Ký ức tôi còn in đậm những hình ảnh thân thương về người ấy. Đó là đồng chí Trần Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng VKSND tối cao (thời kỳ 1987 - 1992), một lão thành cách mạng, được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1988, Huân chương Sao vàng năm 2007.

Tôi còn nhớ, đồng chí Trần Quyết được Đảng, Nhà nước phân công giữ chức vụ Viện trưởng VKSND tối cao đúng vào thời kỳ đầu của sự nghiệp đổi mới đầy dũng cảm và sáng tạo do Đảng ta khởi xướng và tổ chức thực hiện. Nhiều người chắc còn nhớ, đây cũng là thời kỳ pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân có nhiều thay đổi cho phù hợp với tình hình của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Một trong những thay đổi đó là Cơ quan điều tra của ngành Kiểm sát được tổ chức tại các cấp: VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh/thành và Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương.

leftcenterrightdel
Đồng chí Trần Quyết, Viện trưởng VKSND tối cao cùng Đoàn đại biểu VKSND tối cao        thăm và làm việc tại Liên Xô. Ảnh: Tư liệu 

Mùa xuân năm 1989. Một buổi sáng, tôi vừa đạp xe đến cơ quan bắt đầu ngày làm việc thì được đồng chí Lê Mai, Vụ trưởng Vụ 2C gọi lên phòng bảo chuẩn bị sổ sách lên họp nhận nhiệm vụ tại phòng Viện trưởng Trần Quyết. Tôi thấy rất bất ngờ, không đoán định được công việc cấp trên sắp giao cho mình là gì. Đã hơn một năm trôi qua, kể từ khi được dự họp báo cáo Viện trưởng Trần Quyết về vụ án Tạ Đình Đề, hôm nay mới được chuẩn bị gặp lại ông. Có một chút gì đó hồi hộp đối với tôi.

Bước vào phòng họp, lướt mắt nhìn tôi thấy có mặt nhiều người. Đó là   đồng chí Nguyễn Thế Đồng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, các đồng chí ở Vụ 2C như: Lê Mai - Vụ trưởng, Trần Chí Thiện - Phó Vụ trưởng, Trần Ân - Kiểm sát viên và Nguyễn Duy Yên thuộc Cục Điều tra… Sau khi mọi người ngồi ngay ngắn vào ghế, đồng chí Trần Quyết phát biểu:

-Thưa các đồng chí. Hiện nay, tại tỉnh Đồng Nai đang xảy ra vụ án tham nhũng rất nghiêm trọng liên quan đến một số cán bộ của ngành Công an, do Tỉnh ủy quản lý. Theo đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, để bảo đảm khách quan, Ban Bí thư Trung ương đã quyết định giao cho Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát điều tra vụ án này. Tôi nhắc lại, đây là một vụ án rất nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trong nội bộ cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai nên Ban chuyên án đặt dưới sự chỉ đạo chung của Thường trực Cấp ủy Đồng Nai và sự chỉ đạo trực tiếp của Viện trưởng VKSND tối cao. Hiện nay, Cơ quan điều tra VKSND tỉnh Đồng Nai đang tiến hành các bước nghiệp vụ ban đầu. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát tỉnh Đồng Nai hiện thiếu nhân lực và còn hạn chế về kinh nghiệm. Cho nên, VKSND tối cao quyết định điều động, tăng cường, biệt phái một số đồng chí vào cùng anh em của tỉnh Đồng Nai thực hiện nhiệm vụ này. Để tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật, Viện trưởng VKSND tối cao đã quyết định bổ nhiệm các đồng chí làm Điều tra viên cao cấp và giao cho đồng chí Nguyễn Thế Đồng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trực tiếp chỉ đạo. 

Con tim tôi bỗng rộn ràng khi nghe Viện trưởng nói. Thú thật, lúc đầu tôi cảm thấy vui mừng và vinh dự khi được bổ nhiệm làm Điều tra viên cao cấp, nhưng sau đó cảm thấy lo lắng nhiều vì đối tượng phạm tội là những người có kinh nghiệm trong việc che giấu tội phạm. Tôi nghĩ, bản thân mình cũng như các đồng chí ở Vụ 2C và VKSND tỉnh Đồng Nai chưa có nhiều kinh nghiệm về nghiệp vụ điều tra nên chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn… Nhưng như người lính ra trận, chúng tôi hào hứng nhận nhiệm vụ. Sau cuộc họp ngắn gọn, anh em chúng tôi đi tàu hỏa vào Đồng Nai ngay. 
Ban chuyên án do đồng chí Đỗ Quang Minh, Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai làm Trưởng ban tổ chức cuộc họp. Qua đây, tôi mới biết, trong xử lý vụ án này có nhiều Điều tra viên của VKSND tỉnh và có trưng tập một số Điều tra viên của Công an tỉnh Đồng Nai làm nhiệm vụ. Nghe báo cáo, tôi nhận ra đây là vụ án tham ô vàng liên quan đến vụ án Mười Vân trước đây. Tôi và đồng chí Hoàng Vinh, Điều tra viên của Công an tỉnh Đồng Nai được phân công điều tra về  hành vi phạm tội của ông Bùi Đình Kiểm, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.

Vào sáng thứ 7 hàng tuần, Ban chuyên án họp nghe các mũi, các tổ báo cáo kết quả điều tra xác minh. Tuần nào tôi cũng thấy đồng chí Viện trưởng Trần Quyết có mặt. Trong các buổi dự họp, Viện trưởng hết sức chú ý lắng nghe anh em báo cáo, ông đặt ra các câu hỏi cụ thể về những tài liệu đã thu thập được. Qua đó, ông đã đưa ra nhiều ý kiến chỉ đạo công tác điều tra rất rành mạch, cụ thể, rõ ràng. Nghe đồng chí Trần Quyết phát biểu, tôi cảm thấy yên tâm hơn. Như niềm tin của người lính sắp ra trận được người chỉ huy tài ba truyền vào. Có lẽ nhờ vậy mà cảm hứng làm việc của chúng tôi được nâng lên. Sau gần một năm điều tra, vụ án này (gọi là vụ N2 Đồng Nai) được kết thúc. Chúng ta đã thu được hơn 2.000 lượng vàng và nhiều tài sản bất minh của các bị can nộp cho Nhà nước. VKSND tỉnh Đồng Nai đã quyết định truy tố và TAND tỉnh Đồng Nai đã xét xử nhiều bị cáo với nhiều hành vi phạm tội. Các bị cáo nhận những mức hình phạt rất nghiêm khắc từ phán quyết của Tòa án.

Riêng tôi, những ngày tham gia điều tra vụ án N2 Đồng Nai đã để lại những kỷ niệm không quên. Đến hôm nay, tôi vẫn nhớ như in cảm giác của mình khi dự buổi họp giao ban, khi được phân công báo cáo kết quả điều tra, xác minh hành vi của ông Bùi Đình Kiểm, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Sau khi nghe chúng tôi báo cáo, các đồng chí lãnh đạo Ban chuyên án nhất trí rất cao là có căn cứ khởi tố, bắt tạm giam, khám xét đối với ông Bùi Đình Kiểm. Tuy nhiên, với tinh thần thận trọng, Viện trưởng Trần Quyết đề nghị đưa cho ông một số tài liệu để nghiên cứu thêm và hẹn  hôm sau đồng chí muốn đích thân nghe lại toàn bộ những căn cứ, tài liệu trước khi ra quyết định khởi tố, bắt giam, khám xét. Nghe vậy, tôi cảm thấy hơi lo vì không biết Viện trưởng sẽ quyết định như thế nào, nhưng sau đó, tôi lại thấy yên tâm vì có ý kiến của Viện trưởng sẽ bảo đảm tính chính xác. Hôm sau, Viện trưởng hỏi chúng tôi một số vấn đề, sau khi nghe tôi và anh em báo cáo, đồng chí Trần Quyết có ý kiến: 

-Theo các đồng chí báo cáo, ông Bùi Đình Kiểm đã nộp đủ số lượng vàng vào ngân hàng. Nhưng tại sao, căn cứ vào biên bản giao nhận thì đủ số lượng nhưng lại thiếu thỏi vàng 1 kg? Cho nên phải làm rõ, tại sao khi ngân hàng nhận vàng thì đủ số lượng nhưng lại không có thỏi vàng 1 kg. Còn đối với cán bộ đưa vàng đi nộp cho ngân hàng cũng phải hỏi kỹ tại sao số vàng nộp đủ nhưng lại thiếu thỏi 1 kg... Với những tình tiết còn mâu thuẫn này nên chúng ta chưa thể kết luận ông Kiểm phạm tội tham ô hoặc thiếu trách nhiệm. Tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục xác minh tại ngân hàng và hỏi kỹ ông Kiểm về mâu thuẫn trên. Sau đó tôi sẽ nghe lại mới quyết định được. 

Nghe kết luận vậy, tôi cảm thấy Viện trưởng đặc biệt quan tâm đến công tác điều tra, thu thập chứng cứ để kết luận hành vi vi phạm pháp luật của một con người. Từ đó rút ra cho mình phương pháp điều tra, quan điểm đánh giá chứng cứ… rất đáng phải rút kinh nghiệm trong quá trình đánh án. 

Cũng trong buổi giao ban hôm đó, đồng chí Trần Quyết kể lại câu chuyện: ...Khi xây dựng quy định về thành lập Cơ quan điều tra của VKS từ cấp tỉnh trở lên, có ý kiến đặt câu hỏi: “Những vụ án do Cơ quan điều tra của ngành Công an điều tra thì có VKS làm nhiệm vụ giám sát. Vậy Cơ quan điều tra của ngành Kiểm sát tiến hành điều tra thì ai làm nhiệm vụ giám sát quá trình điều tra này?”. Tôi có trả lời: VKSND tối cao sẽ thành lập đơn vị chuyên trách theo dõi, giám sát hoạt động của Cơ quan điều tra ngành Kiểm sát. Nói đến đây, đồng chí Viện trưởng nhìn chúng tôi, nhấn mạnh: Kể lại câu chuyện trên để nhắc các đồng chí, Cơ quan điều tra VKS tiến hành điều tra thì càng phải thận trọng, khách quan, không được để lọt tội nhưng cũng không được làm oan người vô tội. Có như vậy mới tạo niềm tin trước Đảng và nhân dân đối với ngành Kiểm sát nói chung và Cơ quan điều tra VKSND nói riêng...

Mấy hôm sau đó, anh em chúng tôi đến ngân hàng xem lại sổ sách ngày ông Bùi Đình Kiểm nhập vàng. Tất cả tài liệu cũng chỉ khẳng định số lượng vàng nhập hôm đó là đủ về số lượng nhưng so với số ghi trên sổ sách của ông Kiểm không thấy thỏi vàng 1 kg. Hỏi kỹ các nhân viên ngân hàng thì họ nói, thời gian xảy ra quá lâu (trên 10 năm) nên bây giờ không ai lý giải được.

Anh em lại về nhà ông Bùi Đình Kiểm. Khi biết chúng tôi đến xác minh thỏi vàng 1 kg thì nét mặt ông ta biến sắc. Ông Kiểm đưa mắt nhìn chúng tôi:

-Việc này tôi đã giải trình rất nhiều với các đoàn của Trung ương và tỉnh. Thỏi vàng 1 kg khi đưa nộp là có nhưng sổ sách của ngân hàng không thấy ghi thì tôi chẳng biết lý giải sao đây. Nhưng tôi khẳng định, số vàng nhập vào ngân hàng là đủ. Hôm nay các đồng chí về xác minh, tôi cũng xin trả lời như thế, tùy các cơ quan pháp luật kết luận. Tôi vẫn khẳng định mình rất vô tư và không bao giờ tham ô thỏi vàng 1 kg trên đây. Tôi cảm thấy mệt mỏi lắm rồi. 

Nói đến đây, nước mắt ông ứa ra rồi từng giọt chảy xuống, nhạt nhòa tan trên má. Tôi và Hoàng Vinh cố gắng giải thích cho ông Bùi Đình Kiểm về mục đích chuyến đi công tác lần này. Sau một hồi tìm kiếm, nghiên cứu sổ sách mà ông đang còn lưu giữ thì phát hiện những dòng chữ của ông Bùi Đình Kiểm còn ghi rõ: “Khi đưa nộp ngân hàng, có một thỏi vàng 1 kg, trong lúc đó ngân hàng lại không có loại cân vàng 1 kg nên thỏi vàng đó phải chặt làm đôi”. 

Thế là đã rõ. Trong cuộc họp Ban chuyên án sau đó, chúng tôi báo cáo tình tiết ngoại phạm của ông Bùi Đình Kiểm, đồng chí Trần Quyết cười sảng khoái:

-Bây giờ tôi mới có điều kiện nói với các đồng chí chuyện này. Tôi rất hiểu đồng chí Bùi Đình Kiểm. Đây là một cán bộ rất liêm khiết, được anh em kính trọng. Kết quả điều tra càng khẳng định lòng tin của tôi là đúng. Nhưng qua đây chúng ta cần rút kinh nghiệm, điều tra thu thập chứng cứ để kết luận một con người phạm tội hay không là việc làm vô cùng quan trọng. Làm nghề kiểm sát, điều tra, xét xử càng phải thận trọng. Chúng ta phấn đấu không để lọt kẻ phạm tội nhưng không được gây oan cho bất cứ người dân vô tội nào. 

Nghe đồng chí Trần Quyết phát biểu, tôi cảm thấy thấm thía hơn về trách nhiệm, bản lĩnh của người thực thi công lý. Sau này, những ý kiến của ông không chỉ là phương châm hoạt động của ngành Kiểm sát mà còn được thể hiện tại các quy định trong Luật Tổ chức VKSND. 

Tôi vẫn còn nhớ, vào những năm cuối thập kỷ 80, dư luận rất quan tâm đến vụ án Thân Trung Hiếu, nguyên Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm thất thoát 48 tỉ đồng. Khi Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ vụ án sang VKSND tối cao, đồng chí Trần Quyết đã cùng tập thể lãnh đạo Viện dành nhiều thời gian nghe anh em Điều tra viên và Kiểm sát viên báo cáo cụ thể toàn bộ vụ án. Sau khi nghe, kiểm tra các tài liệu, chứng cứ và cân nhắc thận trọng, đồng chí Trần Quyết thấy về mặt chứng cứ pháp lý chưa đủ cơ sở để kết luận Thân Trung Hiếu phạm tội nên đã quyết định đình chỉ vụ án. Dư luận báo chí lúc này phản ứng gay gắt và kiến nghị cấp trên xem xét lại quyết định này. Viện trưởng Trần Quyết đã đăng đàn, giải trình trước Quốc hội. Sau hai giờ thẳng thắn trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội, đồng chí đã đưa ra những lý lẽ thuyết phục để chứng minh rằng Thân Trung Hiếu không phạm tội. Cuối cùng, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình và tin tưởng ở sự công minh, chính trực của VKSND tối cao. 

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập VKSND, chúng ta cảm ơn, tri ân các đồng chí nguyên Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao và tất cả các lớp cán bộ qua các thời kỳ. Trong đó, có đồng chí Trần Quyết, nguyên Viện trưởng VKSND tối cao, người đã dày công xây đắp ngành Kiểm sát trưởng thành như ngày nay. Với những gì đã làm được, ông đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Qua tấm gương đồng chí Trần Quyết, một thời là Tư lệnh ngành Kiểm sát, tôi đã lĩnh hội được nhiều bài học về tinh thần, ý chí, bản lĩnh của người cán bộ trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đó chính là tinh thần đấu tranh kiên quyết, không có vùng cấm đối với các loại tội phạm phải gắn liền với trái tim nhân hậu, biết thương người, luôn cẩn trọng để không gây oan cho bất cứ người dân vô tội nào. Càng thấy thấm thía hơn những yêu cầu cao đẹp đối với mỗi cán bộ của ngành Kiểm sát: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Bản chất của chế độ được thể hiện một phần trong nhân cách, tư cách của những người cầm cân nảy mực thực thi pháp luật. Cán bộ nghiêm thì dân sẽ nghiêm, xã hội sẽ nghiêm, mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người. Sự tốt đẹp của một chế độ xã hội trước hết phải được thể hiện bởi tính bình đẳng trước pháp luật của mọi người.

Ở đâu có công bằng, ở đó sẽ có nhân phẩm. Ở đâu có nhân phẩm, ở đó sẽ có tình thương và lẽ phải. Ở đâu có tình thương và lẽ phải, ở đó sẽ nảy nở nhiều cái tốt đẹp. Xã hội tất yếu sẽ tốt đẹp như khát vọng của nhân dân ta. Cái tốt đẹp sẽ có cơ hội cảm hóa, làm biến đổi cái xấu xa. Đương nhiên, tội phạm cũng bị phê phán, lên án và trừng trị đích đáng dù họ là ai, ở vị trí nào. Tôi nghĩ, tính nhân văn của công tác kiểm sát là ở đây. Phác thảo đôi nét về chân dung nguyên Viện trưởng VKSND tối cao Trần Quyết, tôi muốn nhắn nhủ lớp cán bộ trẻ ngày nay là cần học tập noi gương các thế hệ đi trước, phát huy truyền thống vinh quang của Ngành, nguyện đem hết sức mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.    

Bút ký của Dương Thanh Biểu