VKSND tối cao (Vụ 12) vừa ban hành Hướng dẫn số 25 /HD-VKSTC về công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2024.

Về nhiệm vụ trọng tâm, Hướng dẫn nêu rõ, Viện trưởng Viện kiểm sát (VKS) các cấp tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Quốc hội, Chỉ thị chuyên đề và Chỉ thị công tác năm 2024 của Viện trưởng VKSND tối cao; quy định tại các Thông tư liên tịch và các quy chế, quy định, quy trình của Ngành về công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; phải xác định thực hiện tốt các công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành Kiểm sát nhân dân, được Quốc hội và các cơ quan Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó, Viện trưởng VKS các cấp khẩn trương chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất các yêu cầu của Kế hoạch số 46/KH-VKSTC ngày 16/3/2023 của VKSND tối cao về “Thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 7/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; đặc biệt lưu ý đề ra các giải pháp, biện pháp triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực tố tụng của TAND các cấp.

leftcenterrightdel
 VKS luôn quan tâm, chú trọng công tác tiếp công dân. (Ảnh minh hoạ)

Viện trưởng VKS các cấp tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân; chú trọng đối thoại với công dân để giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc khiếu kiện đông người, phát sinh “điểm nóng” hoặc tiếp tục khiếu kiện không có căn cứ, gây mất trật tự an toàn xã hội; tăng cường quản lý, đôn đốc chặt chẽ, bảo đảm tiến độ, chất lượng việc giải quyết các đơn do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí chuyển đến VKS.

Tăng cường phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý theo quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; đồng thời, tiến hành kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị, kháng nghị của VKS đã ban hành trong năm 2023, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Mặt khác, VKS các cấp tăng cường phối hợp với liên ngành tư pháp địa phương xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo, đề xuất cấp ủy địa phương ban hành Chỉ thị về công tác này.

Để có cơ sở đề nghị xây dựng Quy chế phối hợp giữa hai ngành Tòa án và VKS địa phương, bên cạnh thực tiễn phối hợp, VKS các cấp cần quan tâm nghiên cứu và thống nhất với TAND cùng cấp triển khai thực hiện điểm h Mục 1 Chỉ thị số 03/2022/CT-TA ngày 6/12/2022 của Chánh án TAND tối cao về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TAND. Đối với các VKS địa phương đã xây dựng Quy chế phối hợp thì tiến hành rà soát, sơ kết, tổng kết để kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định còn bất cập để tạo cơ chế thuận lợi nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan phối hợp.

Ngoài ra, VKS các cấp cần quan tâm, bố trí cán bộ, Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm thực hiện công tác phân loại, xử lý đơn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

P.V