Nhắc đến Kiểm sát viên Phan Thị Tình, anh chị em đồng nghiệp của bộ phận dân sự thường gọi đùa chị là “cây cổ thụ”. Biệt hiệu đó chính là ghi nhận sự bền bỉ, kiên trì và hơn hết là tình yêu, thái độ trân trọng, nghiêm túc với công việc mà chị đã lựa chọn và cống hiến. Với nhiều bạn trẻ bây giờ, “nhảy việc”, “chán việc” là tình trạng không hiếm, ít người gắn bó với lĩnh vực án dân sự, vì nó vốn được nhiều người trong nghề cho rằng phạm vi áp dụng rộng, là lĩnh vực khó và khô khan… Người đến, người đi, có người rời khỏi ngành để lựa chọn công việc khác với mức lương ưu đãi hấp dẫn, chỉ có chị, dù được chào mời nhiều lần, vẫn khăng khăng gắn bó với màu áo thiên thanh – biểu tượng của ngành Kiểm sát.

leftcenterrightdel
Tập thể cán bộ, Kiểm sát viên VKSND quận Nam Từ Liêm. 

Nói đến duyên với nghề, chị cho biết, thời đi học, chị chỉ nghĩ, có lẽ mình sẽ phấn đấu thành một luật sư giỏi hoặc một thẩm phán xuất sắc. Thế nhưng, sau khi ra trường, cơ duyên khiến chị gắn bó với Viện kiểm sát và “nghề chọn người” đã giữ chân chị với bộ phận dân sự đến tận bây giờ. Chị Tình từng nói vui với đồng nghiệp: “cái gì cũng có thể từ bỏ, chứ công việc thì không”. Vậy nên, hồ sơ lớn, hồ sơ nhỏ của bộ phận dân sự hiện nay, hồ sơ nào đến tay, chị cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ… Phó Viện trưởng phụ trách bộ phận dân sự mỗi khi trả báo cáo cho chị cũng nói vui: “Phát quà cho các chị em này, nhận quà đừng có mừng phát khóc”.

Đồng nghiệp bộ phận dân sự  được thể: “Quà của anh mỗi chị Tình thích, đề nghị anh cứ tiếp tục phát quà thường xuyên cho chị ấy…”. Ở VKSND cấp huyện do không có cấp phòng, nhưng vì quá yêu quý nên chị thường xuyên được chị em trong phòng phong cho là “Trưởng phòng” – chức danh không có thật nhưng chị vẫn xứng đáng với vai trò “chị cả” của các em trong bộ phận này. Bên cạnh đó, chị rất nhiệt tình hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” đối với những sinh viên thực tập hay cán bộ trẻ mới vào Ngành. 

Nhớ lại những ngày đầu mới vào Ngành, thay vì đề cập đến những khó khăn mà chị phải đối mặt, Kiểm sát viên Phan Thị Tình lại nhắc tới những cô, chú, anh chị đồng nghiệp đã hướng dẫn, cùng chị trải qua những thăng trầm của nghề kiểm sát. Khác với án hình sự, vụ, việc dân sự, lao động, kinh doanh thương mại… phụ thuộc rất nhiều vào đương sự, nếu đương sự không hợp tác hoặc có những yêu cầu trái khoáy, luôn khiến Kiểm sát viên gặp khó khăn trong quá trình giải quyết vụ, việc. Thế nhưng, vốn bản tính dí dỏm, Kiểm sát viên Phan Thị Tình cho biết, phiên tòa dân sự không giống phiên tòa hình sự, đương sự ra tòa thường có mâu thuẫn, tranh chấp về quyền, lợi ích giữa các bên, nên việc “so găng”, “đấu lý” là chuyện hết sức bình thường.

Vì vậy, với Kiểm sát viên tại các phiên tòa, ngoài bản lĩnh, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn còn cần sức khỏe để…chạy thoát thân, nếu không muốn thành bị hại “bất đắc dĩ”. “Kiểm sát viên, đặc biệt là Kiểm sát viên cấp huyện, đôi khi được xem là nghề nguy hiểm”, chị Phan Thị Tình chia sẻ. Theo Kiểm sát viên Phan Thị Tình,  nếu quan điểm không phù hợp với quyền lợi của bất kỳ bên nào, dù là đúng quy định pháp luật, đều bị bên đó xem là nguyên nhân của việc họ thua kiện tại Tòa. Vì thế, kết thúc một phiên xử, người tiến hành tố tụng ra về an toàn là tình huống không ngoại lệ được các Kiểm sát viên bộ phận dân sự từng tính đến. 

leftcenterrightdel
Lãnh đạo và nữ Kiểm sát viên VKSND quận Nam Từ Liêm trong dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam. 

Với diện tích 32000 km2, trải dài trên 10 phường, 32 vạn dân, Nam Từ Liêm được coi là một trong những địa bàn rộng, mật độ dân cư đông đúc, chính quyền quận Nam Từ Liêm được thành lập mới trên cơ sở tách từ huyện Từ Liêm của TP Hà Nội trước đây. Địa bàn hẹp hơn so với địa bàn cũ không đồng nghĩa với việc các Kiểm sát viên của VKSND quận Nam Từ Liêm cũng như Kiểm sát viên của bộ phận dân sự bớt việc. Tình trạng cán bộ, Kiểm sát viên ở đây làm việc đến 7 – 8 giờ tối là chuyện thường, với Kiểm sát viên Phan Thị Tình, 15 năm nay chị đi sớm, về muộn, nhưng may mắn chị luôn được gia đình, chồng con sẻ chia, cảm thông.

Có thời điểm, bộ phận dân sự chỉ có 2 Kiểm sát viên, 2 chuyên viên, nhưng lượng án và việc dân sự mà bộ phận tiếp nhận, xử lý luôn gấp hàng chục lần số lượng cán bộ ở đây. Trong khi đó, ở cấp huyện, ngoài án dân sự, việc dân sự, các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên luôn phải tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cũng như tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự do khối lượng tố giác, tin báo về tội phạm và án hình sự quá lớn so với số cán bộ nơi đây.

Vậy nên, Kiểm sát viên ở đây được đặt biệt danh “siêu Kiểm sát viên” và  chị Phan Thị Tình được mệnh danh là “siêu Kiểm sát viên số 1 của bộ phận dân sự”, bởi án, việc dân sự của cả quận hiện nay chủ yếu do 2 Kiểm sát viên trụ cột đảm nhiệm, ½ lượng án, việc dân sự sẽ được phân công cho chị. Nhiều người vẫn nghĩ dân sự là lĩnh vực nhẹ nhàng, đơn giản, ít áp lực, nhưng ai đã trực tiếp làm mới thấu hiểu, dân sự là lĩnh vực vô cùng rộng, bao trùm lên toàn bộ các lĩnh vực kinh doanh, thương mại, lao động, hôn nhân gia đình…

Không thể phủ nhận, để có được một Kiểm sát viên giỏi trong lĩnh vực dân sự khó hơn rất nhiều việc đào tạo một Kiểm sát viên giỏi trong lĩnh vực hình sự. Với chị Tình, cả hai lĩnh vực dân sự và hình sự đều được chị xử lý rất nhịp nhàng. Cố gắng của cá nhân chị, của anh chị em bộ phận dân sự trong những năm qua đã góp phần củng cố, khẳng định vai trò của VKSND trong lĩnh vực dân sự. Thực tế là, quan điểm của chị trong mỗi vụ, việc dân sự luôn được các Thẩm phán quan tâm, cân nhắc trước khi quyết định, tuyên án. Với lượng án, việc dân sự của quận Nam Từ Liêm hiện nay so với tương quan nhân sự của bộ phận dân sự tại VKSND quận Nam Từ Liêm, có thể nói là quá tải, đồng nghĩa với việc Kiểm sát viên phải luôn căng mình làm việc.

Là một trong hai Kiểm sát viên chính của bộ phận dân sự, chị Phan Thị Tình đã “quên ốm” trong suốt nhiều năm nay, mà bản thân chị cũng không để tâm đến điều đó, cho đến khi đồng nghiệp thống kê, nhiều năm nay, chị Tình đi làm cả thứ 7, chủ nhật, không kể những ngày trực theo quy định. Có thể nói, nhiều năm nay, việc duy trì, phát huy hiệu quả công tác của bộ phận dân sự VKSND quận Nam Từ Liêm có phần đóng góp không nhỏ của chị Tình và các đồng nghiệp. Vất vả là thế, cũng ít người biết đến, nhưng có chị truyền cảm hứng, căn phòng nhỏ ở tầng 3 trụ sở VKSND quận chưa bao giờ ngớt tiếng cười, niềm vui đong đầy trong mắt những con người nơi đây. 

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Phan Thị Tình miệt mài bên những trang hồ sơ án. 

Nhiệt tình, kiên nhẫn, chị còn thường xuyên được giao nhiệm vụ đào tạo, hướng dẫn những sinh viên thực tập, Kiểm sát viên về thực tế với quan niệm “thầy giỏi ắt có trò hay”, đến giờ phút này, rất nhiều đàn em, được chị trang bị những kiến thức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, những người được chị hướng dẫn sẽ có chung những đặc điểm: chăm chỉ, làm việc có phương pháp, nghiêm túc và chắc chắn về nghiệp vụ. 

15 năm trong nghề, bên cạnh những kỷ niệm vui, là những tháng ngày khó quên với Kiểm sát viên Phan Thị Tình, chị nhớ từng vụ án mà mình trực tiếp tham gia, từ những vụ đơn giản ngày đầu cho đến những vụ phức tạp với hàng ngàn bút lục. Có những lúc câu chuyện giữa chúng tôi trầm xuống khi chị nhắc đến một bé gái là con của một nữ bị can trong vụ án chị từng thụ lý. Trong ký ức của chị, đó là điều chị vô cùng day dứt, vì hoàn cảnh của bị can rất đáng thương, nhưng ở cương vị của một Kiểm sát viên, chị không có lý do và cũng không có căn cứ để không truy tố bị can đó, điều duy nhất chị có thể làm là động viên bị can, thông báo với bị can về tình hình của con gái bị can khi vào phúc cung trước khi ban hành và tống đạt cáo trạng…

Ngày xét xử, chị suýt khóc khi nghĩ đến cô bé trong lúc luận tội bị cáo đó. Càng nuối tiếc hơn, khi chị được tin, vài năm sau đó, bị cáo đã mất mà không kịp chứng kiến con gái mình trưởng thành… Tâm sự của chị khiến tôi hiểu thêm về con người chị, bản lĩnh nhưng đầy nhân hậu, công tâm và khách quan.., những phẩm chất ấy luôn là tiêu chí cơ bản được đặt ra khi xây dựng hình ảnh Kiểm sát viên, cũng là điểm nhớ để mọi người yêu quý và trân trọng chị. 

Xuân, hạ, thu, đông… vòng quay lặp đi lặp lại suốt nhiều năm giống như hành trình của chị từ nhà đến cơ quan, lên tầng 3, mở cửa phòng làm việc, ngồi vào góc nhỏ, lật hồ sơ, đọc và nghiên cứu. Và rất nhiều câu chuyện, nhiều cảnh đời nữa sẽ mở ra…

Kết bài, xin trích lời của một đồng nghiệp cùng đơn vị đã cảm nhận về chị Phan Thị Tình: “Tình cờ, góc bàn làm việc của tôi lại gần như đối diện với bàn làm việc của chị, đôi khi ngẩng lên, tôi lại thấy chị đang cặm cụi đọc hồ sơ, thi thoảng quay sang trao đổi cùng đồng nghiệp, dường như không biết, ánh nắng đang nhuộm vàng góc bàn làm việc của chị…Chìm trong khoảng nắng ấy, tôi như gặp được cô gái với ánh mắt ngây thơ ngày nào trong câu chuyện của chị, còn chị vẫn miệt mài bên chồng hồ sơ, quên cả thời gian…”

Đồng chí Đỗ Hoàng Tân, Phó Viện trưởng VKSND quận Nam Từ Liên nhận xét: 

Kiểm sát viên Phan Thị Tình là một người giàu kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, nhiệt tình trong công việc. Có thể nói, Phan Thị Tình là một Kiểm sát viên “cứng” trong bộ phận dân sự của đơn vị tới thời điểm hiện nay. Trong công việc cũng như cuộc sông, Tình luôn hòa đồng, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, hợp tác với anh chị em, đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chung.

Khánh Anh