leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Tham dự buổi tọa đàm, có đồng chí Vũ Văn Quang, Phó Viện trưởng VKSND TP Hải Phòng, lãnh đạo, Kiểm sát viên các Phòng 1, Phòng 2, Phòng 3, Phòng 7, Phòng 15, Thanh tra – Khiếu tố, Văn phòng cùng 15 đơn vị VKSND quận, huyện.

Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Vũ Văn Quang, Phó Viện trưởng VKSND TP Hải Phòng nêu mục đích, yêu cầu của buổi Tọa đàm. Theo đó, Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành và được đưa vào áp dụng thực tiễn đã hơn 5 năm. Tuy nhiên, sau một thời gian được triển khai áp dụng trong thực tiễn, bên cạnh những ưu việt đã được kiểm chứng, Bộ luật Hình sự 2015 xuất hiện những hạn chế, tồn tại cũng như khó khăn, vướng mắc, thiếu thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Qua tổng kết thực tiễn trên địa bàn TP Hải Phòng, có thể thấy, những bất cập, thiếu thống nhất này xuất hiện ở nhiều nội dung từ phần chung đến phần tội phạm cụ thể. Những khó khăn, vướng mắc trong việc nhận thức và áp dụng BLHS là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác của các cơ quan tố tụng nói chung và của VKSND hai cấp TP Hải Phòng nói riêng.

Trong đó, hậu quả lớn nhất là tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Tòa án xét xử khác tội danh, khoản Viện kiểm sát truy tố, việc xử lý vật chứng, áp dụng biện pháp tư pháp khác nhau đối với các trường hợp tương tự, gây khó khăn cho khâu thi hành án; quá trình phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và vụ án hình sự mất nhiều thời gian, công sức, phải tổ chức họp liên ngành nhiều lần. Dựa trên yêu cầu cấp thiết đó, Tọa đàm có mục đích cùng trao đổi kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác này.

Trong khuôn khổ của tọa đàm, Ban Tổ chức buổi Tọa đàm đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về các khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị nêu ra. Trong đó, tập trung vào một số nội dung cơ bản:

Đối với Phần chung, vướng mắc chủ yếu tập trung ở vấn đề “xóa án tích” đối với bị can, bị cáo. Mặc dù Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản hướng dẫn (Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 3/4/2019) nhưng đây chưa phải văn bản hướng dẫn của liên ngành trung ương nên chưa có giá trị áp dụng bắt buộc đối với tất cả các cơ quan tố tụng.

Trong lúc chưa có hướng dẫn cụ thể của liên ngành cấp trên, VKSND TP Hải Phòng đã có văn bản với TAND TP Hải Phòng thống nhất quan điểm về cách tính xóa án tích trong một số trường hợp phổ biến để tạm thời áp dụng cho 2 ngành trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng hướng dẫn này tại một số đơn vị vẫn có những tình huống khác nhau dẫn tới quan điểm trái chiều của cơ quan tố tụng (sẽ được làm rõ bằng tham luận của một số đơn vị), vì vậy cần tiếp tục được thảo luận để tập hợp kết quả, đề nghị liên ngành cấp trên giải đáp.

Ngoài ra, cách hiểu và áp dụng pháp luật đối với một số tình tiết tăng nặng (Ví dụ tình tiết định khung “người già yếu” của một số tội quy định tại các Điều 134, 137, 140, 157, 168, 170, 171…; tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” tại điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự…) và tình tiết giảm nhẹ (“Gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự, tình tiết “khắc phục một phần hậu quả” trong tội Gây rối trật tự công cộng) còn có sự biệt giữa các đơn vị.

Đối với Phần tội phạm cụ thể, hiện nay, nhóm tội xâm phạm Trật tự trị an có nhiều vướng mắc nhất, đặc biệt là một số vấn đề như: đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi; việc trưng cầu giám định; việc áp dụng tình tiết định khung “phạm tội 2 lần trở lên”; xác định dấu hiệu “thu lợi bất chính” trong các tình tiết tăng nặng định khung ở điểm đ khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 341 BLHS trong tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Nhóm tội Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc hoặc Gá bạc còn thiếu thống nhất trong việc xử lý các trường hợp ghi số đề, đá gà, về việc hiểu thế nào là “sử dụng địa điểm cho 10 người đánh bạc trong cùng một lúc”.

Tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nổi lên vướng mắc lớn trong vấn đề sử dụng kết quả thổi nồng độ cồn trong hơi thở hay sử dụng kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu để xử lý đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và tình huống có hay không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông "có cồn nội sinh" trong cơ thể.

Tương tự như vậy, đối với tội Gây rối trật tự công cộng, Chống người thi hành công vụ cũng còn nhiều vướng mắc, thiếu thống nhất giữa các cơ quan tố tụng hoặc giữa các đơn vị trong việc áp dụng pháp luật.

Buổi Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị VKSND hai cấp tại nhiều điểm cầu. Đồng chí Trần Việt Tú – Trưởng phòng 7 VKSND thành phố thay mặt Ban tổ chức Tọa đàm đã trả lời các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, hướng dẫn giải quyết một số trường hợp vướng mắc mà các đại biểu đã nêu ra.

Buổi Tọa đàm đã đạt được mục đích và yêu cầu nhằm hướng tới sự thống nhất cao trong cách nhận thức và triển khai Bộ luật Hình sự trong thực tiễn, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết các vụ án hình sự tại địa bàn TP Hải Phòng.

Lê Lộc