Chứng kiến khuôn mặt đau khổ của một người cha, một đồng nghiệp đàn anh, sau khi báo cáo, được lãnh đạo cho phép, tôi chuyển hồ sơ vụ án đến cơ quan giám định. Sau đó, tôi có trao đổi kết quả với anh, nhưng anh vẫn không bằng lòng…Tiếc thay, đó không phải là lần duy nhất tôi phải tranh cãi với đồng nghiệp về những vụ việc đau lòng tương tự.
Để có chữ “an” và chữ “phúc” cho bản thân và mỗi gia đình, mỗi chúng ta phải nghiêm khắc tự nhìn nhận lại mình:
“Đất có thổ công, sông có hà bá”, đó là lời nhắc chúng ta phải luôn nắm bắt được hồn cốt của đất, của sông khi di chuyển nhằm có sự hài hòa giữa con người và vũ trụ. Đáng tiếc, khi trời mưa to, bão lớn, nước sông cuồn cuộn tràn qua đường mà lái xe khách vẫn ung dung “đường ta ta cứ đi” thì sức nước với cơn giận dữ vật chất đã cuốn phăng xe chở khách với hàng chục con người trên xe xuống sông. Nên, người quan họ nhắn “người về ta nhắn câu này, sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua”.
Tại mỏ đá tỉnh H, một thanh niên trên 16 tuổi thay cha đi xúc đá mạt , bỗng nổi hứng trèo lên lái máy xúc mà người lớn chẳng ai nói gì. Sau một năm rưỡi, bỏ việc, anh này “nổ” là có bằng lái xe và được người hàng xóm thuê lái xe tải cỡ nhỏ, chở vật liệu xây dựng. Do không được học để nắm chắc lý thuyết, không được sát hạch về kỹ năng điều khiển phương tiện trên đường liên huyện, anh ta vượt ẩu làm chết người và bị truy tố. Trường hợp lái xe ba bánh, xe công nông tự chế, xe máy không có bằng lái gây tai nạn chết người xảy ra ở nhiều địa phương.
Dù có giấy phép lái xe (GPLX) nhưng liều lĩnh chạy ẩu thì sớm muộn cũng gây tai nạn. Chạy ẩu thường thấy ở các biểu hiện như: lấn sang làn đường của phương tiện khác, đi vào đường cấm,… Trong đó, lấn làn đường được coi là một lỗi phổ biến nhất. Một người có GPLX, nhiều năm lái xe vượt đèo dốc an toàn, nhưng hôm đó, trên đường quốc lộ trơn phẳng có vạch kẻ liền ở tim đường, người này để xe mình lấn đường, va chạm với xe chạy ngược chiều làm tài xế xe đó tử vong. Qua khám nghiệm hiện trường, các cơ quan chức năng xác định, tài xế này để xe đè vạch tim đường lấn sang bên trái 20cm. Vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm cũng có thể xếp chung vào vi phạm về phần đường. Do vậy, khẩu hiệu luôn thì thầm vào tai các bác tài là “phải đi đúng phần đường trên từng cm”!
Phần đường là rất quan trọng nhưng không phải vi phạm duy nhất. Lỗi thứ hai cũng thuộc loại “vua” của các loại lỗi, đó là tốc độ cao xóa khoảng cách cho phép. Hằng và Nga là hai bạn thân. Hằng chở Nga bằng xe máy 110cm3 phóng trên tỉnh lộ với tốc độ 65 km/h vượt quá tốc độ quy định được phép chạy trên đoạn đường này. Phía trước cùng chiều khoảng 18m có một xe máy của một cô giáo, xe của cô giáo bật đèn xi - nhan rẽ trái và giảm dần tốc độ. Do chạy với tốc độ cao, lại không giữ khoảng cách an toàn với xe đi trước (theo quy định tại Thông tư số 91/2005/TT-BGTVT thì khoảng cách an toàn tối thiểu phải là 35m), xe máy của Hằng đã tông vào xe của cô giáo khiến cả ba người đều ngã ra đường, hai người bị thương, còn Nga bị chết. Trường hợp này, lỗi hoàn toàn thuộc về Hằng. Phần đường, tốc độ, khoảng cách an toàn giữa các xe là ba yếu tố chính của tai nạn giao thông. Điều này lý giải vì sao có những “Yêng hùng xa lộ” lại gục ngã trước một khối sắt vô tri, vô giác. Ngẫm lại, khẩu hiệu “cấm phóng nhanh vượt ẩu” có từ thời đất nước ta có chiến tranh, đến nay đã qua nửa thế kỷ nhưng vẫn đúng.
Vài năm trước, khi nghiên cứu giải quyết các vụ án về giao thông theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, chúng tôi thấy có những vật nhỏ trong cuộc sống lại là yếu tố quan trọng gây ra tai nạn giao thông. Đó là một két bia buộc ở giữa xe máy, một quả dưa hấu khá nặng đặt trên giỏ trước xe máy, thiếu một dây đai cột em bé vào người lớn, một chiếc áo mưa mặc không đúng cách... khi xe vận hành gặp trời giông bão, đường cua, ổ gà... đã làm người điều khiển phương tiện mất kiểm soát, gây ra tai nạn thương tâm.
|
|
Tai nạn giao thông - nỗi ám ảnh không của riêng ai. Ảnh minh họa. |
Thật buồn khi ngoài đường, những chiếc xe ta xi, xe khách lao vun vút, đuổi nhau theo kiểu “mèo vờn chuột” bắt và tranh khách, xe chở hàng quá khổ, quá tải, xe tự chế như: xe trộn xi măng đầu gắn máy nổ không thèm có nắp ca - pô hoặc đèn còi gì vẫn nghênh ngang xuôi ngược, là “chuyện thường ngày ở huyện”…Người dân lắc đầu, thở dài vì ở đâu thì không biết, còn ở ta “lệ” có khi át cả “luật”.
Trước tình hình tai nạn giao thông đang ở mức cao, ngày càng có diễn biến phức tạp, để làm giảm tình hình này, Nhà nước cần có những chủ trương, biện pháp quyết liệt , đồng bộ hơn nữa. Đó là việc cấm, bỏ phương tiện cũ nát, hết hạn, xe tự chế, có lộ trình cấm xe máy trong nội đô. Tạo làn đường riêng trong đô thị cho người đi xe đạp. Đó là việc mở đường, nâng cấp cơ sở hạ tầng, xóa “điểm đen”, tạo đường cứu nạn, tạo chiều đi, điểm dừng, đỗ hợp lý, an toàn cho các phương tiện. Chẳng hạn, khi chúng ta lập luận rằng, người làm nhiệm vụ kiểm soát có quyền kiểm tra tất cả người, phương tiện trên mọi tuyến đường, cái đó không sai, nhưng nếu trên đường cao tốc không có làn đường riêng, vị trí riêng cho người kiểm soát, thì đã tạo ra “rủi ro kép” cho cả người đi kiểm tra và người bị kiểm tra. Đối với người đại diện cho cơ quan công quyền và doanh nghiệp, nếu để xảy ra quy hoạch sai, đầu tư chậm, “rút ruột” công trình cũng là làm tăng TNGT. Rồi người kiểm tra, cấp phép lái xe, kiểm định, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thậm chí với cả người và cơ quan có quyền ban hành văn bản pháp quy, thì cơ quan chức năng hoặc cấp trên của họ cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, vì tham nhũng càng tinh vi thì giao thông càng hỗn loạn.
Các doanh nghiệp, nhà sản xuất phương tiện giao thông cần vào cuộc mạnh mẽ nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Nhiều nước trên thế giới sản xuất các dòng xe chở khách luôn có hai cửa lớn thoát hiểm cho mỗi xe, trên mỗi xe có gắn nhiều bình cứu hỏa và búa thoát hiểm. Khi xe đủ khách, chuẩn bị đi vào cao tốc dài, phải trải qua một đợt kiểm định nhanh với người lái, phương tiện (khoảng 30 phút), nếu lái xe chạy quá tốc độ, xe tự động báo chuông nhắc, trong một tua, nếu lái xe liên tục bị nhắc thì xe sẽ tự động khóa xăng và tài xế chỉ còn cách... bó tay.
Tại làng quê Việt Nam, thậm chí, ngay cả khu vực đô thị, có những khu vực công trình giao thông công cộng bị chiếm dụng thành của riêng để trồng rau, nuôi gà, quốc lộ thành sân phơi thóc, gia công sản xuất, kinh doanh hàng hóa; một khu làng, phố nhỏ có thể có bốn năm khu vực tâm linh, thờ cúng, người người thi nhau xây mộ tổ, nhà thờ tổ, nhưng những điểm, khu đất dành cho sinh hoạt cộng đồng thì không có, hoặc có thì dân không được vào. Do đó, hình ảnh đám cưới, đám tang, ăn uống dựng rạp chiếm lòng đường vỉa hè gây cản trở giao thông... là không hiếm. Cho nên, thần linh nếu có cũng không cứu được người lớn và con cháu họ đổ máu dưới bánh xe.
|
|
Tình trạng học sinh đi xe máy điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ còn phổ biến. |
Tuy hành vi đánh võng, đua xe, quá chén khi lái xe từ lâu đã bị lên án nhưng nó vẫn xảy ra. Thật đau lòng là ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng có những công chức, sĩ quan thiệt mạng khi đi đường và cũng có cả những người say xỉn lái xe tông chết người. Tại các nước phát triển, hành vi sử dụng chất gây nghiện, ma túy, đồ uống có cồn vượt ngưỡng cho phép cầm vô lăng lái xe là bị truy tố. Thiết nghĩ, sắp tới, Bộ luật hình sự năm 2015 cần được sửa đổi để hình sự hóa các hành vi này. Tại Điều 260 BLHS năm 2015, khoản 1 nên tăng hình phạt tiền, bỏ hình phạt cải tạo không giam giữ. Chế định án treo cũng nên được sửa đổi, không áp dụng án treo đối với người vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây chết người, nếu họ có lỗi chính. Thay vào đó, họ phải bị buộc lao động công ích từ sáu tháng đến hai năm...
Dự báo, trong thời gian tới, với tình trạng cơ sở hạ tầng chưa được cải thiện nhiều, trong khi lượng phương tiện cung ứng ra thị trường sẽ tăng ồ ạt, đòi hỏi mọi người, mọi ngành cùng chung tay làm giảm TNGT. Để đạt được mục tiêu này, công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm về giao thông phải đẩy mạnh hơn nữa. Cần thiết, tăng cường tuyên truyền các quy định về an toàn giao thông, về hậu quả các vụ TNGT một cách sinh động như: trưng bày pa nô áp phích ở các thôn, xã, phường, những nơi thường tập trung đông người. Các cơ quan thông tin đại chúng cần thường xuyên đăng tải các kinh nghiệm tốt trong phòng ngừa, xử lý vi phạm về giao thông trong nước cũng như các nước trên thế giới. Người dân chúng ta chỉ cảm thấy hạnh phúc khi Việt Nam sau chiến tranh là một đất nước có hòa bình bền vững, an sinh xã hội, an toàn công cộng được bảo đảm, số người chết vì TNGT thấp nhất thế giới, mà thôi.
Lẽ nào mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức... lại không nêu gương chấp hành pháp luật về giao thông? Lẽ nào chúng ta lại không là một giảng viên, một tuyên truyền viên kêu gọi mọi người, nhất là con em mình, thân nhân của mình chấp hành pháp luật giao thông? Nếu mỗi cá nhân ưu tú này bảo đảm rằng họ đã tuyên truyền, cảm hóa được ba, bốn người khác (những người trẻ tuổi có chiều hướng vi phạm cao) chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông thì số người hiểu và chấp hành pháp luật về giao thông sẽ được nhân lên thành hàng chục triệu người trong xã hội. Khi đó, dù có thể chưa hết, nhưng TNGT chắc chắn sẽ không còn là nỗi ám ảnh lớn như hiện nay nữa.
Trở lại vụ án mà con của một Kiểm sát viên là nạn nhân, sau khi nghiên cứu hồ sơ do VKSND tối cao gửi đến trưng cầu, cơ quan giám định kỹ thuật cho rằng: khi phát hiện cháu gái băng ngang đường trên chiếc xe đạp điện, người lái ô tô đã phanh gấp. Với tốc độ di chuyển của ô tô như vậy, để bảo đảm an toàn, cháu gái phải cách mũi xe ô tô ít nhất là 13 m. Tại hiện trường, để lại vết phanh kéo dài liên tục, điểm đầu của vết phanh đến vị trí của cháu gái là 11 m và sau va chạm, cháu cùng xe đạp điện bị đẩy đi 1,5 m. Tất cả là do lực quán tính của xe ô tô mà ra! Như vậy, ở trường hợp này, người lái xe ô tô không có lỗi.
Thế nên, dù trong tâm trí tôi luôn hiện lên hình ảnh một thiên thần với đôi mắt đen láy, tôi vẫn thầm nói: “Cháu ơi, chú xin lỗi, chú không làm khác được!”.