, sau đó chạy vào cứu số tiền trợ cấp và chính sách đang để trong tủ, khi đó lửa bén và bao trùm dẫn đến chết cháy. Kết quả này phù hợp với dấu vết còn nhiều phần của các tờ tiền trong tủ cháy chưa hết. Qua khám nghiệm đã loại trừ được tin đồn về việc đã xảy ra vụ giết người, cướp của và đốt nhà để phi tang. 

+ Ngày 29/10/2010, tại tòa nhà 9 tầng đang xây dựng của Thanh tra Chính phủ tại lô D29 khu đô thị mới Cầu Giấy đã xảy ra một vụ cháy nổ lớn từ ống đổ rác vào giờ nghỉ trưa. Ban đầu, có giả thuyết rằng có âm mưu phá hoại. Tuy nhiên, quá trình khám nghiệm hiện trường đã xác định được nguyên nhân vụ cháy nổ là do có người đã vứt tàn lửa cùng giấy và rác dễ cháy vào đường ống xả rác dẫn đến cháy đường ống ở tầng 1, trong khi tất cả các cửa đổ và xả rác đều đóng. Quá trình này dẫn đến việc thiếu khí oxy nên sinh ra nhiều khí cacbonic. Luồng khí cacbonic này bị đối lưu đẩy lên và tích tụ ở tầng 8, tầng 9 tạo thành hỗn hợp nổ, khi gặp luồng nhiệt đang cháy phía dưới đã gây ra vụ cháy nổ. 

+ Vụ nổ lúc 5h45’, ngày 3/11/2011, tại nhà anh Trần Nhật Minh (ở ngõ 22 phố Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), làm sập cả ngôi nhà 3 tầng 1 tum; 2 con nhỏ của vợ chồng anh Minh bị trần nhà đè lên, tử vong, còn anh Minh và vợ bị bỏng nặng. Quá trình khám nghiệm đã xác định được trung tâm nổ nằm tại vị trí bếp gas, trên bàn bếp, giáp tường nhà phía đông. Với kết quả này giúp xây dựng giả thuyết và làm rõ được nguyên nhân nổ là do khí gas bị rò rỉ ra không gian trong tầng 1 (qua 2 vị trí là khớp nối giữa ống gas với bếp gas và bếp đun bên trái của bếp gas ở vị trí bật nhỏ lửa) trộn với oxy không khí tạo thành hỗn hợp nổ khi có sự tác động của con người (bật bếp hoặc bật công tắc điện) đã phát nổ.

+ Trong vụ nổ xe máy khiến hai mẹ con chị Nguyễn Thị Quỳnh trú tại xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh tử vong: qua khám nghiệm, phát hiện trên các mẫu vật có dấu vết bám dính thuốc nổ TNT và 2 mảnh của kíp nổ vỏ nhôm, từ đó giúp Điều tra viên xác định ra vị trí đặt vật nổ nằm tại khu vực đặt bình ắc quy (dưới bình xăng) của xe máy. Cơ chế gây nổ được làm rõ: Kíp điện được đấu nối với các hệ thống điện đèn báo phanh phía sau của xe, khi chị Quỳnh đạp phanh gây nổ kíp, kích nổ thuốc nổ, sau đó gây cháy nổ bình xăng, dẫn đến cháy nổ xe máy. Từ kết luận này, Cơ quan điều tra đã nhanh chóng phát hiện và bắt giữ thủ phạm là Nguyễn Đức Tiềm (em rể nạn nhân). 

+ Trong vụ cháy quán Karaoke 9 tầng tại số 68 Trần Thái Tông (Hà Nội), trong khi quán Karaoke chưa hoàn thiện thì chủ quán đã cho hàng chục khách vào thuê phòng để hát karaoke, đồng thời thuê một nhóm thợ làm khung sắt trần quán, khi hàn các thanh sắt ở trần nhà và cắt bản lề cửa, nhóm thợ dùng máy hàn, cắt điện thổi lửa vào bản lề cửa ra vào ở tầng 2 với mục đích cắt bản lề. Nhưng do không có dụng cụ che chắn, đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy nên các hạt lửa hàn đã bắn vào vách phòng làm bằng xốp dễ cháy, dẫn đến bốc cháy và nhanh chóng bùng phát ra diện rộng, làm 13 khách hát bị chết ngạt khói. Việc bắn hạt lửa hàn vào chất dễ cháy xung quanh, làm bốc cháy là nguyên nhân của nhiều vụ cháy mà Kiểm sát viên nên chú ý khi tới hiện trường cháy, nổ mà trước đó có sử dụng máy hàn và cắt sắt tại khu vực hiện trường.

Với điều kiện phát triển của xã hội và tình trạng mật độ dân cư đông đúc hiện nay thì hiện trường cháy, nổ cũng là một trong số các hiện trường mà Kiểm sát viên thường phải kiểm sát hoạt động khám nghiệm. Do vậy, với những phân tích, đề cập trên đây sẽ phần nào giúp các Kiểm sát viên có thêm kiến thức nghiệp vụ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. 

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh