Tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội

VKSND tối cao vừa ban hành hướng dẫn Viện kiểm sát (VKS) cấp dưới triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy năm 2024.

Theo Hướng dẫn, đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài cần phải yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, VKS chủ động yêu cầu CQĐT thực hiện ngay quy trình, thủ tục yêu cầu tương trợ tư pháp theo quy định để có thể nhận được kết quả tương trợ (hồi đáp) trong thời hạn điều tra luật định. Nếu gặp khó khăn, vướng mắc cần liên hệ ngay với Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13), VKSND tối cao để được hướng dẫn hoặc trợ giúp. Trong trường hợp sắp hết thời hạn điều tra vụ án nhưng vẫn chưa có kết quả tương trợ tư pháp về hình sự, VKS chủ động phối hợp với liên ngành tố tụng tại địa phương họp bàn, thống nhất hướng xử lý phù hợp.

Kiểm sát viên tham gia cùng Điều tra viên hỏi cung bị can hoặc trực tiếp hỏi cung bị can ít nhất một lần trên một bị can; đặc biệt lưu ý trường hợp bị can có đơn khiếu nại, kêu oan hoặc tố cáo Điều tra viên vi phạm pháp luật, thiếu khách quan trong hoạt động điều tra thu thập chứng cứ hoặc bị can có lúc nhận tội, có lúc không nhận tội. Tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội. Kiểm sát chặt chẽ mọi hoạt động tố tụng, đảm bảo bị can được hưởng đầy đủ các quyền được quy định tại khoản 2 Điều 60 BLTTHS. Trước khi vụ án kết thúc điều tra, Điều tra viên và Kiểm sát viên phối hợp đánh giá tài liệu, chứng cứ đã thu thập có trong hồ sơ, kịp thời phát hiện các vi phạm, thiếu sót để khắc phục, tránh để chuyển hồ sơ sang VKS mới phát hiện vi phạm, thiếu sót phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung (quy định tại khoản 2 Điều 11 của Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017).

Giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên tiếp tục nghiên cứu hồ sơ, thực hiện trích cứu hồ sơ, số hóa hồ sơ (nếu điều kiện cho phép), xây dựng báo cáo tổng hợp, đánh giá phân tích các chứng cứ buộc tội, gỡ tội; tiến hành phúc cung, chú ý các trường hợp bị can không nhận tội, thay đổi lời khai hoặc lời khai vẫn còn mâu thuẫn mà chưa được làm rõ; nếu vụ án có người bào chữa thì chủ động để họ tham dự hoạt động hỏi cung; tổng hợp xây dựng báo cáo đề xuất, dự thảo cáo trạng; quyết định truy tố phải bảo đảm đúng người, đúng tội và đúng quy định pháp luật.

VKS các cấp thực hiện đầy đủ các quy định về quy trình, thủ tục và kỹ năng nghiệp vụ trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về ma túy, chủ động trong xét hỏi, tranh luận với người bào chữa và bị cáo; tham gia tranh tụng đến cùng nhằm bảo vệ quan điểm truy tố trong cáo trạng. Quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có thể triệu tập người giám định, người định giá tài sản, Điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ những vấn đề liên quan, Kiểm sát viên phải chủ động phối hợp với Điều tra viên để chuẩn bị nội dung cần cung cấp cho tòa.

leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án ma tuý. (Ảnh minh hoạ)

VKS các cấp kịp thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động điều tra, xét xử, bào chữa, phiên dịch, giám định tư pháp, xác minh thu giữ và xử lý tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc có liên quan đến tội phạm,... để ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục. Đồng thời, chú ý phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước đối với chất ma túy, tiền chất để kịp thời ban hành kiến nghị xử lý và phòng ngừa vi phạm.

Công tác thụ lý giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo cần chú ý những đơn, thư khiếu nại liên quan đến việc giám định khối lượng, hàm lượng, chất ma túy, về sử dụng các biện pháp nghiệp vụ khác, ...; trường hợp cần thiết phải có văn bản tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn trước khi trả lời. Đối với những đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Thư ký nếu có dấu hiệu của tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì phải chuyển đến Cơ quan điều tra của VKSND tối cao để xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Tăng cường công tác phối hợp

Trong công tác phối hợp, khi được thông báo, VKS cấp dưới cần chủ động phối hợp với VKS cấp trên để giải quyết các vụ án do VKS cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra theo quy định tại đoạn 3 khoản 1 Điều 239 BLTTHS; giữ mối liên hệ chặt chẽ với VKS cấp trên xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án.

Đối với các vụ án VKS cấp dưới thụ lý, giải quyết nhưng hết thẩm quyền gia hạn thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam bị can phải đề nghị VKS cấp trên quyết định gia hạn điều tra và gia hạn tạm giam. VKS cấp dưới phải có đủ thủ tục (kèm theo hồ sơ vụ án) tại VKS cấp trên trước thời điểm hết hạn ít nhất là 10 ngày.

VKS cấp tỉnh phối hợp với VKSND tối cao (Vụ 4) thực hiện chuyên đề nghiệp vụ “Án tạm đình chỉ” và “Án trả hồ sơ để điều tra bổ sung". Tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo phục vụ sơ kết, tổng kết toàn Ngành và báo cáo phục vụ xây dựng Báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các kỳ họp Quốc hội. Riêng chuyên đề “Án tạm đình chỉ”, các VKS địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 9/11/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao; chủ động phối hợp với CQĐT, Tòa án cùng cấp thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều của BLTTHS về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, Thông tư liên tịch số 01/2021 quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh theo điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229, điểm d khoản 1 Điều 247 BLTTHS và các hướng dẫn của cấp trên. Định kỳ rà soát, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc, vụ án hình sự tạm đình chỉ điều tra, không để xảy ra oan, sai và bỏ lọt tội phạm.

Các VKS địa phương phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm ma túy và Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy (26/6) năm 2024 của Ban chỉ đạo 138 ngành KSND và chính quyền địa phương. Tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo phân tích, đánh giá diễn biến tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy trên địa bàn, dự báo xu hướng thời gian tiếp theo.

Thực tiễn xử lý các vụ án, vụ việc có liên quan đến ma túy cho thấy BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bộc lộ một số điểm chưa sát với thực tế hoặc tại một số điều luật còn có những cách hiểu khác nhau, trong khi cơ quan có thẩm quyền chưa có văn bản giải thích hoặc hướng dẫn thì VKS các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, trao đổi để có đồng thuận hoặc thu hẹp sự khác biệt về nhận thức pháp luật giúp cho việc giải quyết vụ án, vụ việc được thuận lợi.

P.V