Lựa chọn những đơn vị có kết quả công tác chưa đạt để tiến hành thanh tra, kiểm tra trước
Thực hiện phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”, Thanh tra VKSND các cấp chủ động tham mưu Viện trưởng VKSND cấp mình xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 để tổ chức thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao tại Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020.
Công tác thanh tra phải thực chất, hiệu quả. Quá trình thanh tra cần lắng nghe ý kiến giải trình của đơn vị được thanh tra để có đánh giá, kết luận thuyết phục; chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, yếu kém; nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém và những khó khăn, vướng mắc để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, rút kinh nghiệm; làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra thiếu sót, vi phạm (nếu có); đề xuất biện pháp xử lý thấu tình, đạt lý, có sức thuyết phục và nhân văn.
Kết quả công tác thanh tra phải đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo VKSND các cấp. Yêu cầu lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị chủ động thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm; xem xét xử lý kỷ luật công chức, viên chức, người lao động có vi phạm để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Công tác thanh tra theo kế hoạch: Tiếp tục thực hiện phương châm công tác thanh tra theo chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao nhằm đảm bảo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý đều phải được tiến hành thanh tra, kiểm tra; trong đó lựa chọn những đơn vị có kết quả công tác chưa đạt, còn xảy ra hạn chế, thiếu sót hoặc nội bộ đơn vị có dấu hiệu mất đoàn kết để tiến hành thanh tra, kiểm tra trước; bảo đảm thực hiện nghiêm các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, gắn với công tác cải cách tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội và của Ngành. Chỉ tiêu: Thực hiện từ 2 cuộc thanh tra trở lên (trong đó có 1 cuộc thanh tra toàn diện).
|
|
Thanh tra việc thực hiện Quy chế dân chủ tại VKSND huyện Hạ Hoà, Phú Thọ. (Ảnh minh hoạ) |
Công tác thanh tra đột xuất: Tăng cường thanh tra trách nhiệm của lãnh đạo, Kiểm sát viên trong thực thi công vụ. Tăng cường thanh tra đối với đơn vị, địa phương có nhiều hạn chế, yếu kém, đơn vị có dấu hiệu vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, dư luận, báo chí hoặc có đơn thư phản ánh gây bức xúc, kéo dài; có dấu hiệu tham nhũng tiêu cực; có vi phạm trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, vi phạm trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, đặc biệt là vi phạm trong giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ; để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; vi phạm trong hoạt động tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; các vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật bị hủy án... nhằm làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của lãnh đạo, Kiểm sát viên để xảy ra vi phạm.
Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng
Công tác kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ: Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo Chỉ thị số 26 ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp và Chỉ thị số 05 ngày 31/3/2014 của Viện trưởng VKSND tối cao. Trong đó, tăng cường kiểm tra việc thực hiện văn hóa công sở, việc chấp hành chế độ trực nghiệp vụ, việc sử dụng trang phục Ngành, việc chấp hành thời gian làm việc, việc phòng, chống dịch COVID-19...
Chỉ tiêu: Hàng tháng tổng hợp ban hành thông báo kết quả kiểm tra để rút kinh nghiệm chung trong các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của VKSND cấp mình. Giao Thanh tra VKSND tối cao phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng quy định về văn hóa công sở đối với công chức, viên chức, người lao động nhằm siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Ngành.
Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo: Tập trung kiểm tra, xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đại biểu Quốc hội và HĐND chuyển đến, các vụ việc báo chí phản ánh, lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo. Đối với đơn tố cáo nặc danh, mạo danh có nội dung phản ánh về người, vụ việc cụ thể thì xem xét có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất theo dấu hiệu vi phạm.
Thực hiện tốt công tác đối thoại giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại, tránh để đơn thư khiếu nại vượt cấp. Xử lý nghiêm người có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, vụ lợi khi giải quyết công việc đối với người khiếu nại, tố cáo và người có liên quan. Chỉ tiêu: Tỉ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt từ 90% trở lên.
Công tác phòng chống tham nhũng: Tập trung tham mưu quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển CQĐT có thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu phạm tội tham nhũng. Chỉ tiêu: Thực hiện 1 cuộc kiểm tra trở lên.
Công tác theo dõi, kiểm tra sau thanh tra: Thanh tra VKSND các cấp phải tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, kết luận nội dung tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ do cấp mình ban hành hoặc do cấp trên chuyển đến; đảm bảo các kết luận, quyết định được thực hiện nghiêm, đúng quy định.
Chỉ tiêu: Thực hiện kiểm tra ít nhất 50% các kết luận thanh tra, kết luận nội dung tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ của cấp mình đã ban hành trong năm 2020.