Bỏ lương nghìn USD để về Việt Nam

TS Nguyễn Thị Hiệp (37 tuổi), tốt nghiệp cử nhân Hóa tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, nhận bằng thạc sĩ  và tiến sĩ ngành vật liệu sinh học và kỹ thuật tái tạo mô tại Trường Đại học Soonchunhyang (Hàn Quốc). Năm 2012, chị về nước và làm giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Y sinh Trường ĐH Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM… TS Hiệp có 35 công bố khoa học ISI, 6 công bố khoa học thuộc Tạp chí Quốc tế, 10 bài báo trong nước và hơn 60 bài báo khoa học trong các hội nghị Quốc tế…

Riêng công trình Nghiên cứu keo chống chảy máu dùng để sơ cứu cho người sống ở nơi hẻo lánh, xa bệnh viện của chị đã nhận giải thưởng “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học của Quỹ L’Oréal và UNESCO” tháng 3/2018. TS Hiệp là người thứ hai của Việt Nam nhận giải khoa học trẻ tài năng thế giới này…

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp (người ngồi giữa) đã có nhiều công trình nghiên cứu được vinh danh tầm cỡ Quốc tế. Ảnh: NVCC   

Chia sẻ với chúng tôi, TS Nguyễn Thị Hiệp cho biết: “Sau khi nhận bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ ở Trường Đại học Soonchunhyang (Hàn Quốc) tôi nhận được lời mời làm việc với mức lương 3.000 USD một tháng. Tuy nhiên, tôi đã quyết định từ bỏ tất cả để về Việt Nam làm việc. Những ngày đầu về nước để theo đuổi sự đam mê, ước muốn cống hiến…, tôi đã gặp phải nhiều khó khăn như: thiếu chi phí, thiết bị máy móc, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm...”.

Trước những khó khăn như vậy, TS Hiệp gác lại đam mê và xin làm giảng viên bộ môn Kỹ thuật Y sinh tại Đại học Quốc tế. Có thể nói, TS Nguyễn Thị Hiệp đã thành công khi đặt viên gạch đầu tiên cho phòng thí nghiệm y học tái tạo... Để làm được điều này, TS Nguyễn Thị Hiệp và GS.TS Võ Văn Tới (Trưởng bộ môn Kỹ thuật Y sinh) đã phải đi vay tiền, mua từ những thiết bị đơn giản nhất để làm thí nghiệm. TS Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ: “Để có kinh phí, tôi phải tìm nguồn tài trợ từ nước ngoài, tôi đã viết hàng loạt bài báo để kiếm tiền về cho nhóm… Rồi có những thời điểm, tôi thực hiện đề tài nghiên cứu không lương, rồi phải nuôi con… Tôi đã phải đấu tranh, lựa chọn và quyết tâm mới theo được nghề”, TS Nguyễn Thị Hiệp vui vẻ chia sẻ thêm. Sự động viên của thầy cô, học trò và sự cảm thông của gia đình là động lực giúp chị vững chắc trên con đường nghiên cứu khoa học…

Khi chúng tôi hỏi: “Vì sao chị lại chọn con đường nghiên cứu khoa học?”. TS Hiệp vui vẻ cho hay, thời còn học cấp 2, chị đã rất thích làm các thí nghiệm. Chị tự đo độ PH, nước vo gạo, lượng muối… để thí nghiệm ngâm măng tươi sao cho măng ăn ngon, giữ được lâu và an toàn cho sức khỏe. Từ những thí nghiệm rất đỗi đời thường ấy mà chị đam mê nghiên cứu khoa học sau này…

Điều trị vết thương không cần khâu

Từ những nỗ lực nghiên cứu không mệt mỏi, TS Hiệp đã nhận được hàng loạt giải thưởng danh giá của thế giới. Cụ thể: giải Nhất Phát minh Khoa học xuất sắc nhất năm về Nghiên cứu và phát triển các thiết bị phục vụ cho phòng nuôi cấy tế bào, ĐH Soonchunhyang năm 2011; Giải thưởng cho nhà khoa học nữ (L’Oreal for Women in Science) về Biến tính bề mặt titanium bằng Col-I/Fn dùng phương pháp điện di - Khảo sát tính chất và hợp tính sinh học. L’Oreal Vietnam năm 2016; Giải nhất Giải thưởng ASEAN–US-2017 về Giải pháp giảm áp lực lên các thành phố đô thị hóa nhanh- mảng sức khỏe cộng đồng, ASEAN-2017…

Tiếp tục câu chuyện, TS Hiệp chia sẻ về Dự án mà chị tự hào nhất, đó là một loại keo sinh học được làm từ axit hyaluronic, một loại protein tự nhiên và chitosan, một chất được tìm thấy trong bộ xương của động vật có vỏ… “Với loại keo này thì có thể được sử dụng để hàn kín vết thương, có thể được nạp với các tế bào hoặc các thành phần cụ thể để điều trị. Chúng tôi đang nghiên cứu khả năng để cầm máu khi có vết thương….”, TS Hiệp cho biết.

TS Nguyễn Thị Hiệp được sinh ra ở vùng ngoại thành TP HCM và chứng kiến không ít người bị thương chảy máu, khi mang lên trạm y tế đã bị mất máu quá nhiều vì trạm ở xa, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu trang thiết bị…Thậm chí, có trường hợp vết thương nặng nhưng phải di chuyển hơn 20 km bằng xe đạp để đưa nạn nhân đến bệnh viện thì nạn nhân đã kiệt sức hoặc chết. “Để hạn chế những rủi ro trên thì việc kịp thời sơ cứu ban đầu rất quan trọng, tránh bị nhiễm trùng trong giai đoạn đầu và nếu dùng kháng sinh cũng rất nguy hiểm...” 

Do đó, TS Hiệp đã tập trung nghiên cứu các vật liệu sinh học như: gel, băng dán và vật liệu hồi phục vết thương không cần khâu để người bệnh có thể sử dụng trực tiếp tại nhà hoặc tại hiện trường khi xảy ra tai nạn. Với sản phẩm này có thể dán ngay lập tức lên tất cả vết thương, giúp diệt vi khuẩn và thúc đẩy sự tái tạo mô nhanh. Đồng thời, khi dán lên, gel sẽ tạo thành một lớp màng để ngăn ngừa chảy máu, hấp thụ chất lỏng từ vết thương và ngăn vi sinh vật…

“Tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng, các đơn vị cấp kinh phí quan tâm đến các đề tài nghiên cứu khoa học của chúng tôi để có thể nghiên cứu sâu hơn về mặt sinh học, cùng với các thí nghiệm trên động vật cũng như trên bệnh nhân để đưa sản phẩm ra thị trường cho người Việt…”, TS Hiệp đề xuất. Được biết, để phát triển các nghiên cứu, hiện nay tại Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, TS Hiệp đang cùng với Trưởng khoa là GS.TS Võ Văn Tới và các đồng nghiệp, xây dựng định hướng về kỹ thuật tạo mô và phục hồi (TERM) bằng cách thiết kế các khóa học mới, giảng dạy, tư vấn, xây dựng phòng thí nghiệm. Đồng thời, tổ chức các hội nghị quốc tế, qua đó đã góp phần nâng cao uy tín của chương trình Kỹ thuật Y sinh, đứng đầu tại Việt Nam và đứng thứ hai trong số tất cả các chương trình học của mạng lưới các trường đại học hàng đầu khu vực ASEAN.

Đề tài nghiên cứu của TS Hiệp đã và đang được nhiều người biết đến, đặc biệt quan tâm. Nhưng đối với TS Hiệp, điều lo lắng nhất hiện nay là làm thế nào để bảo vệ dự án này. Hiện TS Hiệp đang xúc tiến việc làm bằng sáng chế. “Sau khi qua Thụy Sĩ học về việc bảo vệ ý tưởng khi mình làm nghiên cứu và sản phẩm nghiên cứu của mình, tôi mới biết được việc sáng chế này không phải bảo vệ cho mỗi bản thân mình mà bảo vệ cả dân tộc, bảo vệ con người sau này.

Giả sử, nếu mình không bảo vệ sáng chế của mình, thì những nước khác thấy được thành tựu này họ sẽ bảo vệ và bán lại sản phẩm với giá rất đắt… Điều mà tôi ấp ủ và mong muốn là tất cả các nhà khoa học phải chú ý đến bằng sáng chế và phải biết bảo vệ cái gì mình làm ra. Tôi cũng sẽ cố gắng bảo vệ được sáng chế, đưa ra thị trường sản phẩm với giá rẻ và mong có sự giúp đỡ của Nhà nước để sớm đưa ra sản phẩm cho người Việt Nam”, TS Hiệp chia sẻ.

Việt Hoa