Thực trạng công tác kiểm sát giải quyết phá sản

Nhằm bảo đảm thi hành Luật Phá sản 2014, VKSND tối cao đã phối hợp với Chính phủ, TAND tối cao xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Phá sản. Cùng với đó, VKSND tối cao cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện trong ngành kiểm sát, cụ thể  như: Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản ban hành kèm theo Quyết định số 435/QĐ-VKSTC ngày 26/9/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao; Quy định về công tác hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về pháp luật, nghiệp vụ; báo cáo thỉnh thị, trả lời thỉnh thị trong ngành Kiểm sát nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định số 599/QĐ-VKSTC ngày 6/12/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao)…

Theo Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Phá sản năm 2014 trong ngành Kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát các cấp đã nghiêm túc, kịp thời phổ biến, quán triệt Luật Phá sản và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Phá sản đến toàn thể Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên được phân công thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản.

leftcenterrightdel
Vụ  phá sản của Công ty cho thuê tài chính II Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam là một vụ án điển hình về giải quyết án phá sản doanh nghiệp.  

VKSND các cấp luôn xác định, công tác kiểm sát giải quyết vụ việc phá sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Tại các địa phương có nhiều đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại tòa án như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương... đa số Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên được phân công đều chủ động cập nhật văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nghiên cứu, trao đổi, rút kinh nghiệm để áp dụng đúng và thống nhất, cơ bản đã nắm chắc những quy định của Luật Phá sản và một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật này để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát.

Theo số liệu của Cục Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin (Cục 2), VKSND tối cao, kết quả công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản trong 5 năm ( 2015 – 2019), tổng số vụ việc yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản: 1.538 vụ. Tòa án đã thụ lý giải quyết 1.221 vụ; trả lại đơn 317 vụ, nguyên nhân chủ yếu là do người yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu.

Cũng theo số liệu của Cục 2, VKSND tối cao cho thấy, số vụ việc Tòa án thụ lý yêu cầu mở thủ tục phá sản giữ các năm không đồng đều và không có sự chênh lệch lớn. Trong tổng số 1.221 vụ việc thụ lý, Tòa án mới chỉ giải quyết được 387 vụ, còn tồn 834 vụ.

Trong số 387 vụ việc được Tòa án giải quyết thì có 248 vụ được Tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản, còn 139 vụ Tòa án không ra quyết định mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2019, Tòa án mới giải quyết được 168/248 vụ, còn tồn 80 vụ.

Từ thực tiễn những năm qua cho thấy, tỉ lệ vụ việc mà Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản còn thấp (248/1.221 vụ việc thụ lý giải giải quyết), và việc đã giải quyết xong cũng còn thấp (168/248 vụ), điều này chứng tỏ việc giải quyết phá sản không hề đơn giản mà rất phức tạp.

Thực hiện công tác kiểm sát giải quyết phá sản,Viện kiểm sát đã ban hành 28 văn bản yêu cầu; kết quả đã thực hiện 26/28 yêu cầu; ban hành 53 kiến nghị, bao gồm cả kiến nghị chung và kiến nghị riêng đối với từng vụ việc; ban hành 24 kháng nghị, trong đó 23/24 kháng nghị của VKS được Tòa án chấp nhận.

Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp

Tại TP Hà Nội, từ khi Luật Phá sản có hiệu lực thi hành, số lượng vụ việc thụ lý giải quyết phá sản đã giảm theo các năm (năm 2015 thụ lý 53 vụ, năm 2019 thụ lý 8 vụ). Từ năm 2015 - 2019, TP Hà Nội có 96 vụ việc yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong đó, Tòa đã giải quyết 48 vụ, còn tồn 48 vụ.

Trong số 48 vụ Tòa án đã giải quyết, chỉ có 4 vụ Tòa án quyết định mở thủ tục phá sản, còn 44 vụ Tòa án ra quyết định không mở thủ tục phá sản, do doanh nghiệp và Hợp tác xã (HTX) chưa mất khả năng thanh toán nợ hoặc do doanh nghiệp, HTX có đơn rút yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Thực tiễn tại TP Hà Nội cho thấy, số lượng vụ việc được yêu cầu mở thủ tục phá sản rất thấp (96 vụ); tỉ lệ vụ việc Tòa án thụ lý, giải quyết cũng rất thấp (48/96 vụ); và việc ra quyết định giải quyết phá sản cũng còn thấp hơn rất nhiều (4/48 vụ).
Theo Kiểm sát viên Nguyễn Thị Hoa - Phó Trưởng Phòng 10, VKSND TP Hà Nội nhận định, có thể nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn thành phố mất khả năng thanh toán nhưng họ không có đơn, không nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản.

Cũng theo Kiểm sát viên Nguyễn Thị Hoa, trong thực tiễn thi hành Luật Phá sản còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, theo quy định tại Điều 40 Luật Phá sản: “1. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn, TAND phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, HTX mất khả năng thanh toán, các cơ quan, tổ chức đang giải quyết vụ việc liên quan đến doanh nghiệp, HTX mất khả năng thanh toán do các bên cung cấp và VKSND cùng cấp về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản… 2. Trường hợp người nộp đơn không phải là doanh nghiệp, HTX mất khả năng thanh toán thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của TAND, doanh nghiệp, HTX mất khả năng thanh toán phải xuất trình cho TAND các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này.”

“Mà giấy tờ theo khoản 3 Điều 28 là Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, HTX trong 3 năm gần nhất, bản giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán…Vậy những giấy tờ, tài liệu này có phải chuyển cho VKS để nghiên cứu không? Điều này Luật không quy định, do đó nếu thực hiện quyền yêu cầu trên thực tế cũng khó thực hiện”, Kiểm sát viên Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.

Bên cạnh đó, Điều 43 Luật Phá sản quy định về thông báo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản thì các quyết định này phải được gửi cho Viện kiểm sát  cùng cấp. Tuy nhiên, Luật lại không quy định gửi kèm theo hồ sơ cho Viện kiểm sát. Vậy, trong trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp thấy có căn cứ để ban hành kháng nghị đối với các quyết định này lại phải sang Tòa án mượn hồ sơ, như vậy, sẽ ảnh hưởng đến thời hạn kháng nghị.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản, Kiểm sát viên Nguyễn Thị Hoa cho rằng, Kiểm sát viên phải chú trọng kiểm sát từ khi Viện kiểm sát nhận được quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến khi quyết định giải quyết vụ việc có hiệu lực pháp luật. Cùng với đó, phải tăng cường việc kiểm sát các quyết định của Tòa án chuyển đến, kịp thời phát hiện vi phạm và ban hành kháng nghị theo quy định pháp luật.

Để việc kháng nghị của Viện kiểm sát đạt chất lượng, Kiểm sát viên Nguyễn Thị Hoa đề đạt, Luật Phá sản cần quy định TAND phải gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp kèm theo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản vì thời hạn kháng nghị quá ngắn, trong 7 ngày mà Luật chỉ quy định gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát cấp trên nên việc kháng nghị ngang cấp đối với loại vụ việc này chưa đạt được hiệu quả cao. Số vụ việc phá sản được giải quyết hàng năm còn khiêm tốn nên các Kiểm sát viên cũng ít kinh nghiệm trong việc kiểm sát loại việc này, mặc dù đây là loại án khó. Vì vậy, Viện kiểm sát cấp trên nên tăng cường tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm những vụ việc do Viện kiểm sát, tòa án kháng nghị hủy, sửa để các đơn vị cấp dưới cùng nghiên cứu, học tập, rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp, trao đổi giữa Viện kiểm sát và Tòa án, tham khảo, học tập kinh nghiệm các đơn vị đã làm tốt, có sáng kiến hoặc cách làm đạt hiệu quả cao trong công tác kiểm sát giải quyết loại án này, mục tiêu là để hoàn thành tốt công tác kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc giải quyết việc phá sản gắn với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, Kiểm sát viên Hoa cho hay.

Đồng chí Trần Thị Luận, Trưởng Phòng 1, Vụ 10, VKSND tối cao: Kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị 

Theo đánh giá của Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10), VKSND tối cao, mặc dù số vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của VKSND tối cao không nhiều về số lượng, nhưng tính chất vụ việc rất phức tạp, điển hình như vụ việc phá sản của Công ty cho thuê tài chính II Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn Việt Nam (ALCII)…

Do đó, lãnh đạo VKSND tối cao và VKSND các cấp luôn xác định công tác kiểm sát giải quyết vụ việc phá sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nên trong công tác tổ chức bộ máy Ngành KSND đã quan tâm bố trí công chức có năng lực, kinh nghiệm; tăng cường các đơn vị nghiệp vụ chuyên sâu và ưu tiên về nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ khâu công tác này.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện kiểm sát địa phương đã kiểm sát 100% các quyết định giải quyết theo thủ tục phá sản của Tòa án cùng cấp theo quy định tại các Điều 35, 36, 40, 43, 84, 85, 86, 92, 95, 109 và 114 của Luật Phá sản 2014. Viện kiểm sát các cấp đều tiến hành kiểm sát thụ lý, lập hồ sơ kiểm sát, mở sổ theo dõi. Phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên nghiên cứu kỹ hồ sơ, nội dung vụ việc, những chứng cứ, tình tiết của vụ việc, từ đó kịp thời phát hiện vi phạm để báo cáo, đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị.

Ngoài ra, VKSND cấp trên còn tham gia đầy đủ các phiên họp theo đúng quy định và kiểm sát 100% các quyết định của Tòa án. Từ đó phát hiện được vi phạm của Toà án để kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện kiến nghị. Trường hợp phiên họp xem xét lại đơn đề nghị, kháng nghị đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Kiểm sát viên cấp trên đã kiểm sát chặt chẽ các quyết định, kịp thời phát hiện vi phạm của Tòa án để đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình báo cáo Viện kiểm sát cấp trên thực hiện quyền kiến nghị theo thủ tục đặc biệt (nếu có).  

Những kết quả đạt được của khâu công tác này đã góp phần nâng cao vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong công tác giải quyết các vụ việc phá sản, các cơ quan nhà nước và nhân dân thấy rõ hơn vị trí, vai trò của VKSND trong thủ tục phá sản...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc phá sản vẫn còn những vướng mắc, khó khăn như: Luật Phá sản quy định Viện kiểm sát kiểm sát các quyết định giải quyết theo thủ tục phá sản mà không quy định Tòa án chuyển hồ sơ kèm theo các quyết định, tài liệu nên công tác kiểm sát để phát hiện ra vi phạm của Tòa án chưa được cao. Ngoài ra, trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản, VKSND đã phát hiện vi phạm nhưng chưa kịp thời ban hành kiến nghị, kháng nghị. Do tỉ lệ giải quyết việc phá sản ít, chưa giải quyết được nhiều nên vai trò kiểm sát chưa thể hiện được hết chức năng, nhiệm vụ.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Vinh, Trưởng Phòng 10, VKSND tỉnh Nghệ An: Cần bổ sung, hoàn thiện Luật Phá sản, xây dựng cơ chế kiểm sát chặt chẽ

Luật Phá sản năm 2014 (Luật Phá sản) quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong hoạt động kiểm sát giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản của Tòa án. Theo quy định tại Điều 21 Luật Phá sản, VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết phá sản, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị; tham gia các phiên họp xem xét kiến nghị, kháng nghị của VKSND; kiểm sát các quyết định giải quyết phá sản của TAND.

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, số lượng các vụ việc liên quan đến phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, phải thụ lý không nhiều, nhưng Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ đã nắm vững các văn bản pháp luật, các văn bản hướng dẫn, thường xuyên nghiên cứu các thông báo rút kinh nghiệm của Ngành để đúc rút kinh nghiệm; nắm chắc Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản để tăng cường kiểm sát, đôn đốc Tòa án thực hiện đúng quy định của pháp luật. Qua công tác kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm của Tòa án từ khi thụ lý vụ việc cho đến khi ban hành quyết định giải quyết như:Vi phạm về thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, không yêu cầu nộp tiền tạm ứng chi phí phá sản, vi phạm khi quyết định về lệ phí phá sản trong trường hợp không mở thủ tục phá sản, ban hành Quyết định không mở thủ tục phá sản không đúng quy định… Những vi phạm này được Viện kiểm sát ban hành kiến nghị, kháng nghị kịp thời.

Từ thực tiễn công tác cho thấy, mặc dù đã khắc phục được nhiều hạn chế của các quy định trước đây về giải quyết phá sản, tuy nhiên, Luật Phá sản năm 2014 vẫn còn những quy định chưa thống nhất, nhiều vấn đề chưa được hướng dẫn cụ thể, còn khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật. Cụ thể như: Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thuộc trường hợp phải trả lại đơn nhưng Tòa án vẫn thụ lý và giải quyết bằng quyết định không mở thủ tục phá sản. Khi có đơn khiếu nại của đương sự hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát thì khoản 7 Điều 44 lại không có quy định về việc Tổ thẩm phán được quyền ra quyết định hủy quyết định không mở thủ tục phá sản và đình chỉ việc giải quyết vì thuộc trường hợp trả lại đơn yêu cầu. Mặt khác, Luật Phá sản quy định quyết định của Tổ thẩm phán giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành ngay, nên trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị nhưng không được Tòa án chấp nhận thì không có quy định để Viện kiểm sát báo cáo lên Viện kiểm sát cấp trên để kháng nghị đối với vi phạm của Tòa án…

Dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động nên dự kiến các vụ việc phá sản có khả năng gia tăng và phức tạp nên cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy định của Luật Phá sản, xây dựng cơ chế kiểm sát chặt chẽ để bảo đảm tính đúng đắn cho các quyết định giải quyết phá sản của Tòa án. 

 

Luật sư Lại Văn Doãn (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Nhiều vướng mắc khi giải quyết vụ việc về phá sản

Cho tới ngày 18/12/2020, khi Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 199/TANDTC-PC giải đáp một số vướng mắc liên quan tới thủ tục phá sản thì việc chứng minh thế nào là "tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán" là rất khó khăn. Và dựa vào đó, các Tòa án thường đưa ra lý do từ chối thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. 

Nhìn vào tỉ lệ số vụ việc mở thụ tục phá sản đối với doanh nghiệp trên tổng số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động là rất ít. Nguyên nhân một phần cũng do trình độ năng lực của một số người tiến hành thủ tục phá sản (thẩm phán, quản tài viên, chấp hành viên…) còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác giải quyết phá sản doanh nghiệp… 

Rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản đã dừng hoạt động một thời gian hoặc khi có đơn yêu cầu thì Người đại diện của doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản vắng mặt, trốn tránh. 

Trong trường hợp Tòa án đã thụ lý yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bị yêu cầu, nhưng Người đại diện của doanh nghiệp không tới Tòa án làm việc và trốn tránh thì hiện nay với trường hợp này, Tòa án gần như không giải quyết và không có phương án khi doanh nghiệp đóng cửa và người đại diện không hợp tác làm việc. 

Từng tham gia trợ giúp pháp lý cho nhiều khách hàng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Tòa án, chúng tôi đã từng gặp phải tình trạng Thẩm phán được giao giải quyết vụ việc rất thờ ơ, thiếu trách nhiệm khi thụ lý Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. 

Khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, tức là khi đó đã thực hiện tất cả các bước đàm phán, thương lượng, cũng như việc đòi nợ, thanh toán công nợ, nhưng không có kết quả và các Doanh nghiệp này đều đang lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Như vậy, một yêu cầu cấp thiết là Thẩm phán được giao giải quyết những vụ việc này phải gấp rút tiến hành các thủ tục cần thiết theo Luật Phá sản để tránh việc các doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản tẩu tán tài sản. 

Nếu Thẩm phán không quyết định đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời theo pháp luật quy định, thì đó chính là cơ hội để các doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản trong vụ việc có thời gian để tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Điều này vô hình chung đã làm cho việc mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp có nghĩa vụ không còn nhiều ý nghĩa và chỉ có bên yêu cầu mở thủ tục phá sản là chịu thiệt thòi nhưng cũng không biết kêu ai. 


Nhóm PV