Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị đã đề ra các nhiệm vụ cải cách tư pháp, trong đó có nhiệm vụ tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan tư pháp. Thực hiện nhiệm vụ này và ý kiến chỉ đạo của VKSND cấp trên, thời gian qua, VKSND huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã tích cực nghiên cứu, triển khai thực hiện công tác số hóa hồ sơ vụ án, xây dựng sơ đồ tư duy, báo cáo án bằng hình ảnh đối với các vụ án hình sự, qua đó góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

leftcenterrightdel
 Một vụ án hình sự báo cáo bằng sơ đồ áp dụng phần mềm IMind Map (VKSND Thừa Thiên - Huế)

Từ thực tiễn thực hiện công tác này, tác giả xin nêu lên một số kinh nghiệm số hóa hồ sơ, xây dựng sơ đồ tư duy, báo cáo án bằng hình ảnh các vụ án với mong muốn trao đổi, học hỏi, qua đó góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác này trong thời gian tới.

Thứ nhất, số hóa hồ sơ vụ án

Việc số hóa hồ sơ vụ án hình sự thường được Kiểm sát viên thực hiện sau khi nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra của cơ quan điều tra. Kiểm sát viên tiến hành số hóa tất cả các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, sau đó phân loại thành các nhóm, theo từng tập để việc tìm kiếm, nghiên cứu hồ sơ được thuận lợi, như tập thủ tục tố tụng vụ án, biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, việc thu giữ và xử lý vật chứng, vấn đề dân sự…

Sau khi đã số hóa toàn bộ hồ sơ, Kiểm sát viên sử dụng các phần mềm như PDF Split Or Merge, PDF Split Merge để ghép nối các file PDF riêng lẽ thành một file PDF thể hiện toàn bộ các tài liệu, chứng cứ của vụ án (File vụ án). sau đó, Kiểm sát viên tạo Bookmark cho file vụ án, tạo sự thuận lợi, hiệu quả trong việc lưu trữ, tìm kiếm, nghiên cứu, khai thác các tài liệu, chứng cứ của vụ án.

Thứ hai, xây dựng sơ đồ tư duy

Việc xây dựng sơ đồ tư duy đối với vụ án một mặt giúp cho Kiểm sát viên hệ thống được toàn bộ các thủ tục tố tụng, các tài liệu, chứng cứ, nắm chắc nội dung vụ án, vụ việc, từ đó có thể phát hiện các thiếu sót trong hồ sơ để kịp thời khắc phục, sửa chữa; mặt khác xây dựng sơ đồ tư duy sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ tốt cho Kiểm sát viên trong việc báo cáo án, đề xuất quan điểm giải quyết vụ án đến lãnh đạo Viện. Sơ đồ tư duy còn bảo đảm cho hoạt động báo cáo án thêm phần sinh động, thuyết phục cao và giúp lãnh đạo dễ dàng nắm bắt toàn bộ nội dung của vụ án để có hướng chỉ đạo.

leftcenterrightdel
 Sơ đồ tư duy một vụ trộm cắp tài sản của tác giả

Có rất nhiều phần mềm hỗ trợ Kiểm sát viên xây dựng sơ đồ tư duy đối với vụ án như phần mềm Edraw Mind Map, SimpleMind Desktop, iMindMap. Để xây dựng được sơ đồ tư duy rõ ràng, cụ thể, hiệu quả, theo tác giả, trước hết, Kiểm sát viên cần xây dựng bản tóm tắt nội dung vụ án, các vấn đề cần phải chứng minh cũng như hệ thống lại toàn bộ các tài liệu, chứng cứ của vụ án; tiến hành phân thành các nhánh chính, nhánh phụ cấp 1, nhánh phụ cấp 2, 3... theo từng vấn đề (như nhánh về chủ thể tội phạm, chủ quan, hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, vấn đề dân sự, vật chứng của vụ án); thu thập, chuẩn bị các file ảnh, các tài liệu dự kiến sẽ chèn, đưa vào sơ đồ tư duy để minh họa bằng hình ảnh…

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các nội dung trên, Kiểm sát viên tiến hành mở phần mềm hỗ trợ xây dựng sơ đồ tư duy, chọn kiểu sơ đồ, bố cục phù hợp với ý tưởng, nội dung và các tình tiết của vụ án. Sơ đồ tư duy cần phải thể hiện được các yếu tố cấu thành tội phạm, các tình tiết định khung hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như các tình tiết khác liên quan đến các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án.

Để sơ đồ tư duy có sức thuyết phục, rõ ràng và sinh động, Kiểm sát viên cần phân thành các nhánh chính, nhánh phụ một cách rõ ràng theo từng vấn đề. Ví dụ: Đối với các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, từ chủ đề trung tâm của vụ án, Kiểm sát viên phân thành một nhánh với tiêu đề “Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ”. Nhánh chính này lại được phân thành 03 nhánh phụ cấp 1 (Bị can thành khẩn khai báo, bị can đã khắc phục toàn bộ thiệt hại, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng). Trong mỗi nhánh phụ cấp 1 lại chia thành các nhánh phụ cấp 2 để thể hiện các văn bản, giấy tờ, tài liệu chứng minh cho những vấn đề trình bày tại nhánh phụ cấp 1.

Sử dụng các từ, cụm từ ngắn gọn để diễn đạt các tình tiết vụ án, sử dụng hợp lý màu sắc, chèn hình ảnh, văn bản, tài liệu đã được số hóa vào trong sơ đồ tư duy để minh họa khi cần thiết, chẳng hạn: Khi mô tả vật chứng của vụ án (Ba lô, xe mô tô, điện thoại, dao), Kiểm sát viên có thể chèn các hình ảnh chụp vật chứng, các biên bản thu giữ vật chứng để minh họa, khi cần thì chiếu lên màn hình cho lãnh đạo xem xét trong quá trình báo cáo án bằng sơ đồ tư duy.

Thứ ba, xây dựng và báo cáo án bằng hình ảnh

Từ hồ sơ số hóa, Kiểm sát viên cũng có thể nghiên cứu, vận dụng để xây dựng văn bản báo cáo đề xuất về việc giải quyết vụ án, rồi tiến hành báo cáo án với lãnh đạo Viện bằng hình ảnh thông qua màn hình chiếu. Việc này vừa giúp cho Kiểm sát viên có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu hồ sơ, lại vừa giúp cho hoạt động báo cáo án được chuyên nghiệp, thuyết phục, hiệu quả hơn. Cụ thể:

Khi xây dựng văn bản báo cáo đề xuất về giải quyết vụ án, Kiểm sát viên có thể đính kèm các quyết định tố tụng đối với vụ án, bị can, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi, kết luận điều tra…vào văn bản báo cáo để chứng minh, làm rõ nội dung đề xuất của mình.

Trong buổi họp án, Kiểm sát viên trình chiếu văn bản báo cáo đề xuất về việc giải quyết vụ án, cùng các văn bản, tài liệu chứng minh cho nội dung của văn bản báo cáo, kết hợp với việc phân tích để làm rõ các tình tiết của vụ án.

Nguyễn Cường