Những kết quả tích cực

Để thực hiện có hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng kinh tế, hằng năm, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm, nhất  là việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự trong đó tập trung đề ra các biện pháp, giải pháp để kiểm sát chặt chẽ việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế, góp phần nâng cao tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Văn Đông, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa.

VKSND tỉnh Thanh Hóa xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và thường xuyên; kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong đó việc thu hồi tài sản thất thoát đang là vấn đề trọng tâm và là một trong những mục tiêu chính trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Vì vậy, công tác phát hiện, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có xu hướng tăng dần, năm sau cao hơn năm trước, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Cụ thể, trong giai đoạn năm 2018 – 2021, cơ quan tố tụng tỉnh Thanh Hóa đã thụ lý điều tra, truy tố xét xử 108/120 vụ án, 223 bị can về các vụ án hình sự tham nhũng kinh tế, số vụ án đang giải quyết là 12 vụ với 40 bị can. Trong thời gian này, số vụ án áp dụng các biện pháp để thu hồi tài sản là 26 vụ/13.772.320.213 đồng; số tiền, tài sản do bị can/bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả là 25.900.593.360 đồng.

Giai đoạn này, các cơ quan điều tra, truy tố xét xử đã thu hồi được 39.672.913.493/310.281.720.058 đồng, đạt 12,8% tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhiều vụ án tham nhũng có tỉ lệ thu hồi tài sản cao. Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước.

leftcenterrightdel
Đoàn kiểm sát của VKSND huyện Cẩm Thủy  trực tiếp làm việc tại Chi cục THADS huyện Cẩm Thủy.

Để đạt được những kết quả như trên, lãnh đạo VKSND tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường chỉ đạo sát sao Viện kiểm sát hai cấp, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng, kịp thời ban hành các yêu cầu điều tra trong việc thu hồi tài sản. Đặc biệt, có những vụ án tham nhũng thu hồi được 100% số tiền chiếm đoạt. Vì vậy, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng ngày càng được quan tâm.

Bên cạnh đó, hằng năm, VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đều tiến hành kiểm sát thường xuyên và trực tiếp kiểm sát đối với hoạt động tổ chức thì hành án của cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp. Sau khi kiểm sát đã ban hành kiến nghị yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
Đồng chí Vũ Xuân Thoan, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa phát biểu. 

Một số hạn chế, khó khăn và vướng mắc trong quá trình thu hồi tài sản

Trong quá trình thu hồi tài sản, VKSND tỉnh Thanh Hóa nhận thấy các đối tượng phạm tội tham nhũng, chức vụ đều là những người có trình độ hiểu biết pháp luật, điều kiện kinh tế, địa vị và quan hệ xã hội rộng nên có nhiều thủ đoạn, phương thức che giấu hành vi phạm tội và thời gian phát hiện ra sai phạm là khoảng thời gian rất dài. Vì vậy, các đối tượng có điều kiện để tẩu tán tài sản hoặc chuyển hóa tài sản nên việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng không đạt hiệu quả cao.

Các quy định của pháp luật hình sự về việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế chưa cụ thể, không mang tính bắt buộc, nhất là ở giai đoạn tiền khởi tố các vụ án kinh tế, tham nhũng. Trên thực tế chỉ có thể xác định chính xác mức tương ứng sau khi Tòa tuyên án. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và thu hồi tài sản còn hạn chế.

leftcenterrightdel
Đoàn Kiểm sát làm việc tại cơ quan CSĐT huyện Hà Trung.

Nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến việc thu hồi đất, bán đất, giao đất trái thẩm quyền thường khó áp dụng các biện pháp tư pháp để thu hồi tài sản vì trong nhiều trường hợp tiền bán đất được dùng vào việc chung của tập thể, không xác định có tư lợi cá nhân nên khó có cơ sở xác định trách nhiệm hoàn trả mà chủ yếu dựa vào việc tự nguyện khắc phục của các bị can, bị cáo.

Các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan đến hành vi trốn thuế, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng trong các vụ án kinh tế, ở giai đoạn thi hành án đều đã giải thể, ngừng hoạt động dẫn đến không còn để thu hồi tài sản.

Những kiến nghị trong thu hồi tài sản

Qua quá trình thực hiện công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát tài sản trong các vụ việc nói chung, các vụ án hình sự về tham nhũng nói riêng, VKSND tỉnh Thanh Hóa đề xuất những kiến nghị:

1. Tăng cường thẩm quyền cho Cơ quan điều tra trong quá trình áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản ngay từ khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm;

2. Có cơ chế kiểm soát, quản lý, kê khai tài sản của công chức rõ ràng, minh bạch. Có biện pháp xử lý triệt để đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc, thu nhập của người được thừa hưởng, chuyển nhượng tài sản;

3. Cần hoàn thiện các quy định pháp luật, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan về thu hồi tài sản trong trường hợp bị cáo bị xét xử mức án cao, thời gian chấp hành án dài và việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế khi các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đã giải thể, ngừng hoạt động và hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng nhằm thu hồi tài sản tham nhũng một cách có hiệu quả nhất;

leftcenterrightdel
Lễ kí kết quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử. 

4. Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và cơ quan Thi hành dân sự trong việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đặc biệt là các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ;

5. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Thanh tra, Kiểm toán với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng, đặc biệt là các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ;

6. Hằng năm, cần tổ chức các đợt tập huấn để tổng kết, rút kinh nghiệm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng điển hình để từ đó tìm ra những ưu điểm cần phát huy, những tồn tại cần khắc phục đồng thời tìm ra những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật để có hướng dẫn, giải quyết kịp thời./.

Bình Minh