Hỏi cung là hoạt động của Điều tra viên và Kiểm sát viên trong quá trình điều tra vụ án hình sự nhằm thu thập, mô tả theo trình tự tố tụng hình sự lời khai của bị can về nội dung vụ án cũng như những tin tức, tài liệu khác mà bị can biết, có ý nghĩa làm rõ nội dung vụ án, hay nói cách khác: hỏi cung bị can là một biện pháp điều tra do Điều tra viên tiến hành, thông qua việc hỏi cung bị can, Điều tra viên tác động trực tiếp đến tâm lý của bị can để bị can khai báo trung thực, đúng đắn và đầy đủ về hành vi phạm tội của mình cũng như các thông tin khác góp phần làm sáng tỏ nội dung vụ án.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể về hoạt động hỏi cung bị can của Điều tra viên cũng như Kiểm sát viên trong quá trình điều tra vụ án.

Tại Điều 183 Bộ luật Tố tụng năm 2015 đã phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong hỏi cung bị can. Quy định này đặt ra trách nhiệm với các Kiểm sát viên phải theo sát hoạt động điều tra, nắm chắc diễn biến, tiến độ của vụ án; khi thuộc các trường hợp luật định phải tiến hành hỏi cung bị can (chứ không phải là có thể hỏi cung như quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự được sửa đổi năm 2013) để cùng Cơ quan điều tra giải quyết đúng đắn vụ án, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của bị can.

Hỏi cung bị can được quy định tại Điều 183 Bộ luật TTHS 2015:

“1. Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can.

2. Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này. Việc này phải ghi vào biên bản.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can viết bản tự khai của mình.

3. Không hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

4. Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Việc Kiểm sát viên hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.

5. Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

6. Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.

Kiểm sát việc hỏi cung bị can hiện nay có hai trường hợp, kiểm sát gián tiếp thông qua các biên bản hỏi cung bị can do Điều tra viên lập và kiểm sát trực tiếp việc hỏi cung của Điều tra viên (tham gia trực tiếp cùng Điều tra viên khi tiến hành hỏi cung bị can).

Khác với hoạt động kiểm sát thông qua các biên bản hỏi cung thì Kiểm sát viên có quyền tham gia kiểm sát trực tiếp hoạt động hỏi cung của Điều tra viên theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ này, Kiểm sát viên phải nhận thức rõ về vị trí, vai trò của mình theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Thông qua hoạt động kiểm sát việc hỏi cung bị can, Kiểm sát viên - VKSND huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai nhận thấy cần lưu ý một số kỹ năng khi tiến hành hoạt động kiểm sát như sau: 

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên tham gia kiểm sát việc hỏi cung bị can (Có sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý) 

Trước khi tiến hành hoạt động kiểm sát trực tiếp việc hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải chủ động nghiên cứu hồ sơ, tài liệu trong vụ án, có những nhận xét, đánh giá sơ bộ về những tài liệu, chứng cứ đã thu thập, việc thu thập các tài liệu đó có đúng trình tự, thủ tục tố tụng không?

Ý nghĩa của các tài liệu trong việc chứng minh tội phạm? xác định những vấn đề chưa được làm rõ, những vấn đề còn mâu thuẫn cần phải triệt tiêu, những vấn đề đã có manh mối nhưng còn bỏ ngỏ cần phải tiếp tục đấu tranh với bị can.

Nắm rõ nội dung diễn biến của vụ án, loại và đặc điểm vật chứng đã thu giữ; thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội và phương thức che giấu để tránh bị phát hiện của bị can. Nắm rõ những thông tin về lai lịch của bị can, về những mối quan hệ gia đình, quan hệ xã hội thông thường, quan hệ với các đối tượng khác trong đường dây tội phạm có gì đặc biệt, có ý nghĩa trong đấu tranh với các bị can khác trong cùng vụ án; xác định vai trò của bị can trong vụ án.

Cần xây dựng kế hoạch, nội dung cho buổi làm việc, nên chủ động trao đổi với Điều tra viên về kế hoạch tiến hành hỏi cung; nội dung hỏi cung; phương pháp hỏi cung sẽ được sử dụng; Kiểm sát viên phải luôn thận trọng trong cả trường hợp bị can nhận tội, cũng như các trường hợp bị can chối tội, không khai báo hành vi phạm tội đồng thời kêu oan.

Khi bị can nhận tội thì những lời khai của bị can có phù hợp với lời khai của những người làm chứng và vật chứng đã thu giữ trong vụ án không? Đối với bị can chối tội thì cũng phải xác định nguyên nhân của việc không khai báo các chứng cứ khác để chứng minh nhằm buộc tội bị can có đủ căn cứ không? Có đảm bảo tính khách quan không đối với các chứng cứ sẽ được đưa ra sử dụng để đấu tranh, buộc tội bị can.

Chuẩn bị các tình huống có Luật sư (trợ giúp viên pháp lý) tham gia và có thể đề nghị được đặt câu hỏi đối với bị can trong vụ án thì phải giải quyết như thế nào? Trong các trường hợp bị can là người không biết chữ, người nước ngoài, người dân tộc ít người không biết tiếng Việt, hoặc bị can có nhược điểm về thể chất như câm, điếc thì cần phải mời người phiên dịch tham gia buổi hỏi cung.

Khi tham gia kiểm sát việc hỏi cung bị can của Điều tra viên, Kiểm sát viên cần phải lưu ý quan sát không gian nơi tiến hành hỏi cung, tùy thuộc vào điều kiện thực tế Kiểm sát viên sẽ lựa chọn vị trí ngồi cho phù hợp làm sao có thể quan sát bao quát được toàn bộ hoạt động hỏi cung. Kiểm sát việc Điều tra viên có kiểm tra lý lịch bị can để xác định chính xác người được hỏi cung có phải là bị can trong vụ án không? lý lịch này có giống với lý lịch được ghi trong tài liệu có trong hồ sơ vụ án không?

Kiểm sát việc Điều tra viên phải giải thích về quyền và nghĩa vụ cho bị can, thông báo cho bị can biết mình đang bị khởi tố điều tra về tội danh gì. Việc giải thích đầy đủ sẽ giúp cho bị can nắm rõ về những quyền của họ được hưởng và nhiệm vụ của họ sẽ phải thực hiện chấp hành, nếu bị can chưa rõ về vấn đề gì thì cần phải giải thích ngay cho bị can hiểu; đối với những đề nghị của bị can thì vấn đề nào hợp lý, không trái quy định của pháp luật thì cần chấp nhận, còn những vấn đề không thể thực hiện vì trái quy định của pháp luật hoặc chưa thể thực hiện ngay được thì cũng phải giải thích cặn kẽ cho bị can biết.

Kiểm sát việc Điều tra viên có kiểm tra về tình trạng sức khỏe của bị can, thời điểm hiện tại có đau ốm, bệnh tật gì không? Có đủ sức khỏe, tỉnh táo, minh mẫn để làm việc không? Kiểm sát việc Điều tra viên giải quyết các đề nghị của bị can như thế nào? Có phù hợp và đúng với các quy định của pháp luật hay không? Khi Điều tra viên hỏi Kiểm sát viên cần có sự quan sát thái độ của Điều tra viên; phương pháp hỏi cung mà Điều tra viên đang sử dụng; cách đặt câu hỏi của Điều tra viên có ngắn, rõ ràng không? trong câu hỏi có ẩn ý hoặc có sự ám chỉ ra hiệu về một vấn đề gì không?

Nội dung mà Điều tra viên hỏi có làm rõ được những vấn đề cần chứng minh trong vụ án không? nhất là các yếu tố cấu thành tội phạm cơ bản, đó là phải trả lời được các vấn đề sau: Bị can có thực hiện hành vi phạm tội không? nếu có thì thực hiện vào thời gian nào? địa điểm thực hiện hành vi phạm tội ở đâu? đối tượng phạm tội là gì? đặc điểm hình thức của vật chứng ra sao? phương thức thực hiện hành vi phạm tội, thủ đoạn che giấu như thế nào? động cơ, mục đích của bị can khi thực hiện hành vi phạm tội? bị can thực hiện hành vi phạm tội cùng với ai? đó là những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự. 

Thông qua hoạt động kiểm sát trực tiếp việc hỏi cung bị can tại Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Đak Pơ, Kiểm sát viên – VKSND huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai nhận thấy cần phải chú trọng tăng cường hơn nữa công tác kiểm sát của Kiểm sát viên đối với việc hỏi cung bị can của Điều tra viên trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Qua đó giúp Kiểm sát viên nắm bắt kịp thời và đầy đủ nội dung vụ án; góp phần giải quyết vụ án khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Nguyễn Chí Linh - VKSND huyện Đak Pơ