Theo công văn số 1556/VKSTC-V15, VKSND tối cao đề nghị Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các công việc đã được xác định.

Đối với báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Kế hoạch số 115/KH-VKSTC ngày 16/9/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành KSND giai đoạn 2016-2020 (Kế hoạch số 115/KH-VKSTC), các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh thực hiện báo cáo những nội dung, gồm: Việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 115/KH-VKSTC ngày 16/9/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020; đánh giá về kết quả nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực ngành KSND.

Kết quả thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2016-2020; kết quả bố trí, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.

Việc thực hiện thu hút đa dạng hóa nguồn kinh phí cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; khó khăn, vướng mắc; tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; đề xuất các kiến nghị, giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế.

leftcenterrightdel
 TS. Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSND tối cao giảng bài tại Lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát khóa 28.

Bên cạnh báo cáo những nội dung nêu trên, VKSND tối cao cũng đề nghị một số đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện báo cáo, đánh giá những nội dung khác theo yêu cầu.

Cụ thể, Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao báo cáo, đánh giá kết quả xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Xây dựng văn bản về công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong Ngành; những nội dung liên quan đến quản lý Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng.

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tại TP Hồ Chí Minh báo cáo, đánh giá kết quả nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của ngành KSND, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm, đó là: Kiện toàn tổ chức bộ máy, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị của Nhà trường.

Số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hưu, giảng viên thỉnh giảng; xây dựng chương trình, tài liệu giảng dạy; đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; đánh giá về kết quả triển khai thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao báo cáo, đánh giá về việc tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành và hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực. 

Trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm là: Kết quả tham mưu với lãnh đạo VKSND tối cao trong việc ký kết các thỏa thuận, hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của ngành KSND.

Số lượt chuyên gia, giảng viên nước ngoài đã mời vào giảng dạy cho công chức, viên chức VKSND Việt Nam; việc tổ chức các đoàn đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về tư pháp hình sự, công tác quản lý và đào tạo nguồn nhân lực của ngành Kiểm sát; kết quả về nguồn lực và kinh nghiệm của các tổ chức, dự án quốc tế đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho Ngành.

Đối với nội dung xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2021-2025, các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh thực hiện việc báo cáo, xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2021-2025 theo biểu mẫu thống kê.

Theo công văn, VKSND tối cao đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện và gửi báo cáo về VKSND tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 30/5/2020 để tổng hợp, báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, chỉ đạo.

P.V