Cụ thể, Điều 191, BLHS năm 2015 về “Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”, Điều luật này được tách ra từ Điều 155 của BLHS năm 1999 và được thiết kế gồm 05 khoản: Khoản 1 là cấu thành cơ bản quy định việc xử lý hình sự đối với người tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của BLHS: Thứ nhất, thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít; thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao; pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam; hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng. Thứ hai, hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng. Thứ ba, hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các Điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

leftcenterrightdel
Thuốc lá điếu nhập lậu từ 4.500 bao trở lên là hàng phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn được cụ thể hóa tại khoản 3 Điều 191. 
Ngoài các tình tiết định khung tăng nặng như BLHS năm 1999, khoản 2 Điều luật đã cụ thể hóa tình tiết “Hàng phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc thu lợi bất chính rất lớn” của BLHS năm 1999 bằng các tình tiết: Một là, thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít; thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao; pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam; hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Hai là, hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng và bổ sung thêm tình tiết “Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu”.


Bên cạnh đó, tại Khoản 3 của Điều luật đã cụ thể hóa tình tiết “hàng phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc thu lợi bất chính lớn” bằng tình tiết “Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên”, “Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên”, “Pháo nổ 120 kilôgam trở lên”, “Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên”, “Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên”.

Mặt khác, tại Khoản 4 của Điều luật đã quy định về hình phạt bổ sung. Khoản 5 quy định về việc xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Cụ thể, về hình phạt: Để cá thể hóa hình phạt đối với tội phạm này phù hợp với mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, Điều luật đã tăng mức hình phạt tiền và giảm hình phạt tù ở khoản 1 là “phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” (theo BLHS năm 1999 là từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm); khoản 2 quy định hình phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm; khoản 3 quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm; khoản 4 đã tăng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền lên từ “10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng” (theo BLHS năm 1999 là từ 3.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng).

P.V