Nguyên nhân hủy án và sửa án

Theo báo cáo của Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Phòng 7) VKSND tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có sự gia tăng về số vụ, số người phạm tội, phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt. Đáng nói, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKS còn một số hạn chế, dẫn đến trường hợp án bị hủy sau đó phải đình chỉ do không chứng minh được hành vi phạm tội, hoặc hủy án để điều tra, xét xử lại; sửa án do có vi phạm, thiếu sót.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị chuyên đề.

Trước tình hình trên, Phòng 7, VKSND tỉnh Đắk Nông đã đề ra các nhóm giải pháp cụ thể về hoạt động nghiệp vụ; về quản lý, chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn nghiệp vụ, tổng kết thực tiễn và giải pháp về công tác cán bộ trong lĩnh vực này. Trong đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên (KSV) có phẩm chất, năng lực và trách nhiệm nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm sát là yếu tố cốt lõi để khắc phục tình trạng vụ án hình sự bị Tòa án tuyên không phạm tội hoặc bị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy án, sửa án do có vi phạm, thiếu sót.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Vũ Đăng Cáp, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Nông điều hành Hội nghị chuyên đề.

Tại hội nghị, các đơn vị VKSND hai cấp tỉnh Đắk Nông đã có nhiều bài tham luận đưa ra những giải pháp thiết thực, hữu ích.

Cụ thể, đồng chí Lại Hồng Khanh, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án sơ thẩm hình sự về trật tự xã hội (Phòng 2) VKSND tỉnh Đắk Nông có tham luận, đưa ra một số kỹ năng, kinh nghiệm trong kiểm sát việc thu thập, đánh giá chứng cứ tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội...

Theo đồng chí Khanh, trong thực tế vẫn còn trường hợp thu thập vật chứng không đúng quy định, thiếu khách quan trong nhận định, đánh giá hoặc làm chưa hết trách nhiệm dẫn đến vụ án phải trả hồ sơ điều tra nhiều lần. Do đó, khi thu thập vật chứng trong mọi trường hợp phải ghi cụ thể các nội dung: Tên, đặc điểm, địa điểm tìm thấy vật chứng…

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lại Hồng Khanh, Trưởng phòng 2, VKSND tỉnh Đắk Nông phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Để chứng cứ thu thập tại hiện trường đảm bảo, đòi hỏi KSV phải có mặt tại hiện trường và kiểm sát chặt chẽ các hoạt động khám nghiệm. Biên bản khám nghiệm phải được lập khách quan, toàn diện, có chữ ký của những người tham gia.

Đối với hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ, người có thẩm quyền tố tụng phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan. Bởi việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ có ý nghĩa quyết định, là căn cứ để đi đến kết luận và ra quyết định giải quyết vụ án...

leftcenterrightdel
 Đồng chí Phan Văn Chiến, Viện trưởng VKSND huyện Đắk Mil phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Bài tham luận của đồng chí Phan Văn Chiến, Viện trưởng VKSND huyện Đắk Mil cũng được hội nghị đánh giá cao. Đơn vị này đã đưa ra nhiều giải pháp hữu ích nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo, điều hành; hạn chế đến mức thấp nhất án hình sự bị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên không phạm tội, hủy án, sửa án.

Viện trưởng Phan Văn Chiến cho hay, lãnh đạo đơn vị thường xuyên theo dõi, đôn đốc, yêu cầu báo cáo đối với tất cả các vụ án, vụ việc ngày từ giai đoạn tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố đến khi xét xử vụ án. Trong đó, đồng chí Viện trưởng trực tiếp nghiên cứu tất cả hồ sơ vụ án, vụ việc trước khi phân công KSV để nắm bắt nội dung từng vụ án, vụ việc. Đơn vị cũng chú trọng áp dụng biện pháp kiểm tra chéo giữa các bộ phận nghiệp vụ, giữa các Kiểm sát viên để nâng cao trách nhiệm, cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Tường Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông phát biểu tại Hội nghị.

VKSND huyện Đắk Mil cũng tổ chức có chất lượng các phiên tòa rút kinh nghiệm các vụ án hình sự đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Từ đó, so sánh và đánh giá chất lượng cán bộ để có chiến lược tự đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ...

Ngoài các đơn vị nói trên, đồng chí Phạm Thị Thanh Hoa, Viện trưởng VKSND huyện Đắk R’lấp cũng có bài tham luận xây dựng đội ngũ KSV, THQCT, KSĐT và KSXX hạn chế mức thấp nhất án hình sự bị tòa án cấp phúc thẩm tuyên không phạm tội, hủy án, sửa án.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tường Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho hay, tình hình tội phạm ngày càng gia tăng các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, chối tội. Vì vậy, tinh thần trách nhiệm của Điều tra viên (ĐTV), KSV phải sâu sát ngay từ giai đoạn tiếp nhận tin báo đến khi kết thúc. Sau khi tiếp nhận tin báo, ĐTV, KSV cần tập trung cao độ để làm rõ vụ việc.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Xuân Chiến, Phó Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông đánh giá cao việc xây dựng nội dung Hội nghị chuyên đề và các tham luận ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Đồng chí Vũ cũng chỉ rõ, việc đánh giá thu thập chứng cứ của ĐTV và KSV nhiều khi chưa kỹ nên việc thu thập tài liệu chứng cứ ban đầu chưa được chặt chẽ. Bên cạnh đó, lãnh đạo chủ quan không kiểm tra, sâu sát chỉ dựa vào báo cáo của ĐTV, KSV… làm ảnh hưởng đến việc đánh giá chứng cứ, chất lượng hồ sơ. Do vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo, kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn của lãnh đạo các cơ quan tố tụng. Đây là việc làm hết sức quan trọng để đánh giá từng chứng cứ đối với từng vụ việc cụ thể…

Mặt khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, đặc biệt là lãnh đạo các cơ quan thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với nhau trong việc đánh giá từng chứng cứ. Nếu ĐTV, KSV thấy có vướng mắc thì cần thiết thủ trưởng cơ quan điều tra, lãnh đạo VKS phải đánh giá, hội ý ngay để giải quyết một cách nhanh chóng nhất…

leftcenterrightdel
 Đồng chí Vũ Văn Sinh, Trưởng phòng 7, VKSND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Xuân Chiến, Phó Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông đánh giá cao việc xây dựng nội dung Hội nghị chuyên đề và các tham luận ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Liên quan đến án hủy, sửa, đồng chí Chiến cho biết, quá trình giải quyết, xử lý tin báo, trách nhiệm của ĐTV, VKS vẫn còn một số hạn chế. Đồng thời, việc thu thập tài liệu chứng cứ lời khai ban đầu có lúc chưa được chặt chẽ làm bất lợi về sau. Theo đó, khi xử lý vụ việc, đến khi xét xử ra tòa, bị cáo phản cung, hồ sơ không có chứng cứ dự phòng…

Một số vụ án hủy do trình tự thu thập chứng cứ chưa đảm bảo, có một số vụ tòa trả hồ sơ dù không làm thay đổi tội danh nội dung truy tố nhưng vẫn phải trả do một số vấn đề cần phải làm rõ.

Trên cơ sở đó, đồng chí Chiến cho rằng, biên bản ghi lời khai, hỏi cung nên ứng dụng công nghệ thông tin (văn bản đánh máy). Đồng thời, biên bản phải ghi đầy đủ thành phần (họ tên, chức danh). Một số vụ án phải có sự phối hợp giữa Viện – Tòa, cùng nhau nghiên cứu để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án…

leftcenterrightdel
 Đồng chí Tạ Đình Đề, Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Nông phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đánh giá cao những cố gắng của đồng chí Phó Viện trưởng phụ trách và tập thể Phòng 7 trong thời gian qua, đồng chí Tạ Đình Đề, Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Nông đề nghị lãnh đạo các đơn vị VKSND hai cấp tỉnh Đắk Nông triển khai nghiên cứu, học tập các nội dung của chuyên đề để vận dụng ngay vào đơn vị. Lãnh đạo các đơn vị cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao kỹ năng, trình độ của mỗi công chức. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành, gắn trách nhiệm cá nhân vào từng nhiệm vụ cụ thể của mỗi ngành nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, đảm bảo vụ án được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật. Các đồng chí Viện trưởng cấp huyện chủ trì xây dựng các quy chế phối hợp liên ngành để có sự phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Phòng 7, tiếp tục chủ trì, tập hợp các tham luận và các ý kiến đóng góp của các đại biểu, tổng hợp thành văn bản trình lãnh đạo Viện ký ban hành để triển khai thực hiện./.

Nguyễn Chính