Cụ thể, trong kiểm sát hình thức của biên bản phiên tòa, phiên họp, Hướng dẫn nêu rõ, biên bản phiên tòa, phiên họp phải được lập với bố cục và nội dung theo mẫu do Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành .
Đối với kiểm sát nội dung của biên bản phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên đối chiếu với quyết định đưa vụ án dân sự, hành chính ra xét xử, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự để kiểm tra việc ghi thời gian, số, ngày thụ lý vụ án, việc; quan hệ tranh chấp, yêu cầu giải quyết việc dân sự; vụ án, việc được xét xử công khai hay xử kín.
Về người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng: Kiểm sát viên kiểm tra thành phần Hội đồng xét xử, tư cách từng người tiến hành tố tụng có đúng theo quyết định đưa vụ án dân sự, hành chính ra xét xử, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự của Tòa án không. Trường hợp người tiến hành tố tụng từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi có được nêu rõ trong biên bản phiên tòa, phiên họp không.
Kiểm sát viên căn cứ vào quyết định đưa vụ án dân sự, hành chính ra xét xử, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự để kiểm tra việc ghi những người tham gia tố tụng có đủ không, tư cách của từng người có đúng không.
Về thủ tục bắt đầu phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hành chính: Kiểm sát viên kiểm tra việc ghi các thủ tục được thực hiện trong phần này có phù hợp với thực tế diễn ra hay không, khi cần thiết có thể đối chiếu với bút ký phiên tòa.
|
|
Quang cảnh một phiên toà xét xử vụ án dân sự. (Ảnh minh hoạ) |
Theo đó, thủ tục bắt đầu phiên tòa thường bao gồm các hoạt động cụ thể là: Chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử; Thư ký báo cáo Hội đồng xét xử về sự có mặt, vắng mặt của những người được Tòa án triệu tập và lý do vắng mặt; Chủ tọa phiên tòa giới thiệu người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch (nếu có), kiểm tra căn cước của những người có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án, phổ biến quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng; xem xét giải quyết các trường hợp người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa; yêu cầu người làm chứng cam kết khai báo trung thực, yêu cầu người giám định, người phiên dịch cung cấp kết quả giám định chính xác, phiên dịch đúng nội dung cần phiên dịch theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Chủ tọa phiên tòa hỏi đương sự có đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch không và xem xét giải quyết nếu có đề nghị.
Chủ tọa phiên tòa hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu (ở cấp sơ thẩm); hỏi người kháng cáo, Kiểm sát viên về việc rút một phần hay toàn bộ kháng cáo, kháng nghị (ở cấp phúc thẩm); xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu, kháng cáo, kháng nghị; xác định lại tư cách của đương sự trong trường hợp có thay đổi địa vị tố tụng.
Chủ tọa phiên tòa hỏi đương sự về việc thỏa thuận giải quyết vụ án tại phiên tòa và tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận nếu có đề nghị.
Chủ tọa phiên tòa hỏi đương sự về việc có cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa không, có đồng ý công bố bản án trên cổng thông tin điện tử của Tòa án không.
Chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến Kiểm sát viên về thủ tục bắt đầu phiên tòa.
Về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hành chính: Đây là phần quan trọng nhất của biên bản phiên tòa, nội dung thông tin trong phần này có thể tác động trực tiếp tới các quyết định, nội dung tuyên án của Hội đồng xét xử nên Kiểm sát viên tập trung kiểm sát kỹ.
Khi kiểm sát, Kiểm sát viên chú ý những vấn đề sau đây: Việc hỏi và trả lời phải được thể hiện đầy đủ và chính xác về nội dung và trình tự. Đặc biệt chú ý nội dung hỏi của Kiểm sát viên và những câu trả lời có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết vụ án, là cơ sở để Hội đồng xét xử ra các quyết định tố tụng tại phiên tòa, ra bản án, là cơ sở cho việc phát biểu quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
Các hoạt động tố tụng, quyết định tố tụng của Hội đồng xét xử, các yêu cầu, đề nghị, kiến nghị và hoạt động khác của người tham gia tố tụng tại phiên tòa và hậu quả pháp lý của chúng (nếu có) phải được ghi nhận đầy đủ và trung thực.
Ý kiến tranh luận của các bên phải được ghi đầy đủ, đúng trình tự trình bày của đương sự.
Trường hợp tại phiên tòa đương sự phủ nhận lời khai trước đây của mình, lời khai giữa các lần có mâu thuẫn hoặc có tài liệu, chứng cứ mới được Hội đồng xét xử chấp nhận có thể làm thay đổi nội dung quan điểm của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án thì cần kiểm sát kỹ việc ghi những nội dung này trong biên bản phiên tòa bảo đảm đầy đủ, chính xác, rõ ràng.
Các yêu cầu, đề nghị, kiến nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa và việc giải quyết của Hội đồng xét xử; những nội dung chính trong các lần phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phải được ghi chép, phản ánh đúng, đủ như thực tế diễn biến phiên tòa.
Ngoài ra, khi kiểm sát biên bản phiên họp giải quyết việc dân sự, các phiên họp trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự, hành chính, Kiểm sát viên kiểm tra biên bản có ghi đầy đủ, chính xác nội dung, trình tự, thủ tục, hoạt động diễn ra tại phiên họp không. Kiểm sát viên lưu ý nội dung hướng dẫn đối với kiểm sát biên bản phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hành chính để thực hiện tương tự.
Về địa điểm kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp, Hướng dẫn nêu rõ, việc kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp được thực hiện tại trụ sở Tòa án đã xét xử vụ việc hoặc tại nơi tổ chức phiên tòa, phiên họp trong trường hợp Tòa án xét xử ngoài trụ sở. Việc kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp có thể được thực hiện tại trụ sở Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ việc nếu được Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa, phiên họp đồng ý. |