Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo Kết luận số 238/TB-TTCP kết luận thanh tra (Thời kỳ từ 1/1/2010 đến đến 31/12/2017) việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam; Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam.

Đối với Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Thông báo Kết luận nêu rõ: Tổng công ty còn để diện tích đất bị lấn chiếm, chưa thu hồi là hơn 7.396 ha, việc lấn chiếm chủ yếu xảy ra vào giai đoạn từ năm 2005 về trước (những năm sau cơ bản đã khống chế được tình trạng lấn chiếm).

Trong đó, có nguyên nhân là do những năm trước đây, các lâm trường quốc doanh được giao đất lâm nghiệp nhưng để đất trống nhiều năm, không đưa vào sử dụng… cho nên bị hộ dân lấn, chiếm; đất lâm nghiệp trước đây chưa được đo đạc, cắm mốc và chưa có bản đồ địa chính, không có hồ sơ ranh giới cụ thể cho nên khi bị lấn chiếm, không có đầy đủ hồ sơ pháp lý để xử lý dứt điểm, dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai xảy ra trong thời gian dài, không được xử lý triệt để…

Về việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo Quyết định số 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ: Tổng công ty Lâm nghiệp được giao quản lý, sử dụng 83 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất là hơn 55 ha đất. Đến nay mới trình các cơ quan chức năng phê duyệt xử lý, sắp xếp 7 cơ sở (diện tích khoảng 5 ha đất); còn 76 cơ sở (khoảng hơn 50 ha đất) chưa được xử lý, sắp xếp theo quy định.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - VINAFOR.

Công ty Vinafor Vinh, Vinafor Sài Gòn để nhà xưởng, văn phòng xuống cấp, sử dụng lâu năm và hết khấu hao nhưng chưa có phương án đầu tư mới để khai thác, sử dụng có hiệu quả diện tích đất đai đã được giao, thuê.

Giám đốc Lâm trường Tân Lạc ký Hợp đồng giao khoán 150 ha đất nông nghiệp với Trung tâm ứng dụng KHKT lâm nghiệp thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp, tuy nhiên khi Nghị định số 135 có hiệu lực thì đơn vị nhận giao khoán không thuộc đối tượng được giao khoán đất nông nghiệp, cần phải được rà soát để thanh lý hợp đồng, thu hồi đất, đảm bảo theo đúng quy định.

Từ những vi phạm, khuyết điểm nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Tổng công ty Lâm nghiệp chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những khuyết điểm, vi phạm được nêu tại Kết luận thanh tra.

Trong đó, Tổng công ty cần kiểm tra, rà soát đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, chuyển nhượng dự án... theo thẩm quyền xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ động, phối hợp, đề xuất với UBND các tỉnh, thành phố xử lý, giải quyết dứt điểm diện tích đất bị lấn chiếm, tranh chấp và diện tích đất chồng lấn để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Cung cấp hồ sơ, tài liệu để cơ quan chức năng điều tra, xử lý vi phạm đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, sử dụng đất sai quy định tại 67 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Lập hồ sơ, trình các cơ quan chức năng thực hiện việc sắp xếp, xử lý tài sản công đối với 76 cơ sở nhà đất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật...

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thành viên, người đại diện phần vốn của Tổng công ty gồm: Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình, Công ty Lâm nghiệp Đình Lập, Công ty Lâm nghiệp Hoà Bình... đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

P.V