|
|
Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước Nguyễn Quốc Hân trình bày luận tội trong một vụ án hình sự. |
Qua quá trình tham gia giải quyết các vụ án Lê Bá Mai, Nguyễn Văn Đồng, Nguyễn Quang Tuấn phạm tội Giết người, dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua, đến nay, các đối tượng gây án đang trong thời gian chấp hành án... cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và Viện Kiểm sát các cấp nói riêng. Để hiểu rõ hơn về những tình tiết li kì trong các vụ án trên, Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Quốc Hân, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước.
PV: Các vụ án giết người với nhiều tình tiết bí ẩn và kẻ thủ ác không nhận tội như vụ án Lê Bá Mai, Nguyễn Văn Đồng hay Nguyễn Quang Tuấn đã chính thức khép lại sau gần 10 năm sự việc xảy ra. Đồng chí có thể nói rõ hơn quá trình tố tụng của các vụ án được dư luận quan tâm này?
Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước Nguyễn Quốc Hân: Vụ án Lê Bá Mai phạm tội Giết người, Hiếp dâm trẻ em xảy ra từ năm 2004, quá trình tố tụng kéo dài gần 10 năm, qua 7 lần xét xử (3 lần xét xử sơ thẩm, 3 lần xét xử phúc thẩm, 1 lần giám đốc thẩm), ngày 30/8/2013, Toà phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM đã tuyên y án sơ thẩm, buộc Lê Bá Mai mức án 18 năm tù về tội Hiếp dâm trẻ em và tù chung thân về tội Giết người. Tổng hợp hình phạt của 2 tội danh là tù chung thân. Vụ án Nguyễn Văn Đồng phạm tội Giết người phải qua 4 lần xét xử (2 lần xét xử sơ thẩm, 2 lần xét xử phúc thẩm), VKSND tỉnh Bình Phước đã bảo vệ thành công cáo trạng truy tố, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Đồng tù chung thân về tội Giết người. Sau đó, bị cáo Đồng tiếp tục kháng cáo kêu oan. Ngày 12/11/2018, TAND cấp cao tại TP HCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm. Hiện các bị cáo đang trong thời hạn chấp hành án.
|
|
Kiểm sát viên “thực địa” hiện trường vụ án Lê Bá Mai. Ảnh: CTV |
PV: Trong vụ án Nguyễn Văn Đồng phạm tội Giết người, bị cáo Đồng luôn không khai nhận tội. Vậy với chức năng truy tố, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, Kiểm sát viên đã buộc tội bị cáo này dựa trên những chứng cứ gì?
Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước Nguyễn Quốc Hân: Vụ án Nguyễn Văn Đồng phạm tội Giết người xảy ra ngày 28/1/2013 tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Đồng không nhận tội. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện, ngay khi vụ án xảy ra, Công an xã Đức Liễu đã mời nghi can Nguyễn Văn Đồng đến làm việc, qua kiểm tra, xem xét thân thể, quần áo, đồ vật mang theo trên người Đồng, công an đã lập biên bản thu giữ chiếc đồng hồ đang đeo trên tay của Đồng, ghi nhận có dấu vết máu màu nâu đỏ. Kết quả giám định trên chiếc đồng hồ đó có ADN của bị hại Trần A Ửng.
Hỏi về việc công an tiến hành thu giữ chiếc đồng hồ thì bị cáo Đồng cho rằng, khi thu giữ, cán bộ tháo đồng hồ của bị cáo đưa ra khỏi phòng, gần 1 tiếng sau mới quay lại và yêu cầu Đồng ký vào biên bản thu giữ, rồi cho vào hộp niêm phong. Bị cáo Đồng còn cho rằng, vì bị cáo lo sợ nên mới ký vào biên bản.
Theo đó, trong quá trình xét hỏi, Kiểm sát viên đã tập trung hỏi những người tiến hành thu giữ, niêm phong chiếc đồng hồ của bị cáo để xác định việc thu giữ có đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Kiểm sát viên đã hỏi những người tham gia ký vào biên bản hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi có chứng kiến quá trình lực lượng chức năng tiến hành khám nghiệm không, kết quả khám nghiệm có thể hiện đúng nguyên trạng hiện trường hay có thêm bớt, làm thay đổi hiện trường không?. Trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát đã bác bỏ lời khai nại ra của bị cáo Đồng cho rằng, việc công an thu giữ đồng hồ đeo tay của bị cáo là không đúng quy định.
Trong trường hợp này, Kiểm sát viên tập trung xét hỏi những người làm chứng, những người tiến hành các hoạt động xác minh, bảo vệ hiện trường, tiến hành các hoạt động điều tra thu thập chứng cứ ban đầu, qua đó, tiếp tục đối chứng với các kết luận giám định, vật chứng thu giữ được trong quá trình điều tra và tài liệu khác để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo.
|
|
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Đồng (năm 2017). |
PV: Trong vụ án Lê Bá Mai, đối tượng này ngoan cố cho rằng, do bị đánh đau nên mới khai. Để đủ cơ sở buộc tội, Kiểm sát viên đã căn cứ vào những tình tiết khách quan và cơ sở pháp lý nào, thưa đồng chí?
Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước Nguyễn Quốc Hân: Một tình tiết rất nhỏ nhưng lại rất quan trọng, là cơ sở để khẳng định trước khi bị hại bị giết thì bị cáo Lê Bá Mai đã có mặt và chở bị hại đi, sau đó bị hại bị sát hại. Đó là chi tiết lời khai của Mai cho rằng, trước khi Út (bị hại) đi với Mai, Út có nói 1 câu bằng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số với Hằng. Còn Hằng thì khai, khi Út lên xe bị cáo Mai chở đi có nói với Hằng bằng tiếng Stieng: “Hằng ơi, trông xe đạp”. Theo đó, Viện Kiểm sát đánh giá lời khai của bị cáo Mai là khách quan và phù hợp với lời khai của người làm chứng là Hằng.
Trong vụ án này, còn có chi tiết, trong lời khai của Mai nêu rõ hành vi phạm tội như: giao cấu xong, Mai đứng dậy mặc quần áo, lật úp người Út, lấy quần của Út luồn qua cổ rồi cột siết chặt lại…Thế nhưng, tại phiên toà, trước các câu hỏi của người tiến hành tố tụng, Mai chỉ cho rằng, do bị Điều tra viên đánh đau nên mới khai. Tuy nhiên, qua phân tích, đánh giá lời khai của bị cáo là đã dùng chính chiếc quần mà bị hại mặc để siết cổ, sau đó cột 2 nút lại, đối chiếu với kết quả khám nghiệm tử thi bị hại Út là phù hợp. Gia đình bị hại cũng xác định chiếc quần dùng siết cổ bị hại là của bị hại mặc trước khi bị sát hại. Và, tại hiện trường có 1 cây mỳ bị nhổ bung gốc, Mai khai nhổ cây để thực hiện hành vi hiếp dâm là hoàn toàn phù hợp.
PV: Vậy, theo ông, điều khó khăn chung nhất trong quá trình tiến hành giải quyết các vụ án trên là gì?
Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước Nguyễn Quốc Hân: Trong cả 2 vụ án Lê Bá Mai và Nguyễn Văn Đồng, khó khăn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng là những người làm chứng như cháu Hằng trong vụ Lê Bá Mai, cháu Thảo trong vụ án Nguyễn Văn Đồng đều còn rất nhỏ tuổi. Do đó, khi Kiểm sát viên đặt câu hỏi cần ngắn gọn, dễ hiểu và trực tiếp liên quan đến việc làm sáng tỏ các tình tiết, nội dung của vụ án, đặc biệt là phù hợp với nhận thức và sự hiểu biết của một đứa trẻ mới 5 tuổi.
Trong vụ án Nguyễn Văn Đồng, cháu Thảo chỉ xác định Đồng là người dùng cây và gạch đánh vào đầu rồi xô bị hại xuống giếng nhưng khi hỏi diễn biến hành vi như thế nào thì cháu Thảo không thể kể lại được. Còn cháu Hằng, nhân chứng trong vụ Lê Bá Mai là người dân tộc Stieng nên phần nào hạn chế về nhận thức và ngôn ngữ sử dụng, khả năng diễn đạt. Khi Hội đồng xét xử (HĐXX) đặt nhiều câu hỏi khiến cho cháu Hằng sợ và mất bình tĩnh. Kiểm sát viên đã đề nghị HĐXX cho mời gia đình vào giúp đỡ, đứng bên cạnh để cháu bình tĩnh, sau đó, cháu Hằng đã khai báo rất chính xác nội dung sự việc.
Căn cứ vào kết luận giám định trên chiếc đồng hồ đeo tay của bị cáo có dính máu của bị hại, lời khai của cháu Thảo nhìn thấy bị cáo dùng gạch tàu, cây đánh bị hại, dùng tay xô bị hại xuống giếng, đối chiếu với kết quả khám nghiệm hiện trường có thu giữ nhiều mảnh vỡ gạch tàu, có cơ sở để kết luận chính bị cáo Nguyễn Văn Đồng đã thực hiện hành vi phạm tội.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đã bảo vệ thành công cáo trạng truy tố, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đồng tù chung thân về tội Giết người.
PV: Xin cảm ơn Phó Viện trưởng.