Kiểm sát viên là một trong các chủ thể có thẩm quyền triệu tập và hỏi cung bị can các vụ án cố ý gây thương tích, nhưng khác với các chủ thể khác, Kiểm sát viên chỉ hỏi cung bị can trong một số trường hợp do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định như bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra, việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc khi có đề nghị của Cơ quan có thẩm quyền điều tra.

Vì vậy, khi hỏi cung bị can các vụ án cố ý gây thương tích, Kiểm sát viên cần lưu ý một số vấn đề về phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án, xây dựng kế hoạch hỏi cung, phương pháp xử lý các tình huống phổ biến khi hỏi cung.

1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án theo từng tình huống hỏi cung

Trong giai đoạn chuẩn bị hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải nghiên cứu, xem xét từng tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, như: đơn yêu cầu khởi tố của bị hại, kết luận giám định pháp y, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản ghi lời khai, các tài liệu về đặc điểm nhân thân của bị can, rồi đối chiếu với các dấu hiệu cấu thành tội phạm, những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án, từ đó xác định các vấn đề còn chưa rõ, chưa đầy đủ, có mâu thuẫn, làm cơ sở xây dựng kế hoạch hỏi cung bị can.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên và Điều tra viên trao đổi hồ sơ vụ án (vkssonla.gov.vn)
Tùy vào mục đích của việc hỏi cung (để làm rõ việc bị can kêu oan, bị can khiếu nại hoạt động điều tra hay để làm rõ, bổ sung, giải quyết các mâu thuẫn trong lời khai của bị can, làm rõ các vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra) mà định phương pháp nghiên cứu hồ sơ phù hợp, cụ thể:

Nếu bị can kêu oan, bị can khiếu nại hoạt động điều tra, Kiểm sát viên nghiên cứu nội dung đơn thư kêu oan và các tài liệu bị can đã giao nộp; xem xét lại các lệnh, quyết định, biên bản, tài liệu liên quan đến hoạt động điều tra mà bị can khiếu nại, như lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, biên bản bắt người, biên bản thực nghiệm điều tra, từ đó xem xét việc kêu oan, khiếu nại của bị can là có căn cứ hay không? Các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã đủ cơ sở để kết luận chưa? nếu chưa thì cần phải làm rõ, bổ sung những vấn đề gì khi hỏi cung.

Trường hợp chuẩn bị hỏi cung để làm rõ việc điều tra vi phạm pháp luật, Kiểm sát viên nghiên cứu, tổng hợp lại các lệnh, quyết định, biên bản, tài liệu, chứng cứ thể hiện việc vi phạm pháp luật của Cơ quan điều tra, Điều tra viên khi tiến hành các hoạt động điều tra, xác định vi phạm pháp luật đó là gì, tính chất, mức độ nghiêm trọng ra sao, cần thu thập nội dung gì khi hỏi cung bị can để làm rõ, kết luận về những vi phạm pháp luật đó.

Trường hợp tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ mâu thuẩn hoặc chưa rõ, chưa đầy đủ, lời khai của bị can trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội, Kiểm sát viên ghi chép lại đầy đủ các mâu thuẫn, các vấn đề chưa được làm rõ, các lời khai của bị can trong các bản cung, rồi dự kiến các câu hỏi phải đưa ra để bị can trả lời, các chứng cứ, tài liệu sử dụng đấu tranh với bị can, cũng như chuẩn bị các thủ thuật hỏi cung cụ thể.

2. Xây dựng kế hoạch hỏi cung cụ thể, đầy đủ

Đối với Tội cố ý gây thương tích, kế hoạch hỏi cung cần có một số nội dung sau đây:

- Các vấn đề cần phải làm rõ: Kiểm sát viên nêu rõ các mâu thuẫn trong hồ sơ (mâu thuẫn giữa lời khai bị can, người làm chứng và bị hại về công cụ gây án, vị trí gây thương tích, dấu vết thương tích trên thân thể bị hại); các vấn đề chưa đầy đủ cần tiếp tục điều tra, làm rõ (đã xác định được hung khí gây án là con dao nhưng chưa làm rõ được đặc điểm, nguồn gốc, chủ sở hữu, nơi cất giấu con dao đó); nội dung khiếu nại, kêu oan của bị can… 

- Các tài liệu, chứng cứ dự kiến sử dụng: Kiểm sát viên lựa chọn, chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ để sử dụng tương ứng với từng tình huống hỏi cung cụ thể (bị can kêu oan không đúng, bị can khiếu nại hoạt động điều tra không có căn cứ, bị can khai báo gian dối, từ chối khai báo). Các tài liệu, chứng cứ thường sử dụng trong các vụ án này là kết luận giám định, biên bản hỏi cung bị can khác, biên bản xem xét dấu vết trên thân thể, biên bản ghi lời khai người làm chứng, biên bản thực nghiệm điều tra.

 - Dự kiến các chiến thuật hỏi cung bị can: Kiểm sát viên phải dự kiến trước các tình huống có thể xảy ra khi hỏi cung bị can và chiến thuật hỏi cung phù hợp, như tình huống bị can thành khẩn khai báo, bị can khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo.

- Các câu hỏi đưa ra để bị can trả lời: với mỗi vấn đề phải giải quyết như đã nêu trên, Kiểm sát viên dự kiến các câu hỏi chi tiết đưa ra cho bị can trả lời, chẳng hạn: hỏi cung bị can kêu oan, Kiểm sát viên có thể dự kiến các câu hỏi như, vì sao bị can lại kêu oan, bị can có chứng cứ, tài liệu gì để chứng minh, bị can có yêu cầu gì, tại sao lúc đầu nhận tội, sau lại kêu oan… 

- Thời gian và địa điểm hỏi cung bị can: hỏi cung bị can vụ án cố ý gây thương tích có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Kiểm sát viên cần lưu ý đến độ tuổi, thái độ, tâm lý, hoàn cảnh sống của bị can mà lựa chọn nơi hỏi cung cho phù hợp. Đối với bị can là người dưới 18 tuổi thì nơi hỏi cung phải bảo đảm thân thiện để không tạo áp lực cho bị can.

- Các phương tiện kỹ thuật cần sử dụng khi hỏi cung: thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, máy chụp ảnh, biên bản hỏi cung bị can…

3. Phương pháp xử lý các tình huống khi hỏi cung

Trước khi bắt đầu việc hỏi cung, Kiểm sát viên chủ động thiết lập sự tiếp xúc tâm lý thuận lợi với bị can, làm cho bị can thấy được sự quan tâm và có thái độ tôn trọng đối với Kiểm sát viên. Sau đó, Kiểm sát viên có thể yêu cầu bị can trình bày về các tình tiết của vụ án theo sự lựa chọn của bị can với mục đích kiểm tra, đánh giá thái độ khai báo của họ, từ đó lựa chọn phương pháp hỏi cung thích hợp.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) hỏi cung bị can

Trong một số vụ án cố ý gây thương tích, bị can có nhân thân tốt, nhất thời phạm tội thường có thái độ khai báo thành khẩn. Tình huống này, Kiểm sát viên có thể cho bị can viết bản tự khai về hành vi phạm tội của mình hoặc yêu cầu bị can trình bày. Sau khi bị can trình bày hoặc viết bản tự khai, Kiểm sát viên đặt các câu hỏi đã chuẩn bị sẵn cho bị can trả lời để giải quyết lần lượt các vấn đề cần phải làm rõ trong kế hoạch hỏi cung, rồi lập biên bản hỏi cung bị can.

Thực tiễn cho thấy các bị can chủ mưu, cầm đầu trong các vụ án có đồng phạm, bị can tiền án, tiền sự, có hiểu biết pháp luật thường rất ngoan cố, không chịu khai báo hoặc khai báo gian dối về hành vi phạm tội của mình và các tình tiết khác của vụ án. Kiểm sát viên cần tìm hiểu chính xác nguyên nhân bị can từ chối khai báo, khai báo gian dối (họ sợ bị xử phạt nặng, sợ bị đồng bọn trả thù), vận dụng linh hoạt các chiến thuật, thủ thuật hỏi cung như: giáo dục, thuyết phục; sử dụng các tài liệu, chứng cứ đấu tranh với bị can (biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thu giữ vật chứng, kết luận giám định xác định có dấu vân tay của bị can trên con dao gây án)...

Tình huống bị can kêu oan thường do các nguyên nhân như bị can cho rằng hành vi của mình không phạm tội hoặc tin tưởng hành vi của mình chưa bị bại lộ, bị can sợ phải chịu hình phạt nặng hay đang chờ đợi sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè có chức vụ, quyền hạn…, tùy nguyên nhân bị can kêu oan, Kiểm sát viên có hướng hỏi cung thích hợp.

Khi bị can cho rằng hành vi của mình không phải là tội phạm, Kiểm sát viên giải thích quy định của pháp luật về Tội cố ý gây thương tích, kết hợp đưa ra tài liệu, chứng cứ cho bị can thấy rõ hành vi của bị can là hành vi phạm tội, sau đó giải thích chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; hoặc bị can tin rằng đồng bọn chưa khai báo, hành vi của mình chưa bị phát hiện, Kiểm sát viên dẫn ra lời khai của đồng bọn cho bị can biết, đưa ra một số tài liệu, chứng cứ thể hiện bị can chính là người đã thực hiện hành vi phạm tội để đấu tranh với thái độ ngoan cố của bị can.

Khi bị can khiếu nại hoạt động điều tra, Kiểm sát viên hỏi cụ thể bị can khiếu nại hoạt động điều tra nào, hoạt động đó có vi phạm gì, về tố tụng hay về nội dung, bị can có đề nghị gì, đồng thời với việc hỏi, Kiểm sát viên xem xét các quyết định, biên bản liên quan đến hoạt động điều tra mà bị can khiếu nại để đánh giá tính có căn cứ của việc khiếu nại.

 Quá trình hỏi cung, nếu bị can khai ra đồng phạm thì Kiểm sát viên cần phải hỏi rõ lý lịch, hành vi cụ thể, vai trò, vị trí của người đó trong vụ án. Sau khi hỏi cung, Kiểm sát viên tiếp tục nghiên cứu hồ sơ để tham mưu lãnh đạo Viện hướng điều tra đối với vụ án.

Anh Minh