Những kết quả nổi bật

Thời gian qua, nhất là khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành, Lãnh đạo VKSND tối cao đã chỉ đạo rà soát xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 17 văn bản về công tác tổ chức cán bộ để kịp thời thể chế hóa các quy định mới của Đảng, Nhà nước. Trong đó, đáng lưu ý là, các quy chế, quy định về phân cấp quản lý, nhận xét đánh giá, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái trong ngành KSND đã cụ thể hóa Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thay thế Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

leftcenterrightdel
  Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao trao quyết định và tặng hoa chúc mừng các đồng chí được bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên cao cấp.

Theo đó, các quy chế, quy định này đã mở rộng phân cấp, phân quyền công tác quản lý cán bộ; đưa ra quy trình bổ nhiệm gồm nhiều bước với những quy định, hình thức lấy ý kiến, tiêu chí rõ ràng, minh bạch; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tổng thể, dân chủ, liên thông trong công tác cán bộ; đánh giá cán bộ khách quan, công tâm; lựa chọn và bố trí đúng cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ có môi trường rèn luyện, am hiểu thực tiễn và phát triển toàn diện.

Đặc biệt, để bảo đảm tăng cường thực hiện dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ nói riêng và trong toàn Ngành nói chung, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/BCSĐ ngày 21/11/2022 yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh tập trung chỉ đạo tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế, quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị để cập nhật các quy định mới; tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, nhất là Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng VKSND cấp tỉnh, cần quy định phân công rõ vai trò trách nhiệm của từng thành viên Ban cán sự đảng trong chỉ đạo xử lý những vụ án, vụ việc cụ thể, vừa bảo đảm vai trò lãnh đạo của tập thể, vừa nâng cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, tuân thủ đúng nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong Ngành theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014.

Đồng thời, ban hành nhiều nghị quyết, văn bản hướng dẫn, giải đáp về công tác tổ chức cán bộ trong Ngành; cũng như yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản về công tác tổ chức cán bộ bảo đảm thể chế hoá kịp thời, phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sát với thực tiễn công tác của Ngành...

Cụ thể, trong công tác phân cấp quản lý cán bộ: Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc phân cấp quản lý cán bộ, việc bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử, bảo đảm đúng quy trình, quy định, tạo sự thống nhất cao trong xây dựng quy định, quy chế và tổ chức thực hiện của cơ quan, đơn vị; phát huy tốt tính dân chủ, công khai, minh bạch, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác cán bộ; gắn kết khâu đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử với các khâu nhận xét, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, điều động, đào tạo, sử dụng và quản lý cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực tế của cơ quan, đơn vị và tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác cán bộ.

Đối với công tác đánh giá cán bộ: Việc triển khai thực hiện công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của ngành KSND đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức và cách làm; lấy tiêu chí chất lượng, hiệu quả, tinh thần trách nhiệm trong công tác làm thước đo để đánh giá; đánh giá trong tổng mặt bằng chung cùng cấp nhằm phản ánh đúng năng lực và phẩm chất chính trị, đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức.

Một trong những điểm nổi bật, theo Vụ Tổ chức cán bộ (VKSND tối cao) đó là việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác đánh giá cán bộ được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, dân chủ, khách quan; bàn bạc công khai, minh bạch và quyết định theo đa số. Phương pháp đánh giá được đổi mới, đề cao được trách nhiệm người đứng đầu; phát huy tinh thần cầu thị, tự phê bình và phê bình ở VKSND các địa phương, đơn vị trong Ngành. Kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đã giúp Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao có định hướng chính xác, khách quan trong việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sắp xếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức…

Đối với công tác tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động, luân chuyển cán bộ: Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao đã thống nhất chủ trương chọn đúng người đứng đầu các cấp Viện kiểm sát và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu các đơn vị VKSND tối cao, cấp cao và cấp tỉnh. Tăng cường công tác luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp tối cao, cấp cao về địa phương và từ dưới địa phương lên để đào tạo toàn diện, kịp thời chọn ra đội ngũ kế thừa, thay thế. Kết quả thực hiện đã khẳng định đã chọn đúng cán bộ cả về năng lực và phẩm chất, các vị trí được chọn đều phù hợp với năng lực, sở trường cán bộ; các đơn vị có cán bộ được bổ nhiệm, điều động, chuyển đổi vị trí đều phát huy tác dụng, kết quả công tác của đơn vị được nâng lên, khắc phục được tồn tại, hạn chế, trật tự, kỷ cương có chuyển biến tích cực…

Những giải pháp thực chất và hiệu quả

Có thể thấy, việc thực hiện dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ ngành KSND thời gian qua đã thực sự có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả rõ nét, song vẫn cần có sự đổi mới, chú ý thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ. Quán triệt kịp thời các quan điểm chỉ đạo, các quy định, quy chế của Đảng, Nhà nước và của Ngành về công tác tổ chức cán bộ, bảo đảm 100% cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý nắm vững các yêu cầu và thực hiện dân chủ cơ sở trong công tác tổ chức cán bộ.

Hai là, thường xuyên rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là quy chế làm việc của Ban cán sự đảng VKSND các cấp (hoặc Ban thường vụ Đảng uỷ cơ quan VKSND cấp cao), quy chế làm việc của đơn vị, của Uỷ ban kiểm sát... trong đó, bảo đảm dân chủ hoá, công khai hoá thông qua các quy định về thực hiện dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ, tạo căn cứ pháp lý cho VKSND các cấp triển khai thực hiện thống nhất trong toàn Ngành. Cần quy định những hình thức lấy ý kiến phù hợp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy tối đa trí tuệ tham gia góp ý vào tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị…

leftcenterrightdel
   Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại một cuộc họp của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành Kiểm sát nhân dân.

Ba là, cần phải xác định, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là những người có trọng trách, có quyền quyết định những vấn đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Vì vậy, phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu, nâng cao trách nhiệm thực hiện dân chủ trong công tác cán bộ trên cơ sở thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong Ngành. Đồng thời, mỗi công chức, viên chức phải tự rèn luyện, thường xuyên tu dưỡng đạo đức, lối sống, có trách nhiệm cao đối với công việc được giao, tích cực đóng góp ý kiến để cùng phát triển cơ quan, đơn vị.

VKSND các cấp cũng cần có sự đánh giá lại toàn diện nguồn cán bộ để có chủ trương sắp xếp, bố trí cán bộ đúng theo năng lực, sở trường chuyên môn. Tiếp tục thực hiện chủ trương điều động, chuyển đổi vị trí, bố trí phân công nhiệm vụ đối với cán bộ trong nguồn quy hoạch, cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội để mạnh dạn giao việc, phân công công tác ở các địa bàn trọng điểm, lĩnh vực công tác quan trọng hoặc lĩnh vực cần phải đổi mới, đột phá để tạo động lực cho cán bộ kết hợp đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện thử thách, từ đó phát hiện những nhân tố mới, có triển vọng phát triển, tạo nguồn lãnh đạo cấp cao hơn...

Bốn là, tăng cường các biện pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, sự đóng góp có hiệu quả của các tổ chức đoàn thể trong cơ quan nhằm xây dựng cơ quan đoàn kết, trong sạch, vững mạnh. Đây chính là cơ sở để tôn trọng và thực hiện có hiệu quả dân chủ trong cơ quan, đơn vị.

Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực công tác tổ chức cán bộ; phát huy dân chủ gắn với chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong toàn Ngành. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất, theo chuyên đề của cấp trên đối với cấp dưới, cấp dưới giám sát cấp trên; coi trọng việc thông báo rút kinh nghiệm, phòng ngừa và xử lý sai phạm... Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm quy rõ trách nhiệm của từng cán bộ, từng khâu trong công tác cán bộ…

Hải Tường